Bất chấp việc hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ điện máy rơi vào vòng xoáy phá sản, tìm hướng liên doanh liên kết, mảnh đất kinh doanh điện máy vẫn được đánh giá là rất mầu mỡ và còn nhiều tiềm năng.
Nghịch lý xuất khẩu cá tra
- Cập nhật : 17/10/2015
(Tin kinh te)
Là một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực, cá tra Việt Nam chiếm khoảng 95% thị phần cá tra thế giới. Tuy nghiên, suốt thời gian qua, XK cá tra thường xuyên rơi vào tình trạng lao đao mà nguyên nhân xuất phát từ chính những yếu kém nội tại cố hữu của ngành.
Bị thị trường chi phối
Suốt từ đầu năm đến nay, XK cá tra sụt giảm tại hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil và chỉ tăng tại thị trường Trung Quốc.
Theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT): Hiện cá tra Việt Nam đã XK đến trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên việc XK cá tra phải đối đầu với những thử thách bởi các hàng rào kỹ thuật (truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, vi sinh vật…), các rào cản thương mại (thuế chống bán phá giá của Mỹ, nhãn đỏ của Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên…) cùng với tác động của các chính sách vĩ mô (thuế, tiền tệ…). Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cá tra chưa được đầu tư đúng mức. Trong năm nay, giá bán cá tra trung bình chỉ đạt khoảng 2 USD/kg, bằng 51% so với giá bán của năm 2000.
Xung quanh vấn đề này, theo ông Trần Văn Hài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến, cụm Công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp): Cá tra Việt Nam chiếm khoảng 95% thị phần cá tra thế giới lẽ ra phải chi phối thị trường nhưng thực tế lại đang bị thị trường chi phối ngược. Bằng chứng là, cá tra Việt Nam liên tục bị kiện bán phá giá, bị bôi nhọ hình ảnh. Việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN XK càng làm cho tình hình thị trường không mấy khả quan. Thực tế, trong vòng 10 năm qua, giá fillet cá tra đã sụt giảm mạnh khoảng 25%.
Theo ông Hài, mặc dù ngành cá tra có nhiềm tiềm năng song điểm yếu lớn lại là các mối liên kết cả ngang và dọc trong toàn chuỗi sản xuất và tiêu thụ thời gian qua khá yếu. Đặc biệt, mắt xích giữa người nuôi và nhà sản xuất, chế biến trong mối liên kết dọc hầu như không có. Xung đột lợi ích giữa hai mắt xích này liên tục diễn ra. Khi nguyên liệu có dấu hiệu dư thừa thì nhà máy ép giá. Khi thị trường có dấu hiệu “ấm lên”, người nuôi lại ghìm hàng không bán hoặc mặc cả giá cao.
Tăng hiệu quả chuỗi giá trị
Đề cập tới chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra, theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, hiện nay có một số loại hình liên kết: Liên kết giữa hộ/ DN nuôi cá với cơ sở cung ứng thức ăn; liên kết giữa hộ nuôi cá-DN chế biến trong tiêu thụ và/hoặc cung ứng thức ăn; liên kết nuôi gia công giữa hộ nuôi cá và DN chế biến; liên kết thuê ao nuôi cá giữa hộ nuôi cá và DN chế biến.
Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết này chưa được bền chặt. Nhiều hợp đồng liên kết cung cấp và thu mua sản phẩm giữa DN với nông dân nuôi cá được ký kết nhưng không được thực hiện nghiêm túc. Các vụ việc phá vỡ hoàn toàn hợp đồng, trì hoãn thanh toán tiền, hạ cấp sản phẩm một cách tùy tiện đã gây nhiều khó khăn cho phía người nuôi cá, nhất là những người nuôi cá theo mô hình hộ gia đình. Bên cạnh đó, trong tổ chức sản xuất của các hộ gia đình nuôi cá tra hiện nay, vai trò của Hội/Hiệp hội Thủy sản ở các địa phương còn khá mờ nhạt.
Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng, để dần khẳng định vị thế và nâng cao giá trị XK cá tra, cần tiến hành tổng thể nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá tra. Cụ thể, cần định hướng thắt chặt liên kết ngang từ người nuôi, DN cung cấp con giống, thức ăn, DN chế biến, XK…, nhất là liên kết ngang của các DN XK ở từng thị trường cụ thể. Nếu DN liên kết ở từng thị trường XK để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin chất lượng, giá cả sản phẩm sẽ tạo nên thế mạnh ở từng thị trường cụ thể thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Đối với Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đề nghị cập nhật liên tục và kịp thời các tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường NK và công nhận sự tương tương của các tiêu chuẩn nước ngoài với tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ địa phương theo chương trình dự án chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao; hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến cho địa phương và các DN.
Xung quanh câu chuyện làm thế nào để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cá tra, từng bước nâng cao giá trị cũng như vị thế của cá tra XK, một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cả Trung ương lẫn địa phương cần phân công cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình dự báo cầu thị trường cá tra, từ đó đưa ra chính sách quản lý, điều tiết, quy hoạch lại sản xuất.
Đối với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, điều cần thiết là phải làm tốt công tác kết nối các DN để chia sẻ thông tin, khai thác tiềm năng thị trường. Đồng thời, Hiệp hội cũng phải làm đầu mối hỗ trợ kết nối giữa các nhóm DN, tư vấn cho DN trong quá trình thuê gia công sản xuất; xây dựng cổng thông tin điện tử và sàn giao dịch trực tuyến hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin và hình thành kênh bán hàng mới…
Ngoài ra, kết nối với các đơn vị tổ chức hội chợ tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Mỹ, Bỉ… để tham gia quảng bá và xây dựng hình ảnh cá Tra Việt Nam; khuyến khích và hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm cá tra của DN cũng là giải pháp quan trọng cần thúc đẩy.
Theo Thanh Nguyễn
Báo Hải Quan