Với việc nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nước trên thế giới bắt đầu cắt viện trợ cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực IP, như HIV là ví dụ điển hình, ngoài ra còn có rất nhiều bệnh khác nữa. Trong điều kiện ngân sách còn thiếu thốn, việc huy động viện trợ quốc tế để có được các kinh phí để chi trả cho việc thuốc men, điều trị, cũng như các dịch vụ đi kèm đã là một nỗ lực rất lớn của chính phủ Việt Nam
ASEAN: Thị trường thương mại 31 tỷ EUR của Pháp
- Cập nhật : 21/06/2018
Pháp coi Đông Nam Á là thị trường nhiều tiềm năng và Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác kinh tế quan trọng trong chính sách ở châu Á.
Thị trường có sức tăng trưởng cao từ 5 - 7%
Từ vài năm nay, các nhà lãnh đạo cao nhất của Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của thị trường ASEAN trong bối cảnh các nước thành viên đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế. Với dân số trên 600 triệu người (khoảng 9% dân số thế giới), ASEAN là thị trường lớn có sức tăng trưởng cao từ 5 - 7%. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là bước đi lớn làm tăng sức hấp dẫn của khu vực.
Tiến trình hội nhập của ASEAN cho thấy đây là khu vực ủng hộ mở cửa và tự do thương mại, từ đó tạo cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sự lựa chọn khác và mới mẻ, thay thế những thị trường lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nền kinh tế của cả khu vực hội nhập rất cao vào chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu, và không chỉ có vậy, nội bộ 10 nước Đông Nam Á cũng hình thành một thị trường mở cửa với nhau.
Theo số liệu của Kho bạc Pháp, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này tại châu Á, với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 31 tỷ EUR năm 2017, tăng 5,9% so với năm trước đó. Xuất khẩu của Pháp tăng nhẹ, đạt 3,7% trong khi nhập khẩu tăng mạnh hơn, tới 8,1%. Trong bức tranh chung đó, thị phần của Pháp trong khu vực đạt khoảng 1,6%. Dù tỷ lệ này không cao nhưng gần như duy trì ổn định trong 10 trở lại đây. Đây là xu hướng tương đối tích cực nếu so sánh với các thị trường khác, thị phần của Pháp có xu hướng giảm.
Xuất khẩu của Pháp sang Thái Lan tăng 33%, Malaysia tăng 23%, Singapore tăng 10%, Việt Nam tăng 7,9%, Myanmar tăng 5,1%, những số liệu cho thấy sản phẩm xuất xứ từ đất nước “Gà trống Gaulois” được đón nhận khá tích cực ở các thị trường chính.
Dòng vốn Pháp đang “chảy” về ASEAN
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Pháp đổ vào Đông Nam Á cũng khá lớn. Tính đến năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp của Pháp sang ASEAN đạt khoảng 16 tỷ EUR, mức lớn thứ ba, sau đầu tư của Pháp sang Trung Quốc và Nhật Bản.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary nhận định, ASEAN là thị trường còn có tiềm năng thu hút đầu tư Pháp rất lớn, trong đó Việt Nam có thể coi là một điển hình vì khoảng 60% xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại Đông Nam Á, bà Jacky Deromedi, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Đông Nam Á, cho biết doanh nghiệp Pháp rất được chào đón trong khu vực và người Pháp có thể coi đây là đất nước thứ hai, con cái họ có điều kiện phát triển trong môi trường cởi mở. Bà khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tới khu vực này vì “Đông Nam Á chỉ có toàn các lợi thế, một khu vực đang cất cánh mạnh mẽ, một thị trường có tiềm năng rất lớn”.Tại Việt Nam, doanh nghiệp Pháp đã giành một chỗ đứng nhất định với khoảng 300 dự án hoạt động, ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác đang tích cực tìm hiểu cơ hội đầu tư, do vị trí đầu cầu của Việt Nam để bước vào thị trường ASEAN rộng lớn. Theo ông Lortholary, “Pháp có thể giành một vị trí tốt trong khu vực ASEAN đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc”.
Theo Đại sứ Singapore tại Pháp, Zainal Arif Mantaha, sự gia tăng ổn định của tầng lớp trung lưu, dự báo sẽ tăng gấp 4 lần từ nay đến năm 2030, sẽ là một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Pháp vốn có thế mạnh trên những lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp hàng không, hàng xa xỉ hay công nghiệp thực phẩm. ASEAN đã sẵn sàng cho những cơ hội mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế số.
Còn ông Joffrey Célestin-Urbain, Phó Giám đốc phụ trách quan hệ song phương của Kho bạc Pháp, nhận xét cơ sở hạ tầng hay biến đổi khí hậu là những lĩnh vực đầu tư mà Pháp có ưu thế lớn trong khu vực. Tại các nước Đông Nam Á, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản rất lớn. Ngân hàng phát triển châu Á ước tính khu vực cần khoảng 3.150 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong giai đoạn từ 2016 đến 2030, tức là khoảng hơn 200 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 5% GDP của khu vực.
Có tới 4 nước trong khu vực nằm trong diện những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu. Trong vài năm tới các nước sẽ phải đầu tư khoảng 200 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trang Lê
Theo Nhipcaudautu.vn