Giá heo hơi của VN vẫn giữ ở mức 48.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra khiến nguy cơ thịt đông lạnh từ Mỹ tràn vào Việt Nam sẽ đến sớm.
Vì sao xuất khẩu hải sản sang EU có xu hướng sụt giảm?
- Cập nhật : 22/05/2018
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các mặt hàng hải sản (trừ cá biển) của Việt Nam sang các thị trường, nhất là EU có xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian gần đây.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá ngừ mặc dù tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 184 triệu USD, tuy nhiên trong tháng 4, xuất khẩu mặt hàng này không còn duy trì tăng trưởng dương như những tháng trước, giảm gần 4%.
Riêng thị trường EU, xu hướng sụt giảm này thể hiện khá rõ rệt hơn. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4/2018 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái; mực, bạch tuộc giảm 41%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%...
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu các mặt hải sản sang EU có xu hướng sụt giảm trong thời gian gần đây chủ yếu là do các doanh nghiệp đang thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hải sản sang EU của doanh nghiệp khá lớn, tuy nhiên nguồn nguyên liệu khai thác trong nước để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc lại không nhiều.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng cá ngừ khai thác tại 3 tỉnh chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương đạt khoảng 7.400 tấn cá ngừ, giảm 14% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, tại Bình Định sản lượng khai thác thủy sản cá ngừ đại dương chỉ đạt 4.150 tấn, giảm mạnh nhất lên tới 18% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp ghi nhận từ các ghe tàu cho biết, nguồn lợi thủy hải sản khai thác trong vài năm gần đây đã bắt đầu suy giảm mạnh. Lượng nguyên liệu hải sản khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn, bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty cho biết, từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu doanh nghiệp thu mua trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% công suất chế biến của nhà máy. Trong khi đó, các đối tác nhập khẩu EU lại chỉ yêu thích và chấp nhận sản phẩm có nguồn gốc được khai thác, đánh bắt ở vùng biển Việt Nam. Do vậy, việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất dẫn đến doanh thu không đảm bảo, doanh nghiệp phải bù thêm trả lương cho công nhân.
Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp thì tình hình xuất khẩu hải sản sang EU vẫn diễn ra bình thường, nếu doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu cũng như có chứng nhận khai thác thủy hải sản rõ ràng. Tuy nhiên, xu hướng sụt giảm xuất khẩu các mặt hàng hải sản ở thị trường EU cũng cho thấy vấn đề thẻ vàng IUU đang bắt đầu thể hiện tác động tiêu cực đến thị trường này.
Theo VASEP, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến các quy định IUU. Tuy nhiên giai đoạn đầu, các doanh nghiệp có thể còn thận trọng, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục. Vì vậy, ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hải sản, nhất là đối với những mặt hàng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn, nhiều tàu hàng.
Như vậy, tính đến ngày 22/5 đã tròn 7 tháng kể từ sau khi hải sản Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh cáo vì cho rằng không đáp ứng các quy định về IUU (các quy định chống lại nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Hiện đoàn công tác của Tổng cục Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EU vẫn đang đi khảo sát và làm việc với các đơn vị liên quan tại Việt Nam trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo H.Chung (TTXVN)