Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tiểu vương quốc Ả - Rập thống nhất (UAE) tăng trưởng mạnh. Để hiểu thêm về các quy định pháp quy của UAE trong quản lý XNK, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á vừa công bố một số chính sách, quy định về thuế quan của UAE
TPP và Canada
- Cập nhật : 05/09/2015
Giằng co 2%TPP còn lại
Tuần rồi, Didier Drogba ký hợp đồng với đội Montreal Impact, và ra mắt tại sân vận động Saputo - được đặt tên theo tên tập đoàn bơ sữa hùng mạnh ở tỉnh Quebec với doanh thu hơn 9 tỉ đô Canada năm ngoái. Đàm phán TPP đã hoàn tất 98%, nhưng vẫn chưa kết thúc được tại Hawaii chỉ vì vài khúc mắc như về ô tô, nông sản, và sở hữu trí tuệ trong ngành dược. Ngành bơ sữa, thịt gà và trứng là nút thắt chính chưa gỡ được của Canada đối với các đối tác TPP, và có thể là vấn đề nổi cộm trong chiến dịch tranh cử liên bang vừa mới bắt đầu tuần này.
Lâu nay Canada không muốn mở rộng cửa để hàng ngoại vào một số thị trường nông sản được bảo hộ chặt chẽ. Đây là một mắt xích trong chuỗi các nhượng bộ “có qua có lại mới toại lòng nhau” giữa các nước TPP. New Zealand, một nước xuất khẩu lớn về hàng bơ sữa, đòi Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn, còn Mỹ đòi Canada mở cửa rộng hơn thị trường bơ sữa để có chỗ xuất khẩu những sản phẩm bị hàng nhập khẩu từ New Zealand đánh bật khỏi thị trường nội địa của Mỹ. Nếu Canada chiều theo áp lực nặng nề buộc phải cho phép nhập khẩu hàng bơ sữa và thịt gà nhiều hơn, điều này có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề cho tương lai của giới nông dân sản xuất bơ sữa ở Canada.
Gần đây, Canada thường bị Mỹ phê phán vì không nói rõ Canada sẵn sàng mở cửa đến đâu để cho phép hàng ngoại vào cạnh tranh với các ngành bơ sữa và thịt gà. Với sự ủng hộ nhiệt thành của hai nước xuất khẩu nông sản lớn là New Zealand và Úc, Mỹ đã ra “giá vé vô cửa” là Canada phải nhượng bộ về hệ thống quản lý nguồn cung từ khi Canada muốn tham gia TPP vào năm 2011. Chính sách quản lý nguồn cung được thực hiện qua các hội đồng tiếp thị nông sản. Giới chỉ trích xem hệ thống này là bức tường bảo hộ, một loạicartelấn định giá, hạn ngạch sản lượng và thuế nhập khẩu cao để ngăn cản hàng ngoại.
Ai từng theo dõi những lần Canada đàm phán thương mại các hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu, Bắc Mỹ, và Mỹ trước đây đều đã chứng kiến cảnh giằng co này. Lần này, Canada cũng dùng dằng, cật vấn tại sao Mỹ không bỏ hệ thống tương tự bảo hộ ngành sản xuất đường. Chính giới ở Mỹ nào dám nghĩ tới chuyện bỏ hoặc giảm bớt số trợ cấp 1.000 tỉ đô Mỹ mà Quốc hội phê chuẩn cho nông dân Mỹ.
Một số nghị sĩ Mỹ viết thư ngỏ nói rằng việc Canada không muốn giải thể các hội đồng tiếp thị nghĩa là Canada không nghiêm túc trong đàm phán TPP. Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman ngầm dọa sẵn sàng để Canada đứng ngoài TPP nếu Canada quá cứng nhắc, không chịu nhượng bộ thêm. Nhật, một đấu thủ lớn trong TPP, cũng phụ họa: Bộ trưởng Kinh tế Nhật nói Canada có thể bị loại khỏi cuộc chơi này.
Những ngành nông sản khác của Canada sốt ruột khi thấy chính phủ quá tập trung vào giới sản xuất bơ sữa và thịt gà, vì còn nhiều lợi ích liên quan khác. Các ngành nông sản xuất khẩu như thịt bò, thịt heo, lúa mì và lúa mạch không có hệ thống quản lý nguồn cung, và Canada sẽ tổn thất nặng nề nếu không tham gia hiệp định lớn như vậy. Ví dụ, Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là thị trường hấp dẫn trong đàm phán TPP vì xưa nay Nhật ký tương đối ít hiệp định thương mại và thị trường nội địa vẫn tương đối chưa được các công ty nước ngoài khai thác. Nhật đã ngỏ ý giảm thuế nhập khẩu 38,5% đối với thịt bò ngoại xuống còn 9% trong 15 năm, và giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo ngoại.
Chính trị và nông sản
Brian Innes, chủ tịch Liên minh Thương mại Nông sản Canada chủ trương ủng hộ thương mại tự do, nhận xét rằng điều sai lầm là phần lớn những bàn luận về TPP ở Canada chỉ chú trọng tới thị trường nội địa, mà quên rằng khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế sẽ giúp kinh tế tăng trưởng, tạo ra việc làm và hỗ trợ các cộng đồng. Ông cho biết trong 10 năm qua ở Canada, nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản đã tăng 80%, từ 31 tỉ lên tới hơn 56 tỉ đô Canada. Trong thư ngỏ gởi thủ tướng Stephen Harper hôm 11-6, liên minh này cảnh báo về tác hại lớn lao nếu Canada không tham gia TPP, hoặc vào trễ.
John Manley, cựu phó thủ tướng và hiện là chủ tịch Hội đồng Tổng Giám đốc Canada, nói do dùng hệ thống quản lý nguồn cung để bảo hộ nông sản, Chính phủ Canada khiến nước này tụt hậu trong đàm phán thương mại quốc tế. Ông gọi những ngành được nhà nước quản lý giá và sản lượng này là tàn tích cuối cùng trên thế giới của kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Liên Xô, và nói rằng TPP có ý nghĩa hệ trọng để vực dậy kinh tế Canada đang suy sụp.
Đảng Bảo thủ cầm quyền mong kết thúc đàm phán TPP trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. (hôm 2-8 Thủ tướng Harper đề nghị và được Toàn quyền David Johnston cho phép giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử liên bang vào ngày 19-10). Đảng Bảo thủ muốn có TPP trong tay để chứng tỏ khả năng quản lý kinh tế của mình, nhất là giữa lúc số liệu tăng trưởng cho thấy kinh tế Canada trên lý thuyết đã chính thức suy thoái, Ngân hàng Trung ương đã hai lần liên tiếp giảm lãi suất trong năm nay, còn đồng đô Canada tụt giá mạnh, rớt xuống mức thấp nhất so với đồng đô Mỹ trong 11 năm qua.
Vòng đàm phán TPP bất thành này đặt chính phủ của Đảng Bảo thủ vào tình thế khó xử: phải thương lượng về vấn đề gây tranh cãi như mở cửa thị trường nông sản giữa lúc phải giành giật từng lá phiếu quý báu trong bầu cử liên bang. Đảng Bảo thủ nắm chính quyền đa số ở cấp liên bang, nhưng hiện nay đang trong thế so kè với Đảng Tân dân chủ (NDP) trên toàn quốc, và đua tranh với Đảng Tự do tại Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada. Đảng Bảo thủ hiện rất cần nhiều ghế dân biểu đại diện cho Quebec, tỉnh đông dân thứ nhì Canada, một phần để bù đắp lại nguy cơ mất một số ghế đại diện cho miền Tây Canada nói chung, và Alberta nói riêng.
Nông dân ngành bơ sữa và chăn nuôi gia cầm có thể tạm vui với tin vòng đàm phán TPP chưa thể đạt được kết quả như mong muốn, vì họ có thể dùng lá phiếu của mình để bảo vệ nồi cơm. Phần lớn các trang trại bò sữa của Canada nằm ở Quebec. Tuy nhiên, họ không còn ảnh hưởng mạnh trong bầu cử liên bang như trước kia.
Trước đây, khi bất bình với chính phủ, nông dân đem bò ra giết công khai, phần để gây sốc, phần để chứng tỏ bò chẳng có giá trị gì. Những trò phản đối kiểu này xem ra không còn mấy tác dụng. Sức mạnh chính trị của ngành này đã giảm đáng kể. Canada hiện có khoảng 12.000 trang trại bò sữa, giảm từ 145.000 năm 1971. Và số hiện nay phân tán rải rác trên bản đồ khu vực bầu cử, nên không tập trung phiếu. Theo một báo cáo năm 2012 của một dân biểu thuộc Đảng Tự do, chỉ có 13 khu vực bầu cử có hơn 300 trang trại bò sữa.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 29-7, thủ tướng Harper khẳng định Canada không thể đứng ngoài hiệp định tầm cỡ như vậy, và chính phủ sẽ cố gắng hết mình để bảo vệ quyền lợi của mọi ngành ở Canada. Nhiều người trong ngành bơ sữa có cảm nhận rằng chính phủ liên bang có thể sắp sửa đánh đổi ngành này để có thể dự phần trong cái bánh lớn. Diễn biến của chiến dịch tranh cử trong vài tháng tới, nhất là tỉ lệ ủng hộ các đảng trong các cuộc thăm dò dư luận, sẽ cho thấy liệu chính phủ có chấp nhận “thả con săn sắt bắt con cá rô”