Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quy tắc xuất xứ được coi là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do nào, trong đó có TPP.
Những điểm cần lưu ý nếu muốn chinh phục thị trường Australia
- Cập nhật : 30/07/2017
Thị trường Australia đầy tiềm năng nhưng lại có nhiều điểm khác biệt so với thị trường Việt Nam. Mới đây chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ những điểm khác biệt đó đồng thời đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Tại hội thảo phổ biến thông tin thị trường Australia, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, bà Phan Thị Diệu Linh, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương đã chia sẻ sự khác biệt giữa thị trường Australia và Việt Nam. Qua đó, bà Linh đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu để tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Sự khác biệt giữa 2 thị trường
Việc nắm bắt sự khác biệt giữa 2 thị trường được xem là nhân tố quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là khi thị trường Australia có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam.
Tại hội thảo bà Linh đưa ra một số lưu ý dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với mặt hàng dệt may. Thời kỳ mua quần áo của Australia ngược so với châu Á Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, người tiêu dùng Australia chỉ quan niệm có mùa hè và mùa đông, không có quần áo mùa xuân và mùa thu. Vì vậy quần áo mùa xuân và mùa thu khó có thể tiêu thụ được thị trường này. Đồng thời do thời gian mùa giữa 2 quốc gia trái nhau nên doanh nghiệp nhập khẩu Australia coi quần áo họ nhập khẩu là cuối mùa nên họ luôn muốn nhận được báo giá thấp hơn so với doanh nghiệp Mỹ và châu Âu từ 5-10%.
Đơn hàng đầu tiên của thị trường Australia thường nhỏ do họ muốn kiểm tra thị hiếu của người tiêu dùng trước khi tiến tới nhập đơn hàng lớn hơn.
Người Australia không thích mặc cả nên khi doanh nghiệp Việt Nam gửi báo giá cần phải suy xét giá cả cho hợp lý. Nếu giá cả không hợp lý thì họ sẽ không xét đến đơn chào hàng đó và họ sẽ không phản hồi về phía doanh nghiệp xuất khẩu. Bà Linh khuyến nghị giá không nên vượt quá 20%.
Thị hiếu thị trường
Thị trường Australia được coi là thị trường mở, dễ tiếp cận và đầy tiềm năng. Trao đổi tại hội thảo, bà Linh đồng thời chia sẻ một số thông tin về sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng Australia.
Bà cho biết, người Australia đề cao "giá trị tương xứng của đồng tiền", tức là họ mong muốn nhận được sản phẩm có chất lượng tương xứng với giá trị của nó. Mặc dù quan điểm này phổ biến rộng rãi ở nhiều thị trường nhưng đối với quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao như Australia thì phương châm này càng được coi trọng.
Bên cạnh đó, Australia có thái độ khá cởi mở với hàng hóa nhập khẩu bởi đây là thị trường khá cởi mở đồng thời sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cuối cùng, người tiêu dùng Australia rất yêu thích chính sách hoàn trả hàng. Sau khi người tiêu dùng mua hàng, có thể họ thay đổi sở thích, họ vẫn muốn được trả lại hàng và nhận lại tiền. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa quen với chính sách này nhưng người tiêu dùng Australia lại rất chú trọng vào chính sách hoàn trả hàng bởi họ muốn được đảm bảo về chất lượng.
Phương thức tiếp cận
Bà Linh đề xuất các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đầu tư để tìm hiểu thị hiếu của thị trường bởi người Australia không thích lãng phí thời gian cho sản phẩm mà họ không có nhu cầu. Đồng thời giá cả các mặt hàng cần phải cạnh tranh.
Một lưu ý mà bà Linh nhấn mạnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt là người Australia muốn đối tác đến văn phòng thay vì "chỗ này chỗ nọ" để bàn chuyện làm ăn.
Một số biện pháp tiếp cận khác như tham gia các triển lãm giới thiệu sản phẩm quốc gia và xây dựng hình ảnh sản phẩm cũng được bà Linh nhấn mạnh.
Tiềm năng xuất khẩu một số mặt hàng sang Australia
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quy tắc xuất xứ - Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia còn rất khiêm tốn, mới dừng ở mức 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.
Trong thời gian sắp tới Australia sẽ là thị trường đầy hứa hẹn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ nông, lâm, thủy, sản đến máy móc điện tử, bà Linh cho hay.
Thủy sản được xem là mặt hàng đầy tiềm năng do tiêu thụ mặt hàng này tăng nhanh - khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng nước này chỉ đạt 220.000 tấn. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu trong nước, quốc gia cần phải nhập khẩu khoảng hơn 700.000 tấn. Hiện nay, Việt Nam là Quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 sang Australia chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan. Hơn thế nữa, người tiêu dùng nước này rất ưa thích tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam do giá cả hợp lý và chất lượng cá nước ngọt Việt Nam dễ ăn. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng của những người châu Á tại Australia rất lớn
Hạt điều của Việt Nam cũng là mặt hàng đầy hứa hẹn được người tiêu dùng Australia ưa chuộng. Hiện nay Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Australia với tỷ trọng xấp xỉ 74%. Hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang Australia chủ yếu là hạt điều nhân vì vậy bà Linh khuyến nghị các doanh nghiệp cần linh động đa dạng sản phẩm của mình.
Một số mặt hàng như gỗ và sản phẩm từ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc thiết bị cũng được coi là những mặt hàng đầy tiềm năng trên thị trường Australia.
Tuy nhiên, bà Hiền còn nhấn mạnh mặc dù tiềm năng hàng Việt trên thị trường Australia lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đáp ưng nhu cầu khắt khe không chỉ từ thị trường này mà còn nhiều thị trường lớn khác trên thế giới.
Đức Quỳnh
Theo NDH.VN