Những hình ảnh gây sốc mới vừa xuất hiện cho thấy, những mớ bùi nhùi dây điện vô cùng nguy hiểm được treo ngang dọc khắp trung tâm thủ đô đông đúc ở Ấn Độ.
Đàm phán liên Triều bên bờ vực chiến tranh
- Cập nhật : 23/08/2015
(Tin kinh te)
Triều Tiên sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực. Các binh sĩ đã triển khai pháo bắn thẳng 76,2 mm. Tám máy bay Hàn-Mỹ bay thị uy trên không phận Seoul.
Hai tiếng trước khi tối hậu thư 48 tiếng của CHDCND Triều Tiên hết hạn (Triều Tiên sẽ trả đũa quân sự nếu Hàn Quốc không bỏ loa tuyên truyền), hai miền Triều Tiên đã nhất trí tiếp xúc với nhau.
Đàm phán vào giờ chót
Lúc 15 giờ ngày 22-8, ông Kim Kyou-hyun, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, thông báo CHDCND Triều Tiên đã đưa ra đề nghị tổ chức tiếp xúc liên Triều. Phía Triều Tiên đề nghị Bí thư đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang-gon sẽ tiếp xúc với Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin.
Hàn Quốc đề nghị thay Bí thư Kim Yang-gon bằng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Hwang Pyong-so. Triều Tiên trả lời sẽ cử cả hai ông đồng thời đề nghị bên đối thoại Hàn Quốc sẽ gồm có Cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo.
Hàn Quốc đồng ý và gợi ý hai bên sẽ tiếp xúc lúc 18 giờ ngày 22-8 ở khu vực phía Nam của Nhà Hòa bình tại làng Bàn Môn Điếm. Triều Tiên đồng ý. Lúc 18 giờ 30, cuộc hội đàm diễn ra trễ 30 phút. Thành phần tham dự đúng như hai bên đã thỏa thuận.
Trước đó, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Hwang Pyong-so đã từng hội đàm liên Triều với Cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-jin ngày 4-10-2014 nhân Đại hội thể thao châu Á ở Incheon (Hàn Quốc).
Chỉnh súng chờ giờ khai hỏa
Cho dù hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp liên Triều, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng.
Tại CHDCND Triều Tiên, đêm 21-8, hãng thông tấn KCNA đã phát thông báo của chính phủ Triều Tiên cảnh báo đã sẵn sàng chiến tranh tổng lực để tự vệ. Thông báo tuyên bố: “Quân đội của chúng ta và nhân dân chúng ta đã sẵn sàng liều mình cho chiến tranh tổng lực không chỉ để đáp trả mà còn để bảo vệ chế độ mà nhân dân chúng ta đã chọn lựa”.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định Triều Tiên không khơi mào vụ bắn pháo hôm 20-8 với Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao tố cáo Hàn Quốc bịa đặt và lên án Mỹ là nguồn cơn cho câu chuyện bịa đặt của Hàn Quốc.
Trong ngày 21-8, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục chủ trì cuộc họp Quân ủy Trung ương. Ông chỉ đạo cho các đơn vị triển khai ở biên giới sẵn sàng chiến đấu.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết ngày 22-8, quân đội Triều Tiên đã triển khai pháo bắn thẳng 76,2 mm ở một số vị trí tại khu phi quân sự nhằm chuẩn bị tấn công các trạm phát thanh Hàn Quốc khi tối hậu thư hết hạn.
Nguồn tin nhận định do pháo nhiều nòng 122 mm có thể gây thiệt hại lớn nên Triều Tiên chỉ sử dụng pháo 76,2 mm. Vấn đề là radar khó phát hiện vị trí bắn của pháo 76,2 mm vì đây là loại pháo bắn thẳng.
Nguồn tin cho biết tại một số khu vực, các binh sĩ Triều Tiên đã điều chỉnh hướng súng cối và bắn thử để sẵn sàng nổ súng khi vừa kéo súng ra khỏi đường hầm.
Tám máy bay Hàn-Mỹ diễn tập
Tại Hàn Quốc, quân đội vẫn duy trì mức báo động tối đa. Ngày 22-8, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã thảo luận với bộ chỉ huy lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ, sau đó nâng mức giám sát Triều Tiên (Watchcon) từ cấp ba lên thêm một cấp là cấp hai.
Mức báo động cấp hai được sử dụng khi có mối đe dọa sống còn. Ở mức này, nhiều phương tiện giám sát như vệ tinh gián điệp, máy bay không người lái sẽ được huy động thêm nữa. Cấp một là cấp cao nhất sẽ được sử dụng nếu chiến tranh xảy ra.
Cùng ngày 22-8, bốn máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ và bốn máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc đã bay biểu dương sức mạnh. Tám máy bay tập trung lúc 11 giờ trên biển Nhật Bản ở độ cao tương ứng với làng Yecheon (tỉnh Bắc Gyeongsang), sau đó bay theo đội hình đến căn cứ quân sự Osan ở phía nam thủ đô Seoul cho đến 13 giờ.
Nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết các máy bay đã diễn tập tấn công mục tiêu và đánh chặn máy bay Triều Tiên với lộ trình bay đã được vạch ra sao cho quân đội Triều Tiên có thể nhận thấy và hiểu rõ nguy hiểm. Nguồn tin giải thích bay đội hình giữa hai lực lượng không quân diễn ra khá hiếm hoi và thường chỉ được thực hiện trong tập trận không quân quy mô lớn.
Mỹ cam kết giúp Hàn Quốc trả đũa
Sáng 22-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Choi Yoon-hee đã điện đàm với nhau.
Tướng Mỹ Martin Dempsey cam kết nếu Triều Tiên khiêu khích, ông sẽ hợp tác với chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc và tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ tại Hàn Quốc tiến hành các đối sách trong khuôn khổ liên minh Hàn-Mỹ. Quân đội hai nước cũng đã khởi động hệ thống hợp tác chiến đấu.
Người phát ngôn Cục Đông Á và Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao Mỹ) Gabrielle Price tuyên bố Mỹ đánh giá nghiêm túc thông báo sẵn sàng chiến tranh tổng lực của CHDCND Triều Tiên và nhận định thông báo mang tính chất đe dọa nhằm kích động căng thẳng.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khuyến khích hai miền Triều Tiên kiềm chế gây căng thẳng và tiến hành đối thoại để tái lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
- Ngày 10-8: Sau khi tố cáo mìn Triều Tiên gài làm chết hai binh sĩ, quân đội Hàn Quốc phát thanh bằng loa trở lại. Đây là lần đầu tiên mìn Triều Tiên gài dọc khu phi quân sự phát nổ từ 48 năm nay.
- Ngày 15-8: Quân đội Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc không dừng phát động chiến tranh tâm lý, Triều Tiên sẽ tấn công không phân biệt.
- Ngày 17-8: Quân đội Hàn Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên cũng nối lại hoạt động phát thanh chống Hàn Quốc ở khu vực phía đông khu phi quân sự.
- Ngày 19-8: Tình báo quân đội Hàn Quốc ghi nhận Triều Tiên chuẩn bị tấn công các vị trí đặt loa ở khu phi quân sự. Hôm sau, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Triều Tiên nã pháo sang Hàn Quốc và Hàn Quốc bắn trả.
- Chiều 22-8, sau cuộc họp tại Quốc hội, các nhà lãnh đạo hai đảng chủ chốt ở Hàn Quốc (đảng Saenuri cầm quyền và đảng đối lập Liên minh chính sách mới đối lập) đã ra tuyên bố chung kêu gọi CHDCND Triều Tiên chấm dứt mọi khiêu khích có thể dẫn đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố chung kêu gọi chính quyền hai miền Triều Tiên tiến hành đàm phán. Tuyên bố chung đề nghị chính phủ Hàn Quốc phải xử lý tình hình cứng rắn nhưng hòa bình. Hai đảng bày tỏ tin tưởng vào quân đội và cam kết chấm dứt đấu tranh chính trị lẫn nhau.
Chủ tịch đảng cầm quyền Kim Moo-sung tuyên bố: “Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực chiến tranh. Nhân dân lo ngại và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng… Trong bối cảnh hiện nay, tôi vui mừng với thỏa thuận giữa hai đảng”.
- Lường trước nguy cơ khi tối hậu thư hết hạn, CHDCND Triều Tiên sẽ tấn công vào các khu vực đặt trạm phát thanh tuyên truyền, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã ra lệnh cho dân chúng ở bảy hạt Yeoncheon, Paju, Gimpo, Ganghwa, Cherwon, Hwacheon và Goseong vào hầm trú ẩn hoặc tản cư về phía Nam.
Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hiện còn 924 công dân Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên nhưng Hàn Quốc chưa khuyến cáo họ phải rời khỏi đó. Trong đó gồm 830 người trong khu công nghiệp Kaesong, 10 người tham gia dự án khai quật ở Manwoldae và Kaesong, 83 vận động viên và nhà báo ở Bình Nhưỡng tham gia giải bóng đá quốc tế dành cho thiếu niên dưới 15 tuổi và đại sứ Hà Lan ở Bình Nhưỡng (quốc tịch Hàn Quốc).