Nga giao 4 tiêm kích Su-35 cho Trung Quốc cuối năm 2016
Cuba sẵn sàng đối thoại với Mỹ về nhân quyền
Hé lộ kế hoạch Mỹ định tổng tấn công Iran từ xa
Nga tính thường xuyên điều tàu hộ vệ đến Địa Trung Hải
Đức tính chế tạo siêu tăng đối phó T-14 Armata Nga
Tin thế giới đọc nhanh sáng 27-08-2016
- Cập nhật : 27/08/2016
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bị bắt
Tướng Vương Kiến Bình, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, bị bắt ngày 25-8 với cáo buộc “vi phạm kỷ luật Đảng”, cách nói khác để chỉ tham nhũng, tờ South China Morning Post (SCMP)của Hong Kong cho biết.
Thượng tướng Vương Kiến Bình (trái) là nhân vật cấp cao “ngã ngựa” trong thời gian đương chức - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Nếu thông tin này được xác nhận, ông Vương sẽ là tướng cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc bị bắt khi còn đương chức kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng năm 2013.
SCMP dẫn một nguồn tin cho biết tướng Vương, 62 tuổi, bị các kiểm sát viên quân sự bắt tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên trong lúc đang đi thị sát. Vợ và thư ký của ông này cũng bị bắt tại Bắc Kinh vào cùng ngày.
Su Haihui, phó giám đốc cơ quan huấn luyện cảnh sát vũ trang, cựu thư ký của ông Vương, cũng bị bắt.
Theo SCMP, Vương Kiến Bình là tướng lĩnh cấp cao thứ hai của quân đội Trung Quốc bị bắt vì tham nhũng trong vài tuần trở lại đây. Người đầu tiên bị bắt là tướng Điền Tu Tứ, cựu chính ủy không quân Trung Quốc.
Vương Kiến Bình sinh năm 1953, người Hà Bắc, khởi nghiệp trong quân đội từ quân khu Thẩm Dương. Năm 2009, ông này được đề bạt giữ chức tư lệnh lực lượng cảnh sát vũ trang và giữ chức này đến hết năm 2014 dưới thời của “trùm an ninh” Chu Vĩnh Khang.
Cuối năm 2014, ông Vương được điều động sang giữ chức phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Theo một số tờ báo của Hong Kong, tướng Vương là một trong những nhân vật thân tín của cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc bị “ngã ngựa” Từ Tài Hậu. Tướng Từ qua đời vào tháng 3-2015 vì ung thư bàng quang trong lúc các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông này vẫn chưa kết thúc.
Tờ Bưu Điện Minh Kính của Hong Kong hồi năm ngoái dẫn một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc tiết lộ sau cái chết của tướng Từ, cơ quan chức năng bắt đầu nhắm tới ông Vương và các mối quan hệ của ông ta.(Tuoitre)
Tổng thống Philippines có thể tới Trung Quốc trong năm nay
Tổng thống Rodrigo Duterte đang cân nhắc "thăm hữu nghị" Trung Quốc nhằm bắt đầu đối thoại song phương về tranh chấp lãnh hải.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. hôm qua cho biết đã có các kế hoạch để ông Duterte thăm Trung Quốc trong năm nay, nhưng trước tiên, cần làm rõ một số điều. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chuyến thăm sẽ có ý nghĩa và thành công", ông Yasay nói, trả lời phỏng vấn độc quyền với CNN. "Điều đó sẽ giúp chúng tôi tiến xa trong phạm vi các lĩnh vực quan tâm mà chúng tôi muốn theo đuổi với Trung Quốc".
Ông Yasay nói các lĩnh vực quan tâm giữa hai nước gồm đầu tư, hạ tầng cơ sở, thúc đẩy trao đổi văn hoá, giáo dục. Nhưng quan trọng hơn cả là Philippines muốn xem xét cách tiến xa hơn trong vấn đề Biển Đông. Các quan chức đang thảo luận về thời điểm lý tưởng cho chuyến thăm. "Đây là điều chúng tôi muốn thúc đẩy".
Ông Duterte hôm 24/8 nói ông muốn thảo luận trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ hơn là đưa vấn đề trong cuộc họp tháng tới của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào.
Ông cho rằng một chuyến thăm Trung Quốc có thể là lựa chọn tốt hơn. "Có thể là một chuyến thăm hữu nghị tới đất nước họ để thể hiện rằng chúng tôi sẵn sàng đối thoại, thân thiện, tránh chiến tranh", ông nói. (Vnexpress)
Thêm quan tham Trung Quốc bị truy tố tham nhũng
Trung Quốc sẽ truy tố cựu Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Vương Bảo An với các cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, như lãng phí, lạm dụng quyền lực, đổi quyền lực lấy tình dục, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn thông báo ngày 26-8 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Vương Bảo An thiếu niềm tin chính trị, thường xuyên ở tại các khách sạn đắt tiền, lợi dụng chức vụ của mình để làm lợi cho người thân, nhận nhiều quà tặng, kể cả quà tặng là bất động sản, hối lộ. Ngoài ra, ông này còn có nhiều hoạt động mê tín, đổi quyền lực lấy tình dục và có nhiều hành vi thiếu đạo đức.
Ông Vương Bảo An từng là thứ trưởng Tài chính thời gian 2012-2015, sau đó nhận chức cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia. Ông Vương Bảo An bị khai trừ khỏi đảng và sa thải khi bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra từ tháng 1.
Một trong những trọng tâm hành động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nắm quyền hơn ba năm trước là truy quét tham nhũng. Ông cảnh cáo nếu không mạnh tay tham nhũng sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vì chiến dịch này, hàng loạt nhân vật cấp cao Trung Quốc - từ tướng lĩnh quân đội, quan chức chính phủ cấp cao, thẩm phán, lãnh đạo các công ty nhà nước... đã sa lưới.
Đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chống IS
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ khi mở chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates” không đơn giản là quét sạch tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mà còn nhắm vào các lực lượng người Kurd bên kia biên giới.
Mục đích thật sự của Thổ Nhĩ Kỳ?
Hãng tin Reuters ngày 26-8 cho biết ngày 24-8, chỉ trong vài giờ đầu của chiến dịch, đặc nhiệm, xe tăng và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tấn công vào hơn 80 mục tiêu trọng yếu của IS tại thị trấn Jarablus của Syria - thành trì cung cấp vật tư, tài chính cho IS.
Kiểm soát chóng vánh thị trấn chiến lược ở biên giới, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp và tổ chức lại lực lượng, tiếp tục tấn công vào cả các lực lượng người Kurd trong khu vực, vốn được Mỹ hậu thuẫn.
Một nguồn tin an ninh từ Ankara tiết lộ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào Lực lượng tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) đóng tại phía nam thị trấn Jarablus ngày 25-8. Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả đó chỉ là đòn cảnh cáo của Ankara.
Theo Faysal Itani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Ankara muốn chặn đứng kế hoạch hình thành một vùng lãnh thổ liên tục của người Kurd dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này thể hiện rõ qua tuyên bố của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 24-8 rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một thực thể của người Kurd ở sát biên giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cũng không giấu giếm rằng các hoạt động quân sự trên nhắm vào cả IS và YPG.
Ankara luôn coi YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai đang hoạt động ở phía nam nước này. Trong khi đó, Washington lại xem YPG là một đồng minh trong cuộc chiến chống IS.
Theo CNN, việc tấn công vào Jarablus chỉ là “đòn phủ đầu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đẩy IS ra khỏi biên giới càng xa càng tốt, tạo một vùng đệm an toàn, ngăn chặn từ xa các vụ xâm nhập vào nước này.
Tuy nhiên, nếu muốn đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi Jarabulus và các khu vực xung quanh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải mất một thời gian dài mới có thể làm được điều này. Ngay cả Mỹ và các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Syria phải mất nhiều tuần liền mới có thể giải phóng Manbij.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đó là thiệt hại về người. IS thường dùng dân thường để làm lá chắn sống, ép họ không được rời khỏi khu dân cư, khiến cho việc xác định chính xác vị trí của các phiến quân rất khó khăn.
Sự xuất hiện của xe tăng và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS có thể xem là một dấu hiệu tích cực, song việc ngang nhiên đưa quân sang một quốc gia có chủ quyền như Syria là hành động không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế.
Hòn đá tảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công cả các lực lượng người Kurd ở Syria cho thấy sự mâu thuẫn trong lập trường giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Mỹ.
Trong khi Washington xem YPG như một đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống IS tại Syria thì Ankara lại xem đó là sự đe dọa.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã xem YPG là cái gai trong mắt vì mối liên hệ chặt chẽ giữa lực lượng này với lực lượng người Kurd ly khai tại Thổ. Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Ankara luôn cảnh giác trước các báo cáo YPG đang tăng cường hiện diện ở miền bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và lo ngại lực lượng này có thể ngày càng mở rộng khu vực kiểm soát, cũng như hỗ trợ cho các phần tử ly khai trong nước.
Được biết, các lực lượng quân sự của người Kurd tại Syria là xương sống trong Lực lượng Syria dân chủ (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và được thành lập từ tháng 10-2015 để chống IS.
Được Washington bật đèn xanh, các lực lượng người Kurd đã bắt đầu chuyển quân về phía tây sông Euphrates vào đầu tháng này để dồn sức tấn công thành trì Manbij của IS. Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch giải phóng Manbij đã kết thúc, IS phải tháo chạy song sự hiện diện của các lực lượng này khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy khó chịu.
Nguyên nhân là do Ankara xem sông Euphrates là giới hạn đỏ cho các hoạt động của YPG. Thủ tướng Yildirim tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng chiến dịch quân sự cho tới khi nào YPG quay về phía đông sông Euphrates và nhấn mạnh lực lượng này có một tuần để làm điều đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cáo buộc YPG đang âm mưu kéo dài vùng kiểm soát từ phía đông sang phía tây thị trấn Jarablus.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-8 đã phải lên tiếng trấn an rằng các lực lượng người Kurd đang rút lui về bờ đông sông Euphrates đúng như Ankara đã yêu cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Isik nhấn mạnh việc rút quân của người Kurd vẫn chưa xong và cảnh báo “nếu YPG không rút về phía đông sông Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền làm tất cả mọi chuyện liên quan”.(Tuoitre)