Theo báo cáo của chuyên gia quân sự Mỹ Ronald O'Rourke gửi Quốc hội, Chiến thuật ngăn chặn trên biển thời Liên Xô đang được Trung Quốc dùng đối phó Mỹ.
Tin thế giới đọc nhanh 25-08-2015
- Cập nhật : 25/08/2015
Chứng khoán toàn cầu bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD
Hơn 5.000 tỷ USD đã tháo chạy khỏi chứng khoán toàn cầu từ sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nội tệ ngày 11/8, làm dấy lên nhiều lo ngại về suy giảm tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. Đà bán càng tăng tốc sau thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể hoãn tăng lãi suất do lo ngại nền kinh tế khó miễn nhiễm trước các tác động tiêu cực bên ngoài, và giá hàng hóa giảm sẽ khiến lạm phát khó nhích lên.Đến 9h30 sáng nay (giờ Hà Nội), Shanghai Composite Index trên sàn Thượng Hải mất 8,5%, xuống thấp nhất từ tháng 3 năm nay. MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, với 2%. Topix (Nhật Bản) mất 3,3%, còn Kospi (Hàn Quốc) giảm gần 2%.
Hang Seng China Enterprise - theo dõi cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong cũng mất 5,29%, lần đầu xuống dưới 10.000 điểm từ tháng 5 năm ngoái. Tin đồn từ cuối tuần trước, rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, đã không thành hiện thực.
Đồng yen tiếp tục tăng giá 0,7% so với USD, lên 121,23 yen đổi một USD - mạnh nhất từ ngày 9/7. Euro cũng mạnh lên 0,4%, lên 1,1436 euro đổi một USD.
Tiền tệ các nước mới nổi dựa nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô đã bị ảnh hưởng mạnh, do tăng trưởng Trung Quốc giảm và giá các hàng hóa khác đi xuống, như dầu thô, đồng hay nickel. Rand Nam Phi hiện ở đáy 14 năm so với USD. Trong khi đó, lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở mức thấp kỷ lục, do cả bất ổn chính trị trong nước.
"Mọi việc có lẽ sẽ phải tồi tệ thêm nữa, rồi mới hồi phục được. Trung Quốc cần giảm lãi suất và nới lỏng mạnh hơn. FED cũng cần phải rõ ràng hơn nữa", Nader Naeimi - Giám đốc AMP Capital Investors nhận xét.
Thủ tướng Nhật Bản hủy chuyến công du tới Trung Quốc
Đài NHK nêu rõ ông Abe đã quyết định không tham dự buổi lễ nhằm tập trung vào các dự luật an ninh hiện đang được thảo luận tại Quốc hội Nhật Bản.
Trong khi đó theo tờ Sankei, Thủ tướng Nhật Bản đã quyết định đứng về phía các nước Phương Tây bằng việc không tham dự các sự kiện tại Trung Quốc do lo ngại về sự bành trướng quân sự của nước này trong khu vực.
Vào ngày 3/9 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức lễ duyệt binh để kỷ niệm điều truyền thông nước này gọi là "chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống Nhật Bản xâm lược".
Quan chức IMF: Kinh tế Trung Quốc chỉ điều chỉnh chứ không khủng hoảng
Nhận định về việc kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, quan chức Carlo Cottarelli của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đó chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chứ không phải là một cuộc khủng hoảng.
Theo ông Cottarelli, một sự điều chỉnh là cần thiết song hiện còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc. IMF đã dự báo kinh tế của Trung Quốc năm nay sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,8%, thấp hơn mức tăng 7,4% trong năm 2014.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường biến động vì những diễn biến xung quanh tình hình kinh tế thế giới. Các số liệu ảm đạm về tình hình kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng yếu đã lại một lần nữa phủ đám mây u ám lên bầu trời kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán và năng lượng lao dốc.
Theo báo cáo sơ bộ mới công bố của Caixin/Markit, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng Tám của Trung Quốc chỉ đạt 47,1 điểm, so với 47,8 điểm của tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Không chỉ có lĩnh vực chế tạo, các số liệu về đầu tư và doanh số bán lẻ trong tháng Bảy của Trung Quốc cũng khá thất vọng và làm dấy lên quan ngại về sự mất đà của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ cũng đón nhận số liệu kém khả quan, với PMI trong lĩnh vực chế tạo bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất của hai năm là 52,9 điểm, so với mức 53,8 điểm trong tháng Bảy và mức dự báo 54 điểm được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.
Ngoài hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, nhất là sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ đệ đơn từ chức. Mặc dù vậy, chỉ số PMI của khu vực này trong tháng Tám đã tăng lên 54,1 điểm thay vì mức 53,9 điểm trước đó trong tháng Bảy, qua đó cho thấy chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy tác dụng.
Tuần trước, các thị trường trên thế giới đã chao đảo sau khi Bắc Kinh bất ngờ điều chỉnh hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD khi số liệu yếu kém về kinh tế được công bố cộng với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 33% giá trị kể từ tháng Sáu năm nay. Chứng khoán lao dốc khiến giới đầu tư đổ xô đi tìm những tài sản an toàn hơn như vàng và các loại trái phiếu chính phủ.
Giá dầu lao dốc, Ả Rập Xê Út bắt đầu hoảng loạn
Trong tuần qua, giá dầu lần đầu tiên kể từ năm 2009, đã xuống dưới 40 USD/thùng khiến cho một số nền kinh tế mới nổi bất ổn và Ả Rập Xê Út, một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, bắt đầu hoảng loạn.
"Khủng hoảng Ukraine sẽ kéo dài nhiều thập kỷ"
Tổng thống Ukraine dự đoán căng thẳng quân sự ở Ukraine từ Nga và lực lượng ly khai do Moscow đứng sau giật dây sẽ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới.
Binh lính Ukraine diễn tập duyệt binh hôm 20-8 để chuẩn bị cho Quốc khánh. Ảnh: Reuters
Đó là lời “tiên tri” ảm đạm của Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko về triển vọng hòa bình trong những năm tới của đất nước mình. Nhận định của ông Poroshenko được đưa ra trước cuộc gặp với lãnh đạo Đức và Pháp tại Berlin trong hội nghị thượng đỉnh nhằm kêu gọi sức ép của phương Tây lên Nga.
Tại cuộc mít tinh quân sự trong khu vực Kharkiv hôm 22-8, ông Petro Oleksiyovych Poroshenko bàn giao vũ khí, trang bị thiết bị mới cho quân đội, ca ngợi lực lượng quân đội của Ukraine đã bền bỉ chống lại "cuộc tấn công của Nga" trong xung đột ly khai nổ ra ở phía Đông Donbass hồi tháng 4-2014.
Đáng chú ý, ông cho biết đã nhìn thấy mức độ leo thang tăng vọt giữa Ukraine và quân đội ly khai được Nga hậu thuẫn trước Ngày Quốc khánh của nước này vào 24-8.
“Mối đe dọa quân sự đến từ phía Đông là thực tại hữu hình trong nhiều thập kỷ tới. Mối đe dọa này không biến mất trong tương lai gần và mọi thế hệ người dân Ukraine phải có trải nghiệm trong quân đội”, vị tổng thống nói.
Ông nói thêm rằng khoảng thời gian bỏ bê thiện cận các vấn đề quốc phòng đã đi vào quá khứ và kêu gọi người dân tích cực Ukraine nhập ngũ.
Đã có hơn 6.500 người Ukraine - gồm cả dân thường và binh lính, lực lượng nổi dậy – đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Dù Kiev và chính quyền các nước phương Tây đã áp đặt những lệnh trừng phạt đối với Nga vì cho rằng có bằng chứng không thể chối cãi về sự tham gia của Moscow trong cuộc kháng chiến chống ly khai ở Ukraine nhưng Nga vẫn luôn “chối đây đẩy”.
Trước ngày Quốc khánh 24-8 tới đây, chính quyền Ukraine đã huy động lượng lớn cảnh sát và quân đội nhằm củng cố an ninh, bảo vệ cho lễ kỷ niệm, bao gồm cuộc diễu hành ở Kiev phục vụ trên tuyến đầu.
Sau khi tham dự buổi lễ Quốc khánh này, Tổng thống Poroshenko sẽ bay đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Hôm 20-8 ông cho biết sẽ báo cáo với các nước này để phương Tây gây áp lực ngoại giao đối với Moscow, buộc Nga phải tuân thủ kế hoạch hòa bình và ngừng bắn ký kết hồi tháng 2-2015 tại Minsk, Belarus.