4.500 binh sĩ đã được huy động để bảo vệ an ninh cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-11-2015
- Cập nhật : 21/11/2015
Các Ngoại trưởng ASEAN lại “cực kỳ quan ngại” về Biển Đông
Theo ông Anifah Aman - Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, các Ngoại trưởng vẫn tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman trong cuộc họp báo chiều 20-11 tại Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur - Ảnh: Quỳnh Trung
Chủ trì cuộc họp báo sau các cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 20-11, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho biết các ngoại trưởng ASEAN vẫn giữ nguyên quan điểm “cực kỳ quan ngại” với các diễn biến gần đây trên Biển Đông.
“Các Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc tăng cường thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như việc khẩn trương thành lập Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)” - Bộ trưởng Ngoại giao Anifah Aman nói.
Ngoài ra, ông Anifah Aman thông báo các kết quả chính của cuộc họp Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần 13 (APSC) diễn ra cùng ngày.
Theo đó, các ngoại trưởng ASEAN thảo luận về sự phát triển gần đây của các Hội nghị hội đồng ngành trực thuộc APSC, gồm Họp cấp Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), Họp cấp Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma tuý (AMMD), cuộc Họp Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Về vấn đề Tội phạm xuyên quốc gia và ma tuý, các ngoại trưởng ASEAN cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác chống lại tội phạm xuyên quốc gia thông qua nhiều chương trình và kế hoạch hành động với các đối tác như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, và Nga.
Các Ngoại trưởng cũng xác nhận Lễ ký kết Hiệp ước ASEAN chống buôn lậu người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em sẽ diễn ra vào ngày mai, 21-11.
Anonymous đánh sập 20.000 tài khoản IS
"IS đã tuyên chiến với Anonymous khi tấn công Paris... Chúng tôi sẽ không khoanh tay để các vụ tấn công khủng bố diễn ra trên khắp thế giới", nhóm Anonymous khẳng định trong tuyên bố mới nhất.
Tuyên bố cho hay đến nay Anonymous đã đánh sập hơn 20.000 tài khoản Twitter có liên quan tới nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), và hiện họ vẫn đang tiếp tục chiến dịch "tấn công tổng lực" chống lại nhóm cực đoan này.
Chiến dịch mang tên #OpParis được Anonymous phát động ngay sau khi IS được xác định là thủ phạm gây ra vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13-11 khiến ít nhất 132 người thiệt mạng.
Anonymous khẳng định họ đã xây dựng các công cụ "có thể tốt hơn các công cụ của chính phủ các nước trên thế giới nhằm chống IS trên mạng".
Cũng theo nhóm tin tặc này, IS đã lấy mạng xã hội làm kênh thông tin, tuyên truyền và chiêu mộ tân binh, do đó mọi người cần cùng nhau làm việc và dùng mạng xã hội để loại bỏ những tài khoản mà bọn khủng bố sử dụng.
Quốc hội Nga yêu cầu tăng cường an ninh chống khủng bố
Ngày 20-11, các nghị sĩ cả hai viện Quốc hội Nga yêu cầu chính phủ tăng cường các biện pháp an ninh và đề ra hình phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
Theo AFP, các nghị sĩ Quốc hội Nga nhóm họp bất thường để thảo luận vấn đề khủng bố sau vụ Điện Kremlin thừa nhận máy bay Nga bị đánh bom ở bán đảo Sinai (Ai Cập) khiến 224 người thiệt mạng.
Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Valentina Matvienko cho biết nhiều nghị sĩ đề xuất mở rộng quyền lực của các cơ quan an ninh và bảo vệ luật pháp Nga. Ngoài ra Quốc hội Nga yêu cầu chính phủ “tăng hình phạt đối với không chỉ hành vi khủng bố mà cả hoạt động tài chính, thông tin và hỗ trợ khủng bố”.
Bà Matvienko kêu gọi Nga và các “đối tác nước ngoài” lập một tòa án quốc tế để “trừng phạt bọn khủng bố và lũ tay sai”.
Hiện tại Nga vẫn đang tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria. Matxcơva cho biết đang tăng cường bắn phá các cơ sở dầu khí của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Điện Kremlin đang thúc đẩy nỗ lực thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của phương Tây, Nga và các nước Trung Đông.
Trong khi đó, Pháp cũng tuyên bố muốn Hội đồng Bảo an Liên HIệp Quốc kêu gọi các nước tham gia chiến dịch chống IS. Paris đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA. Dù vậy giới quan sát nhận định một liên minh toàn cầu là giải pháp không dễ thực hiện bởi Nga và phương Tây còn bất đồng sâu sắc về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mới đây Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận điều kiện của phương Tây là loại bỏ ông Assad để Matxcơva gia nhập liên minh chống IS.
Philippines đề nghị Nhật cung cấp tàu lớn để tuần tra biển Đông
Ngày 20-11, chính phủ Philippines lên tiếng đề nghị Nhật cung cấp tàu cảnh sát biển cỡ lớn để tuần tra biển Đông trong thời điểm Trung Quốc đang tăng cường gây hấn.
Theo Reuters, có mặt ở Manila dự hội nghị APEC, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đề nghị Tokyo cung cấp cho Manila tàu cảnh sát biển cỡ lớn. “Nhật sẽ xem xét chi tiết đề nghị này” - ông Abe cho biết.
Trước đó Nhật và Philippines đã đạt thỏa thuận về trao đổi thiết bị và công nghệ quốc phòng. Với thỏa thuận này, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật đồng ý hỗ trợ trực tiếp thiết bị quân sự cho một quốc gia khác. Ông Abe đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này.
Một quan chức ngoại giao Nhật tiết lộ Tokyo muốn Manila đảm bảo không chuyển giao bất kỳ thiết bị quốc phòng nào của Nhật cho một nước thứ ba. Hiện Nhật đang đóng một số tàu tuần tra dài 40 m cho cảnh sát biển Philippines.
Tuy nhiên phía Manila muốn được cung cấp thêm tàu tuần tra dài 100 m. Nguồn tin báo chí Nhật cũng cho biết Tokyo sẽ hỗ trợ cho Manila ba máy bay tuần tra hàng hải đã qua sử dụng Beechcraft TC-90 King Air. Philippines cũng muốn mua thêm máy bay tuần tra chống tàu ngầm P3-C.
Trong thời gian qua, quan hệ Philippines - Trung Quốc trở nên vô cùng căng thẳng do Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á và liên tục bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
Chính phủ Nhật nhiều lần bày tỏ lo ngại Trung Quốc độc chiếm biển Đông, tuyến hàng hải tối quan trọng đối với thương mại thế giới và có tác động lớn đến nền kinh tế Nhật.
Sơ tán ga tàu điện ngầm ở London vì sợ bom
Ngày 19-11 (giờ địa phương), Cảnh sát Anh đã cho sơ tán một ga tàu điện ngầm ở trung tâm London sau khi nhận được tin báo có chiếc xe hơi màu bạc "rất đáng ngờ" bị bỏ lại gần nhà ga.
Cảnh sát bên hàng rào được lập sau khi nhận được tin báo về chiếc xe hơi trên đường Baker - Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters cho biết ga tàu điện ngầm ở đường Baker được lệnh sơ tán. Nhiều chuyến tàu điện ngầm cũng được lệnh không dừng ở ga này sau khi cảnh sát nhận được tin báo một chiếc xe trống không "đáng ngờ" bị bỏ nằm giữa con đường bên ngoài một cửa ra nhà ga.
Mạng xã hội ngay lập tức tràn ngập những thông tin quan ngại về cuộc sơ tán vì khi đó hành khách rất đông trong ga và cảnh sát đã phong tỏa toàn bộ đường Baker.
Các lực lượng an ninh của Anh đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các phần tử khủng bố thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris đêm 13-11 vừa qua.
Người phát ngôn cơ quan cảnh sát London cho biết sau khi rà soát kỹ chiếc xe tình nghi, cảnh sát đã dỡ bõ lệnh sơ tán và mở lại các tuyến đường.
Cũng trong ngày 19-11, cảnh sát Anh bắt giữ hai người đàn ông ở sân bay Manchester do nghi ngờ họ đưa ra lời đe dọa đánh bom. Giới chức an ninh sân bay Manchester buộc phải ra lệnh sơ tán trên một chuyến bay.
Cùng ngày, hãng ABC News đưa tin cảnh sát Thụy Điển đã bắt một người đàn ông bị nghi ngờ liên quan đến tội khủng bố có chủ ý.
Người phát ngôn của cơ quan an ninh Thụy Điển Sirpa Franzen xác nhận thông tin này nhưng không cho biết chi tiết về vụ bắt giữ cũng như danh tính của nghi can. Theo bà Franzen, cảnh sát đã được lệnh bắt người đàn ông trên ngày 17-11 vì “nghi ngờ ông ta chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố”.
Chính phủ Thụy Điển cũng đã nâng mức cảnh báo khủng bố ở nước này lên mức cao thứ hai.