Trung Quốc hạ tiếp 2 cựu ủy viên quân ủy trung ương?
Hai chỉ huy đã nghỉ hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được cho là đã bị bắt để điều tra tội tham nhũng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 2 người nói trên là tướng Li Jinai - cựu tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, vốn chịu trách nhiệm về những thay đổi nhân sự cấp cao - và tướng Liao Xilong – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần.
Một nguồn tin thân cận với PLA cho biết ông Li (74 tuổi) và ông Liao (76 tuổi) bị đưa đi tại cuộc họp giữa những cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu hồi tháng 7. Hiện vẫn chưa rõ 2 ông này bị điều tra hay được yêu cầu hợp tác để phanh phui các quan chức quân sự tham nhũng khác.
Tướng Li Jinai (trái) và tướng Liao Xilong. Ảnh: SCMP
Cả ông Li và ông Liao đều là thành viên của Quân ủy Trung ương (CMC) trước khi về hưu đầu năm 2013. Cuộc điều tra liên quan đến 2 cựu quan chức này được tiến hành vài ngày sau khi một tòa án quân sự kết án tướng Quách Bá Hùng, cựu phó Chủ tịch CMC, tù chung thân cũng về tội tham nhũng.
Như vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hạ gục 4/10 thành viên của CMC - bao gồm tướng Từ Tài Hậu, phó chủ tịch CMC đã chết năm ngoái giữa lúc đang đị điều tra - dưới thời những người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.
Hai tướng Li và Liao đều từ lính trơn đi lên thành những tướng lĩnh cấp cao.SCMP cho hay ông Li tốt nghiệp Viện Công nghệ Harbin, là một nhân vật chủ chốt trong dự án phát triển các loại vũ khí tiên tiến của Trung Quốc.
Năm 1990, ở tuổi 48, ông Li được cất nhắc làm phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị. Người này còn là giám đốc chương trình đưa phi hành gia vào không gian đầu tiên của Trung Quốc năm 2003.
Còn ông Liao đóng vai trò quan trọng đối với cuộc chiến biên giới với Việt Nam vào năm 1979.
Nhiều nguồn tin nói rằng sẽ có một cuộc trấn áp mới liên quan tới nhóm sĩ quan PLA cấp cao tham nhũng, sau khi tướng Tian Xiusi - cựu chính ủy lực lượng không quân Trung Quốc – bị “ngã ngựa” hồi đầu tháng 7.(NLĐ)
Báo Nga: Trung Quốc lên kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 3
Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh và một tàu sân bay đang đóng tại cảng Đại Liên, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch đóng thêm một tàu sân bay thứ ba.
Quân đội Trung Quốc (PLA) thời gian qua liên tục đầu tư đáng kể cho đội tàu chiến của mình. Theo Sputnik News ngày 5.8, ngoài việc trang bị các khu trục hạm, máy bay chiến đấu, Trung Quốc còn đang trong quá trình bổ sung thêm các hàng không mẫu hạm.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh mua lại xác tàu cũ của Ukraine vào năm 1998, đóng từ thời Liên Xô. Ngày 31.12.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai có độ choán nước 50.000 tấn tại cảng Đại Liên, miền bắc Trung Quốc, với công nghệ hoàn toàn nội địa. Sputnik News tiết lộ rằng trong khi đang đóng tàu sân bay thứ hai, PLA đồng thời lên kế hoạch đóng tiếp một tàu sân bay thứ ba.
Cụ thể, bức ảnh về mô hình của chiếc tàu sân bay thứ ba cho thấy những chi tiết mới mà PLA định đóng. Theo đó, tàu sân bay mới sẽ được trang bị hệ thống máy phóng máy bay (catapult) thay cho hệ thống cất cánh kiểu nhảy cầu ở hàng không mẫu hạm đang đóng.
Hệ thống máy phóng máy bay là hệ thống được sử dụng trên các tàu sân bay của Mỹ hiện nay. Còn với Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu đang tự đóng đều trang bị hệ thống cất cánh kiểu cầu lạc hậu hơn. Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc được cho là bản sao của chiếc thứ nhất nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tác chiến.
Chiến đấu cơ J-15 huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh81.CN
Trong khi đó, những hình ảnh vệ tinh mới đây của tổ chức nghiên cứu an ninh IHS Jane's chụp căn cứ không quân Huangdicun của Trung Quốc cho thấy hai hệ thống máy phóng máy bay đang trong quá trình xây dựng. Một trong hai hệ thống này được cho là phiên bản điện từ, cái còn lại là phiên bản dùng năng lượng hơi nước.
Trong một báo cáo hồi đầu năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bắc Kinh có thể đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới. Một chuyên gia quân sự giấu tên ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) nói với Reuters rằng tàu sân bay là vũ khí cần thiết để Bắc Kinh bảo vệ lợi ích của nước này trên Biển Đông.
Khi được phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có đóng tàu sân bay thứ ba, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đáp: “Các cơ quan liên quan” đang xem xét nhiều yếu tố.(TN)
230 tàu cá Trung Quốc ồ ạt áp sát Senkaku
Khoảng 230 tàu cá cùng 6 tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục kéo vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 6-8, bất chấp việc bị Nhật Bản phản ứng trước đó một ngày.
Nhật Bản ngày 6-8 đưa ra phản đối mới tới chính quyền Trung Quốc, sau khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) phát hiện khoảng 230 tàu cá cùng 6 tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 8 giờ sáng cùng ngày.
Thông tin này do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố. Số lượng các tàu đánh cá, trong đó xuất hiện các tàu hải cảnh, nhiều hơn so với những lần phát hiện trước đây, thậm chí là "nhiều chưa từng có" theo mô tả của hãng tinKyodo. JCG cho biết thêm trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu dường như được trang bị súng.
Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương Kenji Kanasugi nhấn mạnh: “Đây là hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng và động thái này không thể chấp nhận được”.
JCG cho biết thêm trong số tàu hải cảnh có một số tàu dường như được trang bị súng. Ảnh: AP
Trước đó, vào ngày 5-8, phía Nhật Bản cũng có động thái chỉ trích tương tự sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư. Sự việc khiến Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đến để bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc các tàu Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama khẳng định với Đại sứ Trình Vĩnh Hoa rằng sự xâm nhập của tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các hoạt động của tàu này tại vùng biển nêu trên là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản và hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Nhật Bản không thể chấp nhận những hành động của tàu bảo vệ bờ biển dường như là đang theo sát các tàu đánh cá Trung Quốc” - một nguồn tin Bộ Ngoại giao giải thích.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản tiếp theo sau sự xâm nhập trước đó của các tàu cá Trung Quốc vào vùng lãnh hải này vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 5-8. Sau đó, tàu bảo vệ bờ biển này được xác nhận là đã đi quanh các tàu đánh cá.
Mỹ, Úc tranh cãi chuyện chi tiền cho căn cứ của Mỹ ở bắc Úc
Mỹ, Úc tranh cãi chuyện ai sẽ thanh toán cho việc đưa quân lên miền bắc nước Úc trong một kế hoạch của Tổng thống Mỹ nhằm đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở châu Á Thái Bình Dương, theo Straits Times.
Năm năm trước, Tổng thống Barack Obama tuyên bố trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của Washington, Mỹ và Úc cùng nhau điều quân lên Vùng lãnh thổ phía Bắc của Úc để đồn trú.
Theo kế hoạch, năm 2017 Mỹ sẽ đưa 2.500 lính thuỷ đánh bộ đến vùng lãnh thổ này được cho là để đối phó với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ mới có khoảng 1.250 lính Mỹ được điều động đến vùng Darwin và dự kiến số quân còn lại sẽ phải đến năm 2020 mới bố trí thay vì năm tới.
Báo Straits Times (Singapore) hôm nay 6.8 nói rằng nguyên nhân là do Mỹ và Úc đang tranh chấp việc ai sẽ chịu chi phí cho việc điều quân này. Tranh cãi kéo dài nhiều năm nay. Số tiền mà cả 2 đồng minh đều muốn tránh né chi ra mỗi năm khoảng 20 đến 30 triệu đô la Úc mà cả hai đã thống nhất trong một thoả thuận được ký hồi năm 2014.
Vùng Darwin được lựa chọn để làm căn cứ đóng quân vì nhiều nguyên nhân, theo Sydney Morning Herald. Thứ nhất, vì Darwin gần với eo biển Malacca, hành lang vận tải hàng hải sầm uất bậc nhất của thế giới mà 80% dầu thô chở về Trung Quốc phải qua khu vực này. Darwin nằm xa nhất tầm bắn tên lửa từ Trung Quốc, mật độ lưu thông hàng không thấp tiện cho việc huấn luyện quân sự trên bầu trời của quân đội Mỹ và Úc.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trả lời phỏng vấn của Straits Timescho biết Washington và Canbera đang tìm cách để giải quyết vấn đề theo thoả thuận mà 2 bên ký kết, trong đó có thoả thuận cùng chia sẻ kinh phí. “Mặc dù tranh cãi nhưng cả 2 đồng minh vẫn tiếp tục khẳng định luân phiên điều quân”, bà Payne nói với Straits Times.
Tổng thống Barack Obama nói chuyện trước lính thuỷ đánh bộ Mỹ và ÚcAFP
Chi phí cho chiến dịch này còn tính cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường băng, khu đồn trú và những cơ sở tiện ích cho sinh hoạt hàng ngày của binh lính. Ước tính những hạng mục này lên tới 2 đến 3 tỉ đô la Úc.
Giới chức Úc đặt vấn đề vì sao sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Úc khác với ở Nhật, Hàn Quốc hay Philippines, vì ở những nơi này Washington phải chịu tất cả chi phí. Canberra muốn Washington làm tương tự, ngay cả Singapore cũng đang làm như thế.
Singapore trong một thoả thuận ký hồi tháng 5.2016 đồng ý chi 2,25 tỉ đô la Úc cho việc nâng cấp cơ sở huấn luyện quân sự ở Úc, nơi Singapore sử dụng để huấn luyện 14.000 binh lính mỗi năm.
Ông Andrew Shearer, cựu cố vấn an ninh quốc gia của 2 đời thủ tướng Úc, nói rằng tranh cãi của 2 đồng minh là điều “đáng tiếc” trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng gây căng thẳng ở Biển Đông.
“Hai bên cần nhìn vào viễn cảnh lớn hơn và quay trở lại giải quyết vấn đề đang tranh cãi”, ông Shearer phát biểu trên báo của Thuỷ quân lục chiến Mỹ (Marine Corps Times) hồi tháng 6.2016.(TN)
(
Tinkinhte
tổng hợp)