tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 05-12-2015

  • Cập nhật : 05/12/2015

IS bị tố gieo rắc dịch bệnh lở loét ở Syria

Chuyên gia cho biết dịch bệnh Leishmaniasis đang lan truyền khắp Syria do "hành vi ghê tởm của IS bao gồm giết hại người vô tội và vứt xác bừa bãi ra phố".
benh leishmaniasis gay lo loet va de lai seo. anh: rudaw

Bệnh Leishmaniasis gây lở loét và để lại sẹo. Ảnh: Rudaw

Theo Mirror, Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo hệ thống y tế của Syria đã bị phá hủy vì cuộc nội chiến kéo dài 5 năm. Bệnh tật lây lan nhanh chóng khắp cả nước do bạo lực.

"Đó là kết quả từ những hành động đáng ghê tởm của Nhà nước Hồi giáo (IS), bao gồm việc giết người vô tội và vứt xác bừa bãi ra đường. Đây là yếu tố hàng đầu dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của bệnh Leishmaniasis", Dilqash Isa, người đứng đầu tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Kurd cho biết. 

"Chúng tôi không biết gì về căn bệnh này trước đây", một binh sĩ của lực lượng nổi dậy người Kurd nói. "Chúng tôi đã chiến đấu trên chiến trường gần 4 năm, và căn bệnh này khởi nguồn từ những khu vực rộng lớn ở Tal Hamis, Hon và Qosa".

Bệnh Leishmaniasis là do ký sinh trùng cùng tên gây ra. Chúng ký sinh vào vật chủ là người, nguồn trung gian truyền bệnh là ruồi, muỗi. Khi bị nhiễm bệnh, da lở loét, đóng sẹo, gan và lách phình to, rối loạn tiêu hóa hoặc sốt kéo dài. 

Theo Rudaw, trường hợp mắc bệnh đầu tiên gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào được ghi nhận hồi tháng 9/2013. Đến giữa năm 2014, ít nhất 500 người mắc bệnh, theo các nhà hoạt động nhân quyền tại Syria.


Iran - điểm nhấn kinh tế thế giới sau Chiến tranh lạnh

Theo trang Business Insider, hầu hết người ngoài xem Iran là một quốc gia Hồi giáo phải chịu đựng khủng bố. Song, Iran còn là một nước có nền kinh tế lớn, hiện đại dù bị tách khỏi hệ thống thế giới. Sắp tới, Iran sẽ là nước lớn nhất từ trước đến nay tái gia nhập kinh tế toàn cầu kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Dưới đây là đoạn trích ý kiến của một số nhà nghiên cứu tại ngân hàng Morgan Stanley trong tuần này: Iran là nền kinh tế lớn nhất trở về với sân chơi toàn cầu kể từ sau sự kiện Liên bang Xô Viết tan rã, xét đến các biện pháp trừng phạt kinh tế phức tạp, nỗ lực tái lập quan hệ với các nước phương Tây và sự giàu có năng lượng của quốc gia này.
Iran không phải là nước duy nhất vui mừng vì được “tái hòa nhập” thế giới. Các hãng xe hơi cũng đang mong chờ sự kiện này. Cũng đã có một người đàn ông từ bỏ công việc ở ngân hàng Deutsche Bank để thành lập công ty tư nhân đầu tiên của Iran có khả năng nhận vốn rót từ nước ngoài.
Một phần lý do cho nhận định Iran quay lại là sự kiện kinh tế lớn là khối lượng dự trữ nhiên liệu hóa thạch khổng lồ của nước này. Ngoài ra, đây còn là quốc gia có trình độ dân trí cao nhất trong khu vực. Phần lớn Iran là đô thị và 60% dân số đất nước dưới 30 tuổi. Những tiềm năng để phát triển kinh tế một khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng là khá rõ ràng.
Trong nhiều khía cạnh, không có quốc gia nào có thể so sánh trực tiếp với Iran vì quy mô kinh tế, cấu trúc chính trị và các biện pháp trừng phạt mà đất nước này phải chịu trong thời gian qua.
Vài năm tới, một số báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế khá lạc quan cho Iran. Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng GDP của Iran sẽ là 6,7% trong năm 2017, phần lớn có được là nhờ tăng sản lượng sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Tổng thống Putin tự giảm 10% lương của mình trong năm 2016

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2.12 đã ký sắc lệnh về việc cắt giảm 10% lương trong năm 2016 của ông và một số quan chức cấp cao khác, bao gồm Thủ tướng Dmitry Medvedev, Tổng công tố Yuri Chaika, Lãnh đạo Ủy ban điều tra liên bang Alexander Bastrykin. Thông báo này cũng đã được đăng tải trên trang web chính phủ Nga, theo The Moscow Times.
Quyết định của ông Putin được coi là hành động chia sẻ với người dân Nga trong bối cảnh kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.
Hồi tháng 3.2015, Tổng thống Putin cũng ký sắc lệnh cắt giảm 10% lương của ông và các quan chức không lâu sau khi nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng do đồng rúp mất giá, giá dầu giảm mạnh cùng những tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo tờ The Moscow Times, thu nhập của Tổng thống Putin trong năm 2014 là 7,6 triệu rúp (tương đương 114.000 USD), còn Thủ tướng Medvedev có thu nhập là 8 triệu rúp (tương đương 120.000 USD). Thu nhập của hai nhà lãnh đạo này gấp khoảng 20 lần thu nhập trung bình của người dân Nga.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ‘lên dây cót’ cho doanh nghiệp

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), về tình hình thời sự trong nước, ông Ahmet Davutoglu cho biết: “Trong cuộc bầu cử vừa qua, chúng tôi đã đạt 49,5% số phiếu. Nhân dân ủng hộ đường lối chính trị của chúng tôi. Trong 4 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động vì sự phát triển của đất nước. Chúng tôi là chính phủ của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ toàn vẹn, của 78 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Ahmet Davutoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của châu Âu: “Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia châu Âu, là một phần không thể tách rời của châu Âu. Không thể hình dung một châu Âu thiếu Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu có ai nghĩ khác thì đó sẽ là một sự sai lầm!”.

Về vấn đề tình hình căng thẳng trong mối quan hệ với Nga có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Thổ, ông Ahmet Davutoglu tỏ ra lạc quan: “Việc Nga hạn chế giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên sẽ gây thiệt hại cho chúng ta, đó là điều khó tránh. Nhưng tôi xin hứa với đại diện các doanh nghiệp rằng chính phủ sẽ làm hết sức mình để giảm thiểu, tiến tới triệt tiêu những thiệt hại đó. Chính phủ đã có kế hoạch đối phó với tình hình và sẽ công bố trong vài ngày tới”.

Về việc Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS, thủ tướng Ahmet Davutoglu khẳng định: “Những lập luận của phía Nga không có cơ sở. Nếu bạn muốn biết sự thật, mời bạn ngồi vào bàn để thảo luận về nó. Nhưng đừng quên, nếu máy bay của bạn không vi phạm không phận của chúng tôi thì chắc chắn đã không bị bắn. Hành động của Nga là trái với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và các chuẩn mực quốc tế”.

Cuối bài phát biểu, ông Ahmet Davutoglu kết luận: “Tôi muốn lưu ý rằng những ai sử dụng biện pháp hăm dọa để chối bỏ trách nhiệm, họ sẽ chẳng đạt được gì. Có thể nói chuyện với người Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi ngôn ngữ, nhưng không được phép sử dụng ngôn ngữ tống tiền. Đối với chúng tôi, sự an toàn của người dân và an ninh đất nước là trên hết”.

Được biết, tổ chức phi chính phủ TUSIAD triệu tập hội nghị khẩn cấp vì lo ngại tình hình căng thẳng trong quan hệ với Nga sẽ ảnh hưởng nặng đến các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.


Phiến quân thân IS âm mưu tấn công mục tiêu Nga ở Thái Lan

Cảnh sát Thái Lan cho biết có 10 người Syria có quan hệ với Nhà nước Hồi giáo đã đến nước này vào tháng 10 để tìm cách tấn công các  lợi ích của Nga.
mot bien quang cao do nha nuoc hoi giao dung len o raqqa, syria, noi nhom phien quan kiem soat. anh: reuters.

Một biển quảng cáo do Nhà nước Hồi giáo dựng lên ở Raqqa, Syria, nơi nhóm phiến quân kiểm soát. Ảnh: Reuters.

Phòng Đặc nhiệm Thái Lan, chuyên đối phó với những vấn đề liên quan an ninh quốc gia, phân phát một tài liệu tới các đơn vị cảnh sát khác, Reutersdẫn lời hai sĩ quan cảnh sát cấp cao nói. Nó được ghi nhãn "Khẩn cấp", đề ngày 27/11 và bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội từ hôm qua.

"Tài liệu là có thật. Chúng tôi nhận từ Phòng Đặc nhiệm", một trong hai sĩ quan cảnh sát, chuyên xử lý tội phạm quốc tế, cho biết thêm. "Tôi phải giải quyết vấn đề ngay bây giờ. Liên lạc ban đầu chỉ là bằng miệng giữa cảnh sát Thái Lan và Nga. Tôi không hiểu sao tài liệu lại bị rò rỉ".

Theo tài liệu, nguồn tin tình báo từ Nga cảnh báo có 10 người Syria vào Thái Lan trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 31/10. Phòng Đặc nhiệm kêu gọi tăng cường an ninh quanh "những khu vực mà nhà chức trách Nga quan ngại".

Phòng Đặc nhiệm cho biết trong 10 nghi phạm thì 4 tên đã tới thành phố Pattaya, hai tên đến đảo du lịch Phuket, hai tên tới Bangkok và chưa rõ điểm đến của hai tên còn lại. Cảnh sát không tiết lộ danh tính nhóm người Syria.

Nga bắt đầu không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria từ ngày 30/9 và tăng cường thêm trong những tuần gần đây. Nhánh IS ở Ai Cập sau đó tuyên bố đánh bom một máy bay chở khách Nga khi nó bay qua bán đảo Sinai, làm 224 người thiệt mạng, để trả thù.

Chính phủ và cảnh sát Thái Lan tuyên bố không có người Hồi giáo Thái Lan nào gia nhập IS ở Iraq và Syria.

Ba tỉnh cực nam Thái Lan giáp với Malaysia là nơi sinh sống của một cộng đồng Hồi giáo lớn. Nhiều phần tử trong cộng đồng này có ý định nổi dậy chống lại chính phủ Thái Lan.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục