8 lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bị nêu tên trong vụ Hồ sơ Panama
Triều Tiên dọa tấn công Mỹ kinh hoàng hơn vụ 11-9
Phát hiện 45 kg đạn trong âm mưu khủng bố tại Pháp
Trung Quốc thông báo trừng phạt Triều Tiên
Bà Suu Kyi cấm công chức nhận quà giá trị hơn 450.000 đồng
Tin thế giới đọc nhanh trưa 05-04-2016
- Cập nhật : 05/04/2016
Ông Trump "dằn mặt" Trung Quốc về biển Đông
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The New York Times.
Ông Trump nói: “Họ (Trung Quốc) sẽ còn đi vào biển Đông và xây dựng một pháo đài quân sự cứ như thế giới không nhìn thấy”. “Họ làm điều đó theo ý riêng vì không có sự tôn trọng đối với tổng thống của chúng tôi và họ không tôn trọng đất nước của chúng tôi” – ông Trump nói thêm.
Tương tự, trước những động thái leo thang trên biển Đông, ông Larry Wortzel – một thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung – tỏ ra quan ngại khi những hoạt động xây dựng phi pháp trên vùng biển này trong thời gian này cải thiện đáng kể về mặt kỹ thuật, phạm vi cũng như tính hiện đại.
Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông gọi những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn trái phép là “pháo đài” song dường như nói như thế còn quá sớm, theo trang Politi Fact. Trang này dẫn bình luận của bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng “có vẻ hơi sớm để nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một pháo đài quân sự”.
Bởi theo lập luận của nữ chuyên gia này, dẫu Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng các đảo cho các mục đích quân sự song ý định chưa rõ ràng. Ông Patrick Cronin, Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng đến nay, những tiền đồn mới chỉ có radar và thiết bị được thiết kế hay phù hợp với cả mục đích dân sự và quân sự.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng quân sự Trung Quốc đã xây dựng trên thực tế khá dễ bị tấn công. “Các cơ sở này khá hạn chế. Mặc dù chúng khiến các nước “nhức đầu” trong thời bình nhưng sẽ không phải là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ hoặc đồng minh một khi xảy ra một cuộc xung đột” - ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), khẳng định.
Bên cạnh đó, chuyên gia Cronin lưu ý rằng một số nhà phân tích dự đoán Trung Quốc có thể tìm cách hình thành một tam giác các căn cứ để củng cố vị thế của mình. Thế nhưng, theo ông này, đây là một ý tưởng lâu dài hơi.
Đại sứ Campuchia tại Hàn Quốc bị bắt
Ông Om Yentieng, chủ tịch Ban Chống Tham nhũng Campuchia (ACU), cho hay ông Dina bị bắt ở Bộ Ngoại giao 8h sáng qua để thẩm vấn ở ACU. Ông này có khả năng sẽ bị tạm giam.
Theo Phnom Penh Post, ACU đã nhận được nhiều khiếu nại về đại sứ từ các lao động nhập cư Campuchia, các nhân viên của Bộ Ngoại giao ở cả Phnom Penh và Seoul. Cơ quan này cũng tiếp nhận các khiếu nại từ Facebook.
Ông Yentieng hé lộ Bộ Kinh tế và Tài chính đã kiểm toán chi tiêu của ông Dina và công bố hai báo cáo, trong khi các điều tra viên của ACU đã sang Hàn Quốc để tìm hiểu các khiếu nại.
"Chúng tôi đã cử 6 quan chức đến Hàn Quốc, gồm Seoul và 5 tỉnh, để gặp những người khiếu nại, các nhân chứng, nạn nhân và cũng phỏng vấn Suth Dina một lần trước đó ở Seoul. Đây là lần thứ hai chúng tôi nghe ông ta trả lời".
Ông Yentieng ước tính 90% đơn khiếu nại chống lại ông Dina là đáng điều tra. Sau khi tuyên bố có giam giữ ông Dina hay không, ACU có 48 giờ để hoàn tất báo cáo trình lên tòa án.
Một nguồn tin thông thạo vấn đề tiết lộ đại sứ Campuchia đã đưa các thành viên gia đình vào làm việc và từng bị Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong khiển trách về vấn đề này năm 2014.
Đại sứ quán Campuchia tại Hàn Quốc bị tố phục vụ kém còn ông Dina đe dọa bắt giữ các lao động người Campuchia.
"Ông ta thi thoảng chi 700-800 USD để ăn tối và lái một chiếc xe có giá tới 70.000 USD. Số tiền này từ đâu ra?", nguồn tin trên nói. "ACU có đủ bằng chứng. Việc bắt giữ ông ta là một cải cách lớn và mọi người sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc rất mừng khi nghe tin này".
Ông Dina được bổ nhiệm làm đại sứ tại Hàn Quốc năm 2014 và từng nhiều lần bị chỉ trích do đe dọa bắt giữ hoặc trục xuất những người Campuchia tại Hàn Quốc tham gia các hoạt động ủng hộ phe đối lập.
Gần đây, ông này thu hút sự chú ý sau khi tuyên bố trên mạng xã hội rằng mình đang làm việc với "tình báo đặc biệt" của Hàn Quốc để theo dõi những người nhập cư chống chính phủ đang làm việc bất hợp pháp ở nước này. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc cho hay họ không biết gì về hoạt động trên.
Trong bài viết trên Facebook đầu tháng này, ông Dina kêu gọi Thủ tướng Campuchia Hun Sen giúp ông bảo vệ vị trí và mang lại "công bằng" cho ông. Dina cho rằng mình bị "phỉ báng và vu khống".
Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng trở lại trong năm 2015
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nước này tăng chi tiêu quân sự 132% trong giai đoạn 10 năm từ 2006. Ảnh minh họa: Xinhua
Tổng mức chi tiêu của các nước trong cả năm ngoái là 1,67 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm 2014, AFP hôm nay dẫn lại tin từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay.
Khu vực tăng chủ yếu là Đông Âu, châu Á và Trung Đông, trong khi phương Tây duy trì mức giảm.
Mỹ vẫn giữ vai trò số một, là nước chi nhiều nhất cho các lực lượng vũ trang đến nay, dù con số này đã giảm 2,4% so với 2014, ở mức 595 tỷ USD. Đây là mức giảm ít hơn trong những năm gần đây.
Sam Perlo-Freeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho biết Mỹ hiện còn "có chi tiêu thêm cho các hoạt động bên ngoài ngẫu nhiên trong chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng".
Nước chịu chi cho quân sự đứng thứ hai thế giới là Trung Quốc, với 215 tỷ USD, tiếp theo là Arab Saudi với hơn 87 tỷ USD, "giành" vị trí thứ ba từ Nga. Moscow chi 66,4 tỷ USD.
Trong giai đoạn 10 năm 2006 -2015, ngân sách quân sự của Mỹ giảm 4%, trong khi Trung Quốc tăng 132%. Mức tăng của Arab Saudi và Nga cũng đáng kể, lần lượt là 97% và 91%.
Pháp, nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 5 trong 2014, rơi xuống vị trí thứ 7, sau Anh và Ấn Độ.
Ở khắp châu Âu, ngân sách chi tiêu quân sự tiếp tục giảm, dù mức giảm thấp hơn trong những năm gần đây.
"Nguyên nhân của sự thay đổi xu hướng là do các hoạt động chính trị của Nga, IS và NATO", Perlo-Freeman nói, cho biết các thành viên của NATO nhất trí duy trì chi cho quân sự ở mức 2% GDP của họ đến năm 2024.
Tại châu Á, các nước cũng tăng đầu tư cho quân sự là Indonesia, Philippines, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng.
Syria cáo buộc IS dùng khí mù tạt tấn công binh lính
Reuters đưa tin, phương tiện truyền thông nhà nước Syria cuối ngày 4-4 cho biết các chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công binh lính thuộc quân đội Syria bằng khí mù tạt trong một cuộc chiến tại sân bay quân sự ở tỉnh phía đông Deir al-Zor, giáp biên giới Iraq.
"Những kẻ khủng bố đã bắn tên lửa mang khí mù tạt" - đài truyền hình Ikhbariyah thuộc sở hữu nhà nước Syria tuyên bố.
Tuy nhiên, phương tiện truyền thông Syria không tiết lộ có bao nhiêu người thương vong trong vụ việc.
Reuters cho biết Deir al-Zor là một tỉnh có vị trí chiến lược cao, liên kết thủ phủ của IS tại Raqqa với các tay súng chiến đấu của tổ chức khủng bố này ở Iraq.
Hãng tin tức thân IS Amaq trước đó cho biết các tay súng IS đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn tại làng Jufrah gần sân bay. Trong vụ tấn công này hai kẻ đánh bom tự sát đã đâm xe của chúng vào hàng phòng thủ quân đội Syria khiến "hàng chục người thiệt mạng".
Trong khi đó Đài quan sát Nhân quyền có trụ sở tại Anh cho biết các tay súng IS đã tiến hành vụ tấn công trên khi bị không kích nặng nề.
Quân đội Syria với sự hậu thuẫn của các cuộc không kích Nga đã đẩy lùi các tay súng cực đoan tại một số làng gần sân bay trên nhưng vẫn thất bại trong việc đánh bật các phiến quân này ra khỏi khu vực.
Mặt khác, theo Đài quan sát Nhân quyền, cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phiến quân Mặt trận Nusra có liên kết với al Qaeda đang bùng lên trên nhiều tiền tuyến tại thành phố phía bắc Aleppo.
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh đang diễn ra trên Syria trong hơn một tháng qua khi các bên liên quan cố gắng đàm phán để chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria. Tuy nhiên thỏa thuận ngừng bắn này không bao gồm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và Mặt trận Nusra liên kết với al-Qaeda.
Trung Quốc hủy diệt rạn san hô Trường Sa
Hành động bồi đắp xây bảy đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc đã làm mất gần 30% số lượng các rạn san hô tự nhiên.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Hawaii (Mỹ) đăng trên tạp chí PLOS Biology đã đưa ra kết luận như trên.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập từ vệ tinh để đo đạc các rạn san hô bị tàn phá và số đất bồi đắp xây dựng bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Kết quả cho thấy từ tháng 2-2014 đến tháng 5-2015, cứ 10,7 km2 đất được bồi đắp xây đảo nhân tạo thì có khoảng 11,6 km2 (26,9%) rạn san hô đã bị hủy diệt.
GS Camilo Mora, Trưởng nhóm nghiên cứu ở ĐH Hawaii, bức xúc nói với báoHuffington Post: “Rất nhiều rạn san hô bị thiệt hại… Chúng ta cần phải ngăn cản để chúng khỏi bị hủy diệt”.
Ông nhắc lại các công trình nghiên cứu trước đó đã chứng minh hoạt động nạo vét xây đảo nhân tạo trên biển Đông có thể tàn phá hầu hết các rạn san hô và hệ sinh thái quanh đó đồng thời dẫn đến hậu quả nhiều loài sinh vật bản địa sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Công trình nghiên cứu của ĐH Hawaii chỉ ra rằng các rạn san hô được nạo vét bằng cách hút, có nghĩa là chúng bị cắt và hút lên khỏi đáy biển và được bơm trở lại để bồi đắp mặt đất trên đảo nhân tạo.
Cách làm này đã tạo khoảng trống tại khu đất bị nạo vét dưới biển khiến các lớp bùn cát (trầm tích) bị xáo động, chôn vùi và gây chết san hô bằng cách làm mất chức năng tự rửa trôi bùn cát khiến các rạn san hô dễ tổn thương và nhiễm bệnh.
Các lớp trầm tích lại không có khả năng giúp san hô phát triển, nghĩa là sau đó lượng san hô đã mất đi thì sẽ không bao giờ được tái tạo.
Hoạt động nạo vét san hô cũng gây thiệt hại cho nhiều loài cá do nước biển có chứa cát lẫn với tảo san hô dễ gây trầy xước có thể gạt trôi các mô sống trên da của cá.
Trong khi đó, công trình nghiên cứu của ĐH Hawaii đã cho thấy hoạt động xây đảo nhân tạo đòi hỏi quá trình bồi đắp liên tục để giữ cho đảo tiếp tục nổi. Có nghĩa là các rạn san hô sẽ bị tàn phá thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi hợp tác quốc tế khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trước khi các thực thể tự nhiên bị tàn phá nặng nề hơn.
Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo nên thành lập một vùng biển bảo tồn mang tính chất đa quốc gia như trường hợp các khu vực được bảo tồn tại Nam cực.
Các rạn san hô ngầm cạnh các đảo ngoài khơi quần đảo Trường Sa từ lâu đã thoát khỏi bàn tay con người tác động.
Chúng là nơi cung cấp thức ăn và nơi ẩn náu cho nhiều loài sinh vật biển. Có hơn 6.500 loài sinh vật biển phụ thuộc vào các rạn san hô này, trong đó có tới 571 loài (hơn phân nửa số loài san hô sống trên đá ngầm) đến nay được biết trên thế giới.