Trung Quốc chặn các website nhắc đến “Hồ sơ Panama”
Mục tiêu Trung Đông của Thủ tướng Ấn Độ
“Vòng kim cô" của bà Aung San Suu Kyi
Nhiều quốc gia vào cuộc điều tra rửa tiền sau vụ hồ sơ Panama vỡ lở
Tổng thống Ukraine phủ nhận cáo buộc trốn thuế trong Hồ sơ Panama
Hành trình phơi bày 'Hồ sơ Panama' của 400 nhà báo
- Cập nhật : 05/04/2016
(Tin kinh te)
Marina Walker đến giờ vẫn nhớ như in cái cảm giác cách đây hơn một năm khi nghe một nguồn tin nói rằng người này đang nắm giữ những dữ liệu rò rỉ "lớn hơn bất cứ thứ gì" mà bà từng thấy.
Mossack Fonseca la công ty luật ở Panama bị tình nghi lập công ty "ma" để giúp nhiều chính trị gia, tỷ phú, siêu sao thế giới trốn thuế. Ảnh: DPA
Con số mà Walker, phó giám đốc Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), nhận được quả thực rất lớn: 2,6 TB dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu của một công ty luật tại Panama, hé lộ về một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên toàn thế giới, dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền, theo Mashable.
Nhiều công ty được nhắc tới có liên quan đến cả giới chính trị gia, cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hay Tổng thống Syria Bashar Assad. Một số người nổi tiếng, như siêu sao bóng đá Lionel Messi, cũng nằm trong danh sách. Số tài liệu trên được gọi ngắn gọn là "Hồ sơ Panama".
Phát hiện chấn động này đòi hỏi một nỗ lực của rất nhiều nhà báo, mà trong đó ICIJ là tổ chức đóng vai trò trung tâm, giúp điều phối, phân bổ. Nhưng trước hết, điều mà họ cần là tìm ra một thứ gì đó đủ quan trọng và có sức hấp dẫn để thu hút công chúng đọc rồi chia sẻ.
"Chúng tôi nhanh chóng làm hai điều. Chúng tôi tuyển dụng một đội nhà báo điều tra toàn cầu, những người có khả năng dành nhiều tháng ròng rã để phân tích và khai thác các dữ liệu nắm giữ trong tay", bà Walker nói. "Chúng tôi cũng đối diện với một bài toán về công nghệ khi phải tìm cách để đọc và chia sẻ những dữ liệu này một cách an toàn nhất có thể. Chúng tôi mất nhiều tháng để thanh lọc, chuẩn bị dữ liệu sau đó tải chúng lên nền tảng số".
Tổng cộng trên 370 nhà báo từ 100 hãng truyền thông tại gần 80 quốc gia trên thế giới đã cùng thực hiện dự án. Dù không nêu chi tiết cách thức họ lưu trữ cũng như chia sẻ thông tin nhưng ông Gerard Ryle, giám đốc ICIJ, cho biết dự án thậm chí còn tạo dựng một không gian riêng nhằm giúp các nhà báo từ những tòa soạn khác nhau cùng thảo luận trên mạng.
Mọi chuyện bắt đầu vào những tháng cuối năm 2014 khi một nguồn tin giấu tên liên lạc với Bastian Obermayer, phóng viên điều tra từ tờ Suddeutsche Zeitung của Đức, và hỏi liệu họ có muốn tiếp cận với một nguồn thông tin giá trị về các giao dịch mờ ám liên quan tới hàng loạt chính trị gia nổi tiếng ở châu Âu hay không.
Suddeutsche Zeitung sau đó bắt tay với ICIJ để cùng tiến hành điều tra. Những dữ liệu mà họ sở hữu cuối cùng đều dẫn tới một công ty luật ở Panama mang tên Mossack Fonseca. Cái tên này một thời chỉ lưu truyền trong nội bộ giới tinh hoa toàn cầu nay xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông và là tâm điểm của cuộc điều tra được cho là tốn kém nhất lịch sử báo chí thế giới.
Sheila Coronel, phóng viên điều tra lão luyện, giáo sự tại Đại học Báo chí Columbia, đánh giá "Hồ sơ Panama" đã thiết lập một tiêu chuẩn mới về khả năng phối hợp hành động giữa các nhà báo.
"Tôi chưa bao giờ thấy một nỗ lực hợp tác nào lớn như vậy, xét về số lượng phóng viên, tổ chức thông tấn, báo chí cũng như số nước góp mặt", ông Coronel bình luận. Bên cạnh đó, "quyền tự chủ và tính độc lập mà các đơn vị này được trao để khai thác nguồn tư liệu dồi dào nhằm đào xới lên những câu chuyện quan trọng, có ý nghĩa với độc giả cũng rất đáng kinh ngạc".
Hợp tác toàn cầu
Dự án có sự tham gia của rất nhiều hãng tin, tờ báo uy tín, như The Guardian, BBC của Anh, Univision và Le Monde của Pháp, La Nación của Argentina, kênh NDR và WDR của Đức, cùng các nhà báo từ tờ Sonntags Zeitung, Thụy Điển, nhật báo Falter và kênh truyền hình ORF, Áo.
Theo Mashable, dự án trên được triển khai tại thời điểm mà báo chí điều tra nói riêng và ngành công nghiệp truyền thông nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng công việc phóng viên giảm sút với tốc độ nhanh chóng, ít nhất là tại Mỹ. Nhiều nhà báo phải chuyển sang những công việc khác, chẳng hạn như làm thuê cho các tập đoàn trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
Việc những dữ liệu rò rỉ có liên hệ tới các công ty, tổ chức, cá nhân tại hàng loạt quốc gia khác nhau cũng là lý do khiến dự án cần đến một nhóm phóng viên, hãng thông tấn, báo chí lớn, đa dạng về thành phần đồng thời có kiến thức địa phương.
"Nếu muốn điều tra các tài liệu về Brazil, bạn có thể tìm hỏi một phóng viên Brazil", tạp chí Fortune dẫn lời ông Ryle cho hay.
Dù vậy, không phải bất cứ đơn vị nào cũng gia nhập dự án. New York Times, Wall Street Journal và Washington Post là ba tờ báo lớn của Mỹ không theo sát vụ việc.
Theo bà Walker, sự cởi mở và sẵn sàng chia sẻ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng của dự án. Và đây có thể là nguyên nhân khiến một số tổ chức, cơ quan không sẵn lòng tham gia.
Có người thích kiểu chia sẻ này nhưng có người lại cảm thấy không thoải mái. Thực tế này hoàn toàn dễ hiểu bởi nó phụ thuộc vào chính sách bảo mật của từng đơn vị, Walker cho biết. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng cánh cửa vẫn rộng mở để chào đón thêm những đối tác mới.
Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể hợp tác với Washington Post hay New York Times, bà Walker nói.
Vũ Hoàng
Theo VNexpress