Nếu đắc cử tổng thống Mỹ, bà Hillary sẽ trọng dụng ông Obama
Báo chí Hy Lạp tê liệt vì nhà báo tham gia đình công
Hạ viện Malaysia thông qua dự luật TPP
Israel nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Triều Tiên có thể phóng tên lửa tầm xa trong tuần này
Tin thế giới đọc nhanh 28-01-2016
- Cập nhật : 28/01/2016
Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn về Biển Đông với Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trái, cùng người đồng cấp Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Ông Vương hôm nay một lần nữa bao biện về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đề nghị Washington cùng hợp tác để kiểm soát tình hình theo cách "xây dựng", Reuters cho biết.
Đại diện của Trung Quốc cũng nhắc lại quan điểm muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương. Ông Vương tuyên bố Trung Quốc sẽ giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông.
Trong khi đó, ông Kerry cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần đạt được bước tiến trước "những quan ngại và hoạt động ở Biển Đông". Hai nước nên tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng ở khu vực này.
Bắc Kinh hồi đầu tháng điều ba chuyến bay dân sự ra Chữ Thập, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và biến thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc đang tăng cường việc bồi đắp và xây dựng phi pháp ở nhiều đá khác thuộc Trường Sa, khiến nhiều chuyên gia lo ngại nước này có thể lập các căn cứ quân sự.
Do tranh chấp liên quan đến nhiều nước, cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều ủng hộ việc đàm phán đa phương và theo luật pháp quốc tế để tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở đây.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đang có chuyến công du tới ba nước Lào, Campuchia và Trung Quốc nhằm thảo luận nhiều vấn đề trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California tháng tới.
Philippines xin lỗi vì tịch thu kiện hàng dành cho Nhật hoàng
Nhật hoàng Akihito, Công nương Michiko và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại sân bay ở Manila hôm qua. Ảnh: AP
Theo GMA News, lời xin lỗi được đưa ra sau khi Đại sứ quán Nhật đăng khiếu nại về việc tịch thu và mở kiện hàng hồi tháng 11 năm ngoái, trong đó có rượu được dùng cho chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito, Công nương Michiko và phái đoàn của họ.
Nhật hoàng tới Philippines từ ngày 26/1 đến 30/1 trong chuyến thăm cấp nhà nước.
Hải quan cho hay đây đơn giản chỉ là sự hiểu lầm, và nhấn mạnh kiện hàng đã được gửi trả trước ngày 2/12.
Thanh tra hải quan Pompeo Manalo, người liên quan đến vụ việc, đã bị cảnh cáo. Giới chức cho biết họ sẽ tổ chức khóa bồi dưỡng lại dành cho các thanh tra hải quan về việc xử lý kiện hàng ngoại giao.
Trung Quốc muốn xây nhà máy điện hạt nhân trên biển
Hình mô phỏng một lò phản ứng hạt nhân trên biển có khả năng tạo ra 200 MW điện của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN). Ảnh: CGN.
Nhà chức trách đang lên kế hoạch về một "nhà máy điện nổi trên biển". Nhà máy này sẽ phải trải qua "thử nghiệm khoa học và nghiêm ngặt", AFP dẫn lời Xu Dazhe, chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, hôm nay nói.
Theo Xu, Trung Quốc muốn "trở thành thành cường quốc trên biển" và "do đó, chắc chắn sẽ sử dụng hữu ích các nguồn tài nguyên đại dương". Tuy nhiên, trên thế giới hiện chưa có tiền lệ sử dụng năng lượng hạt nhân trên biển cho mục đích dân sự.
Bắc Kinh đưa việc phát triển hai nhà máy điện hạt nhân trên biển, do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) và Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) xây dựng, vào kế hoạch 5 năm lần thứ 13, giai đoạn 2016 - 2020, hai công ty trên thông báo hồi đầu tháng.
Nhà máy do CNNC và CGN xây dự kiến bắt đầu hoạt động lần lượt vào năm 2019 và 2020. Chúng có thể cung cấp năng lượng cho các giàn khoan xa bờ, góp phần phát triển đảo cùng các khu vực hẻo lánh.
Trung Quốc hiện có 30 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, tạo ra 28,3 GW điện, Xu nói. 24 lò phản ứng có khả năng tạo ra 26,7 GW điện đang trong quá trình xây dựng.
Trung Quốc từng tuyên bố mục tiêu tăng lượng điện hạt nhân tạo ra lên 58 GW vào năm 2020. Nước này tạm ngừng thông qua xây dựng các nhà máy mới sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, tháng 3/2011, và tiếp tục vào năm 2012, bỏ qua lời cảnh báo từ Bộ Môi trường Trung Quốc về điều kiện an toàn hạt nhân "chưa tối ưu".
Mỹ chỉ trích lãnh đạo Đài Loan định thăm đảo Ba Bình
Sonia Urbom, phát ngôn viên Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), cho biết bà thất vọng khi lãnh đạo Mã Anh Cửu định tới đảo Ba Bình, trong thư điện tử gửiReuters. Về thực quyền, AIT được coi là đại sứ quán của Mỹ ở Đài Bắc do hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Bà Urbom cho hay hành động này "hoàn toàn vô ích và không đóng góp được gì cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình" ở Biển Đông.
Văn phòng của ông Mã trước đó cho biết ông ngày 28/1 sẽ đáp phi cơ xuống đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để chúc mừng năm mới các cư dân, chủ yếu là học giả môi trường và lực lượng tuần duyên Đài Loan đồn trú trái phép.
Ông Mã, người sẽ hết nhiệm kỳ lãnh đạo Đài Loan vào tháng 5 tới, còn đề nghị lãnh đạo mới đắc cử Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến (DPP) cử đại diện tới Ba Bình. Tuy nhiên, bà Thái từ chối đề nghị này, DPP cho biết.
Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Nga yêu cầu Mỹ đưa bằng chứng Putin tham nhũng
Trong chương trình Panorama phát sóng trên kênh BBC tối 25/1, quyền thứ trưởng phụ trách về khủng bố và tình báo tài chính Bộ Tài chính Mỹ Adam Szubin gọi tổng thống Nga là một "chân dung tham nhũng".
"Chương trình trên của BBC là một ví dụ điển hình của chủ nghĩa báo chí vô trách nhiệm nếu không có bình luận của một quan chức Bộ Tài chính Mỹ", AFP dẫn lời Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Putin, phát biểu với báo giới. "Còn đây tình hình lại rất khác, bởi đó là một lời cáo buộc chính thức".
Theo ông Peskov, chương trình này đã "cho thấy rõ ràng ai là người giật dây", đồng thời yêu cầu cung cấp bằng chứng cho lời cáo buộc trên.
"Việc truyền đi những cáo buộc từ một cơ quan như Bộ Tài chính Mỹ mà không có bằng chứng vững chắc khiến người ta không khỏi nghi ngờ cơ quan này", ông nói.
Khi được hỏi về tác động từ chương trình đến quan hệ Nga - Mỹ, ông Peskov trả lời mối quan hệ giữa hai nước không phải "đang ở trạng thái tốt nhất" và "một lời dối trá như vậy khó có thể khiến nó tồi tệ hơn".
Đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ Mỹ đưa ra bình luận về tài sản của Putin. Năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng "Putin đầu tư vào Gunvor và có thể tiếp cận các quỹ Gunvor" nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Gunvor là công ty buôn bán dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ.