Hai cựu ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà là Mitt Romney (năm 2012) và John McCain (năm 2008) hôm 3-3 chỉ trích tỉ phú Donald Trump sẽ khiến nước Mỹ và hệ thống dân chủ gặp nguy hiểm.
Tin thế giới đọc nhanh tối 03-03-2016
- Cập nhật : 03/03/2016
Trung Quốc muốn dùng chiến lược ở Hoàng Sa để chiếm Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có khả năng trở thành một chiến trường mới “khắc nghiệt” trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát biển Đông giữa Trung Quốc đối với Mỹ.
Mỹ đã đưa tàu khu trục đến tuần tra ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Viêt Nam - Ảnh: US Navy
Trung Quốc sẽ tiếp tục ngoan cố
Cả giới chuyên gia an ninh nước ngoài và của Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh sẽ ngoan cố "không thỏa hiệp" về quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép từ Việt Nam.
Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục dùng chiêu không chịu thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là khu vực đang tranh chấp.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia an ninh nhận định Washington và Bắc Kinh đang đối mặt với nguy cơ leo thang về việc ăn miếng trả miếng liên quan đến tình hình ở quần đảo Hoàng Sa.
Lý giải nguyên nhân này, giới chuyên gia cho rằng do Trung Quốc đang có những động thái ngày càng hung hăng, nhằm mục đích đòi chủ quyền phi lý ở khu vực này. Cùng lúc là sự hiện diện quân sự của Mỹ ngày càng tăng ở biển Đông.
“Chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn, Trung Quốc sẽ không chịu nhúc nhích về những gì mà nước này cho rằng đó là quyền lãnh thổ “cố hữu” của họ”- ông Trương Bảo Huy, một chuyên gia về an ninh ở trường đại học Lĩnh Nam của Hong Kong nhận định.
Nhật báo Quân đội Trung Quốc (PLA Daily) trước đó từng tuyên truyền rằng hiện nay binh lính Trung Quốc chiếm đến ¾ số người đang cư trú trên đảo Phú Lâm.
Tờ báo này không cho biết hiện có bao nhiêu người Trung Quốc cư trú trái phép trên đảo này cũng như các đảo khác thuộc quần đào Hoàng Sa.
Song, báo South China Morning Post dẫn các nguồn báo cáo trước đó từ Bắc Kinh thống kê hiện có khoảng hơn 1.000 người Trung Quốc đang cư trú trái phép ở Hoàng Sa.
Ông Trương nhận định Bắc Kinh có thể sẽ hành động nhanh và cứng rắn đối với bất kỳ động thái nào mà nước này cho là “khiêu khích” ở quần đảo Hoàng Sa.
Bằng chứng, từ khi Mỹ đưa tàu khu trục USS Curtis Wilbur tiến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc ngay lập tức đã thị uy bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9. Và, ngay sau đó là tái triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm.
Động thái khiến Washington phản ứng bằng hàng loạt cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa ở biển Đông.
Mỹ phản ứng
Biển Đông là tuyến đường thương mại huyết mạch nối giữa các nền kinh tế lớn ở Đông Á với Nam Á, Trung Đông và châu Âu.
Chính vì vậy khi mối quan ngại mang tính khu vực đang dâng cao, Washington không muốn bị xem là nước có lập trường quá mềm mỏng và không có phản ứng trước bất kỳ động thái nào của người Trung Quốc trên tuyến đường này. Mỹ đã cam kết sẽ có thêm nhiều “cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải” trong khu vực.
Tuy thế, chuyên gia thuộc Viện xã hội học Trung Quốc, ông Học Lực mới đây còn cho rằng Trung Quốc đang muốn áp dụng chiến lược mà nước này chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, sang sử dụng ở quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng bồi đắp trái phép ít nhất bảy đảo nhân tạo.
Một số ý kiến còn cho rằng những loạt triển khai khí tài quân sự gần đây của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm cho thấy ý đồ muốn bảo vệ tốt hơn cho hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Hạm đội này có thể bao gồm nhiều tàu vũ trang hạt nhân, đã được triển khai đến Hải Nam trong vài năm trở lại đây. Chính điều này khiến cho đảo Hải Nam trở thành trọng tâm đánh chặn hạt nhân của Bắc Kinh.
Nhiều nước đồng loạt gây áp lực dự luật chống khủng bố của Trung Quốc
Tất cả các bên bày tỏ lo ngại về luật chống khủng bố và hai dự luật mới của Bắc Kinh trong một nỗ lực chung nhằm gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh xem xét các luật này.
Luật chống khủng bố của Trung Quốc được hiểu như thế nào?
Reuters cho biết đại sứ Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản đã ký một lá thư và gửi đến Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn vào ngày 27-1 để bày tỏ lo ngại về luật chống khủng bố mới, dự luật an ninh mạng, và một dự luật về quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong một động thái tương tự, đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, Hans Dietmar Schweisgut, hôm 28-1 đã gửi một bức thư bày tỏ mối lo ngại về các luật và dự luật mới của Bắc Kinh.
Theo nội dung của hai bức thư, các luật về an ninh không gian mạng và chống khủng bố sẽ tạo ra quyền lực sâu rộng cho chính phủ Trung Quốc để chống lại các mối đe dọa, từ việc kiểm duyệt rộng rãi đến kiểm soát chặt hơn đối với một số công nghệ nhất định.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc canh gác tại cổng vào ga xe lửa miền Nam ở Urumqi, Tân Cương. (Ảnh: Reuters)
Các nhà phê bình luật chống khủng bố của Trung Quốc nói rằng luật này có thể được hiểu theo cách là ngay cả những người phản đối không dùng bạo lực cũng có thể nằm trong trong định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố của Bắc Kinh.
Bốn vị đại sứ cho biết nội dung các phần của luật chống khủng bố mà Trung Quốc đã thông qua vào tháng 12-2015 là mơ hồ và có thể tạo ra "tình trạng không rõ ràng" cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, họ không chỉ rõ các nội dung nào.
Trong khi đó, đại sứ EU cũng mô tả nội dung các phần của luật mới này là “mơ hồ”. Cả hai bức thư đều bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc thực thi luật mới.
Hai dự luật gây lo ngại nghiêm trọng
Khi được hỏi về các bức thư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết tất cả quốc gia đang tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và ông hy vọng các nước khác sẽ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
"Luật Chống khủng bố sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp có liên quan và nó sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân có liên quan" - ông Hồng nói trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết.
Hiện Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn chưa đưa ra bình luận.
"Trong khi chúng tôi công nhận sự cần thiết để mỗi quốc gia giải quyết những lo ngại về an ninh của mình, chúng tôi tin rằng luật mới có khả năng cản trở thương mại, sự đổi mới và vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc về việc bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế" - một phần nội dung bức thư do Reuters dẫn lại.
Trong một động thái để bảo vệ luật mới và các dự luật, Trung Quốc nói rằng các biện pháp như vậy, bao gồm kiểm duyệt gắt gao, là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của một quốc gia hơn 1,3 tỉ người.
Đối với dự luật không gian mạng, tất cả năm đại sứ đều đặc biệt quan tâm đến những quy định mà đòi hỏi các công ty phải lưu trữ dữ liệu cục bộ và cung cấp các khóa mã hóa cho chính phủ Trung Quốc. Điều này làm các công ty công nghệ lo lắng vì nó có thể xâm phạm quyền riêng tư của họ và có nghĩa rằng họ phải bàn giao các sản phẩm sở hữu trí tuệ nhạy cảm cho chính phủ trên danh nghĩa an ninh.
Trong khi đó, dự luật quản lý tổ chức phi chính phủ (NGO) có thể sẽ cản trở việc trao đổi học thuật và các hoạt động thương mại. Đây được xem là các yếu tố rất quan trọng trong mối quan hệ của các nước với Trung Quốc.
Các nhà phê bình nói rằng dự luật có khả năng sẽ cản trở hoạt động của các tổ chức phi chính phủ khi yêu cầu những tổ chức này phải có các nhà tài trợ chính thức. Đồng thời, dự luật còn chuyển giao nhiều quyền cho cảnh sát để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.
Trong cả hai bức thư, các đại sứ đã yêu cầu Trung Quốc một lần nữa phải tham khảo ý kiến từ cộng đồng đối với hai dự luật này.
Gần 1/3 phụ nữ đi làm ở Nhật bị quấy rối tình dục
Khoảng 30% số lượng nhân viên nữ tại Nhật Bản nói rằng họ bị lạm dụng tình dục hoặc cư xử kém - Ảnh minh họa: Reuters
Một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản cho biết gần 1/3 số phụ nữ đi làm trả lời rằng họ bị quấy rối tình dục trong công việc, AP cho biết.
Nghiên cứu phát hành hôm 1.3 vừa qua là lần đầu tiên một khảo sát thế này được thực hiện. Nó cho biết đã khảo sát 9.600 lao động nữ tại Nhật Bản qua email hoặc trực tuyến. Tỉ lệ trả lời là 18%, mặc dù nhà khảo sát không đưa ra sai số.
Trong số những người được hỏi, có 29% nói rằng họ bị quấy rối tình dục, bao gồm những hành vi tiếp xúc cơ thể hoặc ý kiến bàn luận không hay từ người khác, theo AP. Phổ biến nhất trong các loại quấy rối theo khảo sát trên là nhằm vào ngoại hình của nữ nhân viên hoặc tuổi tác, chiếm 54%.
Tiếp theo là những động tác va chạm thể xác không mong muốn, với 40% kể rằng họ gặp phải. Trong khi đó, những câu hỏi liên quan tới tình dục chiếm tỉ lệ 38%. Có vẻ “nghiêm túc” hơn là những câu hỏi đại loại như bữa ăn hoặc mời đi chơi chiếm 27%.
Những nghiên cứu lần này có vai trò tương đối quan trọng với các chính sách của Nhật Bản, trong bối cảnh sự bất bình đẳng giới tính của nước này vẫn ở mức cao, kèm theo việc thiếu hụt nhân công vì dân số già.
Nhật đứng thứ 101 trên 145 quốc gia/nền kinh tế về bình đẳng giới, theo kết quả nghiên cứu trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về “khoảng cách giới tính”, nghiên cứu cách hành xử đối với phụ nữ tại các nền kinh tế dựa theo tình hình chính trị, kinh tế, giáo dục.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khuyến khích phụ nữ đi làm để giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động cho đất nước. Tuy nhiên số lượng phụ nữ đứng đầu các công ty có quy mô trên 100 người trở lên chỉ chiếm 8% ở Nhật, theo AP.
Tư lệnh NATO: Mỹ không đủ sức chống Nga ở châu Âu
Chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại châu Âu, Tư lệnh NATO cảnh báo rằng nước này không còn đủ nguồn lực quân sự để đối đầu Nga tại châu lục này.
Ấn Độ bơm 13 tỉ USD cho nông nghiệp
Chính quyền New Delhi vừa cam kết dành 13 tỉ USD để nâng cao thu nhập cho người nông dân vốn chiếm phần lớn trong tổng số 1,2 tỉ dân nước này.
Nhiều vùng nông nghiệp của Ấn Độ đang lao đao vì hậu quả nghiêm trọng của hai năm hạn hán liên tiếp - Ảnh: Reuters
Theo Aljazeera, trong buổi công bố kế hoạch “ngân sách cho người nghèo” ngày 29-2, Bộ trưởng tài chính Arun Jaitley cho biết với khoản đầu tư này, thu nhập của nông dân sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới.
Trong nội dung trình bày về kế hoạch ngân sách quốc gia giai đoạn 2016-2017, ông Jaitley cũng nêu các nội dung chính mà ông gọi là “chín vấn đề trọng tâm” trong chương trình chuyển đổi kinh tế của Chính phủ Ấn Độ.
Theo đó gồm các giải pháp tập trung phát triển giáo dục, tăng ngân sách xây dựng đường sá, kênh mương và các cơ sở hạ tầng khác, tăng cường giám sát chi tiêu ngân sách chính phủ và cải cách hệ thống thu thuế phức tạp.
Cũng theo ông Jaitley, một đánh giá gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Ấn Độ là một điểm sáng trong bức tranh chung kinh tế toàn cầu. Kinh tế Ấn Độ vẫn đang vận hành tốt bất kể tình hình giảm tốc tại một số nền kinh tế hàng đầu và mới nổi khác.
Giới chuyên gia phân tích nhận định những khoản đầu tư cho nông nghiệp Ấn Độ hiện rất bức thiết vì nhiều vùng nông nghiệp của Ấn Độ đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của hai năm hạn hán liên tiếp.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc tập trung đầu tư cho nông thôn lần này có thể vì động cơ chính trị do các đợt bầu cử quốc hội tại năm bang sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Hai năm qua, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã dành khá nhiều ngân sách cho việc phát triển hạ tầng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, có lẽ những thất bại gần đây của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền trong đợt bầu cử tại bang nông nghiệp Bihar đã khiến đảng này phải thay đổi chính sách.