Pháp bắt hai thiếu nữ định tấn công Paris
Trung Quốc ngang nhiên nói sẽ đáp máy bay dân sự tới Hoàng Sa
Nga “lột” vũ khí hạt nhân tàu ngầm tên lửa lớn nhất thế giới
GS. Stephen Hawking kêu gọi Anh không rời EU
Triều Tiên lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng, ‘giải phóng Hàn Quốc’
Tin thế giới đọc nhanh 04-03-2016
- Cập nhật : 04/03/2016
Mỹ phản đối Trung Quốc dùng hải quân đe dọa tàu cá ở Biển Đông
"Chúng tôi biết thông tin có tàu Trung Quốc hoạt động" gần bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Reuters dẫn lời Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. "Chúng tôi không muốn họ sử dụng... hải quân để đe dọa các tàu cá khác trong khu vực".
Giới chức Philippines hôm qua cho biết Trung Quốc vài tuần gần đây đã điều 7 tàu tới bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngăn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống này.
Quân đội Philippines sau đó thông báo đang tìm cách xác nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm. Một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã bắn cảnh cáo ngư dân Philippines tại đây vào năm 2011.
Trung Quốc trong cùng ngày giải thích rằng các tàu trên được điều đến bãi Hải Sâm để kéo một tàu mắc cạn và hiện chúng đã rời khỏi vùng biển này. "Để đảm bảo an toàn đi lại và điều kiện làm việc, Trung Quốc kêu gọi các tàu cá gần khu vực rời đi", Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Bộ Ngoại giao Philippines thông báo đang theo dõi thông tin về tình hình thực địa và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/2 một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông kêu gọi các bên hành động có trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực dựa trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 .
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trước đó yêu cầu Trung Quốc không nên có những hành động "gây hấn" trong khu vực, cảnh báo việc quân sự hóa Biển Đông sẽ dẫn đến "những hậu quả rõ ràng". Ông Hồng yêu cầu Washington "dừng phóng đại và nhạy cảm hóa vấn đề này".
Năm nhân tố thách thức quốc phòng Mỹ
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Commonwealth (*) ở San Francisco (bang California) ngày 1-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã chỉ ra năm nhân tố có thể chi phối ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2017.
Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu năm nhân tố đó như sau:
• Năm thách thức đang nổi: Đó là Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên, Iran và khủng bố. Để giữ ưu thế, Lầu Năm Góc dự kiến chi 71,8 tỉ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển trong năm 2017, gồm an ninh mạng, tăng cường năng lực dưới biển, phát triển tên lửa siêu âm, trí thông minh nhân tạo và chiến lược tiếp cận mới.
• Xây dựng quan hệ đối tác mạnh với giới công nghệ: Ông Ashton Carter nhấn mạnh cần có cầu nối vững chắc giữa Lầu Năm Góc với giới công nghệ Mỹ, nhất là khu vực xung quanh vịnh San Francisco.
• Không gian mạng: Ông Ashton Carter xác định ba nhiệm vụ: Tiếp tục bảo đảm tự do chu chuyển thông tin, dịch vụ và sản phẩm; bảo vệ Mỹ khỏi tấn công mạng từ bên ngoài; bảo đảm phản công trên mạng nếu có xung đột.
• Bảo mật hệ thống: Một phần ngân sách quốc phòng sẽ được dùng cho công tác đào tạo và bồi dưỡng lực lượng tác chiến mạng.
• Xây lại cầu nối với giới công nghệ: Ông Ashton Carter hy vọng những cá nhân tài giỏi trước đây làm việc trong giới công nghệ và giờ làm cho Lầu Năm Góc sẽ là cầu nối cho quan hệ đôi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trò chuyện với các học viên trường hải quân ngày 1-3 ở San Francisco. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Hãng tin Fox News (Mỹ) đưa tin trong bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã cảnh báo: “Trung Quốc không được theo đuổi mục tiêu quân sự hóa biển Đông. Mọi hành động cụ thể sẽ phải trả giá bằng những hậu quả cụ thể”.
Ông nhấn mạnh nếu Trung Quốc không chú ý đến cảnh báo của Mỹ, Washington sẵn sàng tăng cường triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương và dành thêm 425 triệu USD để tập trận với các nước trong khu vực.
Phản ứng lại phát biểu này, ngày 2-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ đừng làm quá tình hình tranh chấp ở biển Đông.
Cùng ngày tại Philippines, ông Eugenio Bito-onon Jr, thị trưởng TP Kalayaan, khẳng định Trung Quốc đã triển khai bảy tàu đến bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (bị Philippines chiếm giữ).
Người phát ngôn quân đội Philippines thừa nhận: “Chúng tôi đang tiến hành xác minh xem sự hiện diện lần này có lâu dài không”.
Reuters dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên từ Palawan (Philippines) khẳng định máy bay tuần tra Philippines đã phát hiện 4-5 tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm từ tuần trước.
Khu vực này khá gần đá Vành Khăn là nơi Bắc Kinh bồi đắp xây đảo nhân tạo trái phép. Nguồn tin xác nhận: “Chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng công trình hay biến bãi Hải Sâm thành đảo nhân tạo”.
Trung Quốc lên kế hoạch lập cụm tàu sân bay chiến đấu
Xinhua dẫn lời Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo, cố vấn chính trị quốc gia, thành viên hội đồng cố vấn của hải quân về an ninh mạng, cho biết việc đóng các tàu sân bay nhằm "bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo, rặng san hô, quyền lợi hàng hải và lợi ích ở nước ngoài".
"Bảo vệ vị thế kinh tế, chính trị và sự an toàn khi lao động của người Trung Quốc ở nước ngoài có ý nghĩa tối cao, quan trọng hơn cả bảo vệ hoạt động phát triển kinh tế trong nước và cải cách, mở cửa", ông Yin nói và thêm rằng việc bảo vệ đòi hỏi hải lực mạnh, như các cụm tàu sân bay chiến đấu.
Theo ông Yin, Trung Quốc hiện đầu tư ra 155 nước, với nhiều công dân đang làm ăn ở nước ngoài, do đó nước này cần các tàu sân bay để "bảo vệ tài sản và công dân ở nước ngoài".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm nay xác nhận nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai, cũng là tàu sân bay với công nghệ nội địa hoàn toàn.
Tuyên bố của ông Yin được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây có hàng loạt động thái làm leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đông, như điều tên lửa, chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt hệ thống radar trên các đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi đắp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những hành động đó của Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, đe doạ hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vấp phải phản ứng quyết liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Tàu sân bay duy nhất hiện nay mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc từng được điều tới diễn tập ở Biển Đông vài lần kể từ khi được bàn giao cho hải quân năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, tàu này chỉ được sử dụng chủ yếu cho mục đích huấn luyện và nghiên cứu chứ không thể hiện bất cứ vai trò tác chiến thực tiễn nào.
Ni Lexiong, một chuyên gia phân tích quân sự tại Thượng Hải, cho rằng các tàu sân bay Trung Quốc ít có khả năng tới Biển Đông trong tương lai gần. "Việc điều động các tàu sân bay sẽ là tuyên bố ngoại giao mạnh mẽ. Hành động đó thể hiện sức mạnh và ý chí sử dụng vũ lực của một nước", Ni nói.
Hơn 45.000 người ký đơn đòi bắt ông Bill Clinton
Hơn 45.000 người đã ký đơn tập thể yêu cầu bắt ông Bill Clinton khi ông xuất hiện “gần hơn mức luật cho phép” tại một điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử sơ bộ “siêu thứ ba” 1-3 ở Boston (Mỹ).
Ông Bill Clinton trò chuyện với mọi người trong điểm bầu cử tại Newton, bang Massachusetts ngày 1-3 - Ảnh: Boston Globe
Theo CNBC, sự việc liên quan tới tình huống ông Bill Clinton đã xuất hiện “gần hơn mức luật pháp cho phép” tại một điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử sơ bộ “siêu thứ ba” 1-3 ở Boston.
Những người ký đơn một mực yêu cầu cơ quan chức năng bắt và truy tố ông Clinton dù sau sự việc này một số quan chức chính phủ đã lên tiếng nói rằng cựu tổng thống đã hành động hoàn toàn hợp pháp.
Nguồn tin của NBC News cho biết cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ Hillary Clinton đã giành thắng lợi với khoảng 17.000 phiếu ủng hộ.
Theo Boston Globe, ngày 1-3, tại Boston, ông Bill Clinton đã trò chuyện với các nhân viên tại điểm bỏ phiếu, chụp ảnh với một người phụ nữ tại phòng tập thể thao của trường Holy Name Parish Scholl ở West Roxbury.
Tuy nhiên trong đơn kiến nghị tập thể đăng trên trang Change.org, những người phản đối cho rằng ông Clinton đã cố tình vi phạm luật bầu cử theo cách thức nghiêm trọng.
Cũng theo tờ Boston Globe, ông Clinton cũng đã đi vào gần khu vực bỏ phiếu ở Newton và tham gia một sự kiện bên ngoài một điểm bỏ phiếu tại New Bedford.
Mặc dù không có bài báo nào nói thẳng rằng cựu tổng thống đã công khai vận động cử tri bỏ phiếu cho vợ ông, nhưng lá đơn kiến nghị tập thể trên mạng cáo buộc ông “đã vận động cử tri trong khuôn khổ bị giới hạn”.
Lãnh sự quán Ấn Độ tại Afghanistan bị đánh bom
Ngày 2-3 xảy ra một vụ đánh bom tự sát bằng ô tô bên ngoài trụ sở lãnh sự quán Ấn Độ ở TP Jalalabad (tỉnh Nangarhar, Afghanistan).
Một phần tử lái chiếc ô tô chở bom đến trước lãnh sự quán Ấn Độ và cho nổ. Sức công phá của vụ nổ phá hủy tám chiếc ô tô đậu gần đó, phá vỡ nhiều cửa lớn, cửa sổ nhà cửa xung quanh.
Hiện trường vụ đánh bom tự sát bằng ô tô bên ngoài lãnh sự quán Ấn Độ ở TP Jalalabad (Afghanistan) ngày 2-3. Ảnh: AP
Ngay tiếp sau đó bốn phần tử khác tiếp cận khu vực và xảy ra đấu súng với cảnh sát Afghanistan. Nhiều vụ nổ và tiếng súng vang lên. Bốn phần tử này bị tiêu diệt sau đó.
Theo báo Times of India (Ấn Độ) cho biết chỉ có sáu người bị thương. Tuy nhiên, theo hãng tin AP thì hai người thiệt mạng, 19 người bị thương, toàn bộ thương vong đều là dân thường.
Theo ông Attaullah Khogyani, người phát ngôn tỉnh Nangarhar, mục tiêu tấn công là lãnh sự quán Ấn Độ. Tuy nhiên, bên trong lãnh sự quán không bị ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ xác nhận toàn bộ nhân viên lãnh sự đều an toàn. Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul (Afghanistan) không bị ảnh hưởng.
Hiện chưa nhóm nào nhận trách nhiệm.
Cũng trong tháng 1, lãnh sự quán Ấn Độ ở TP Mazar-i-Sharif cũng bị tấn công.
Các cơ quan, trụ sở của Ấn Độ ở Afghanistan từ lâu là những địa điểm dễ bị tấn công. Vài năm gần đây, đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul, nhiều bệnh viện và nhiều dự án khác của Ấn Độ ở Afghanistan cũng từng là mục tiêu nhiều vụ tấn công bạo lực làm nhiều người chết.
Tháng trước cũng xảy ra một vụ đánh bom tương tự bên ngoài trụ sở lãnh sự quán Pakistan ở gần đó làm một người chết. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm vụ này.