Mỹ ủng hộ đàm phán về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
82 nhân viên an ninh Euro 2016 bị tình nghi là khủng bố
Những rủi ro khi Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương
Đại sứ Trung Quốc “nắn gân” Canada
Mỹ khẳng định không phối hợp quân sự với Nga tại Syria
Tin thế giới đọc nhanh sáng 31-05-2016
- Cập nhật : 31/05/2016
Trung Quốc sẽ cải tổ trong năm 2017?
Ba nhân vật ít nhiều có liên hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình vừa được thăng chức trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017
3 người này bao gồm 1 người từng là cấp dưới của ông Tập Cận Bình tại tỉnh Phúc Kiến và 2 thân tín của các trợ lý được ông Tập tin tưởng.
Trong số này, ông Lâm Đạc (60 tuổi) được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc. Ông Lâm từng là thuộc cấp của ông Vương Kỳ Sơn trong thời gian 4 năm ông này giữ chức thị trưởng Bắc Kinh. Họ lại làm việc cùng nhau khi ông Lâm lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của tỉnh Liêu Ninh trong năm 2014.
Ông Vương Kỳ Sơn hiện là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. (CCDI) và được xem là người được ông Tập tin tưởng nhất.
Trong khi đó, ông Hồ Hòa Bình (54 tuổi), được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây, vốn là quê nhà của chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là vị trí mới thứ ba của ông Hồ Hòa Bình trong 2,5 năm trở lại đây.
Người còn lại là Vương Tiểu Hồng (57 tuổi), được thăng từ vị trí giám đốc Sở Công an Bắc Kinh lên Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Vương là cấp dưới cũ của ông Tập trong thời gian làm việc ở tỉnh Phúc Kiến.
Trừ ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường, 5 ủy viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại dự kiến nghỉ hưu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Phó giáo sư Trần Đạo Ấn thuộc Học viện Pháp chính Thượng Hải cho rằng những nhân vật vừa được thăng chức nói trên đều có nhiều cơ hội thăng tiến thêm nữa tại đại hội đảng lần tới.
Theo nhận định của ông Trần, “có thể đây được xem như là một khúc dạo đầu cho cuộc cải tổ trong năm tới” trước khi nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Bí thư Tập Cận Bình bắt đầu. “Các bổ nhiệm sẽ bị xem là quá vội vàng nếu được tiến hành trong năm tới” - ông Trần giải thích.
Nga - NATO khẩu chiến về lá chắn tên lửa ở châu Âu
NATO cuối tuần qua chỉ trích lời đe dọa của Tổng thống Nga Putin là “vô lý và vô trách nhiệm” sau khi ông Putin đưa ra phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania và Ba Lan.
CNN dẫn lời người phát ngôn Oana Lungescu của NATO khẳng định hệ thống tên lửa mà Mỹ vừa khởi động ở Romania không thể tấn công vì nó không được lắp chất nổ và chỉ được thiết kế để đánh bật các mục tiêu trên không.
“Bất cứ lời đe dọa nào từ Nga cũng đều vô lý và vô trách nhiệm - bà Lungescu nói - Nga biết rõ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của chúng tôi chỉ nhằm phòng thủ và không trực tiếp nhắm vào Nga”.
Bộ Ngoại giao Romania cũng ra tuyên bố cho rằng phát biểu của ông Putin phớt lờ tình hình thực tế mà nước này và các đồng minh đã cố giải thích.
Khi khởi động hệ thống US Aegis Ashore hồi đầu tháng 5-2016 tại căn cứ hỗ trợ hải quân Mỹ ở Romania, Washington giải thích rằng hệ thống nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran. Một phần của lá chắn tên lửa đã được khởi công xây dựng tại Ba Lan.
Cả hai thuộc hệ thống phòng thủ lớn hơn của NATO với trung tâm chỉ huy đặt tại Đức, hệ thống rađa tại Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với các tàu trang bị tên lửa đặt tại Tây Ban Nha.
Tại hội nghị vào ngày 8-7 ở Warsaw, các lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ra cam kết tăng cường hiện diện quân sự thường trực tại khu vực Đông Âu.
“Làm sao điều này lại không đe dọa đến chúng tôi?” - ông Putin lập luận khi đe dọa đưa Romania và Ba Lan vào “tầm ngắm”. Tổng thống Nga không nói rõ Matxcơva sẽ đáp trả như thế nào nhưng giới phân tích cho rằng Mỹ và NATO nên thận trọng bởi ông Putin không phải là một người nói suông.
Cùng lúc với những căng thẳng trên chính trường, truyền thông phương Tây và Nga tiếp tục khẩu chiến xung quanh các vấn đề tăng cường quân sự dọc biên giới. Tờ Sputnik News của Nga tố cáo việc NATO triển khai hơn 10.000 quân tập trận ở khu vực Baltic dọc biên giới phía đông của Nga đe dọa làm bùng nổ một cuộc xung đột toàn cầu.
“Các cuộc tập trận thường được các cường quốc dùng như cái cớ để mở một cuộc xâm chiếm quy mô lớn” - tờ này dẫn lời nhà phân tích Mark Sleboda. Ngược lại, tờ Express của Anh dẫn lời các quan chức NATO tiết lộ Nga đang giả vờ tập trận để bí mật tập hợp quân tại biên giới với châu Âu nhằm chuẩn bị cho một Crimea tiếp theo.
Tàu Trung Quốc “cướp” cá tận châu Phi
Đường bờ biển kéo dài gần 4.000 km của Nam Phi đã trở thành miếng mồi béo bở cho đội tàu cá Trung Quốc “xâu xé” làm cạn kiệt nguồn cá, theo báo Sunday Tribune.
Tờ báo của Nam Phi cho biết hồi tuần trước, 3 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ ở cảng Đông London với cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển Nam Phi. Nước này đã cáo buộc thuyền trưởng các tàu trên đánh bắt trái phép và không tuân thủ mệnh lệnh của lực lượng sở tại. Giới chuyên gia lo ngại việc thiếu trang thiết bị (như máy bay giám sát, tàu tuần tra…) khiến Nam Phi không bảo vệ hiệu quả lãnh hải. Do đó, họ kêu gọi sự phối hợp của nhiều cơ quan, kể cả hải quân, để tăng tính răn đe. Trên quy mô rộng hơn, Liên minh châu Phi (AU) đang đẩy mạnh các thỏa thuận đánh bắt cá liên quốc gia để tránh xảy ra xung đột.
Tàu cá Lu Huang Yuan Yu 186 của Trung Quốc bị bắt hồi giữa tháng 5 ngoài khơi tỉnh Đông Cape - Nam Phi Ảnh: SUNDAY TRIBUNE
Tàu cá Lu Huang Yuan Yu 186 của Trung Quốc bị bắt hồi giữa tháng 5 ngoài khơi tỉnh Đông Cape - Nam Phi Ảnh: SUNDAY TRIBUNE
Sunday Tribune dẫn một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu ước tính từ năm 2000-2011, ngư dân Trung Quốc đánh bắt 4,6 triệu tấn cá/năm, phần lớn từ vùng biển châu Phi, châu Á và một số lượng nhỏ từ Trung và Nam Mỹ, Nam Cực. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác liên quan tới đánh bắt thủy sản trộm ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, một tàu Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 27-5. Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn quân đội tại căn cứ hải quân số 4 ở tỉnh đảo Riau, thiếu tá Josdy Damopoli, mô tả lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đứng nhìn khi các quan chức Indonesia tiếp cận tàu đánh cá đó và bắt giữ 8 thủy thủ.
Không chỉ e ngại tàu cá Trung Quốc, giới chuyên gia còn lo lắng căng thẳng trên biển Đông sẽ tăng mạnh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Các quan chức phương Tây quan ngại Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách mở rộng hoạt động xây đảo nhân tạo đến tận bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ Philippines năm 2012. Va chạm có thể khó tránh bởi Nhà Trắng đang chịu sức ép phải mạnh tay hơn với Trung Quốc từ giới tướng lĩnh ở Thái Bình Dương và nhiều nghị sĩ.
Là nước khởi kiện, Philippines muốn Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA. Tân Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh ngay cả khi nước ông kêu gọi Bắc Kinh đầu tư vào hạ tầng thì Trung Quốc vẫn không thể phớt lờ phán quyết của PCA. Trong khi đó, tạp chí Nikkei ngày 30-5 dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho rằng không thể giải quyết tranh chấp trên biển Đông với lối tư duy “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Ông cũng lưu ý ổn định ở châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ - Trung và “khu vực này đủ rộng cho tất cả cường quốc, bao gồm Nhật Bản, tồn tại hòa bình”.
“Tên lửa mới của Mỹ sẽ được đặt tại Ba Lan”
Hàn Quốc: Luật chống tham nhũng bị phàn nàn
Dù còn vài tháng nữa mới có hiệu lực nhưng luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc đang gây ra không ít lo lắng.
Theo trang tin Bloomberg (Mỹ), luật chống tham nhũng mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 28-9 nhằm chấm dứt thực trạng hối lộ công chức, viên chức những bữa ăn, món quà đắt tiền để đổi lấy “sự nương tay” trong vấn đề giám sát hoặc những ưu ái trái pháp luật.
Luật mới này được đưa ra sau thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 - phần nào phơi bày mối liên hệ mờ ám giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp vận tải biển. Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc năm 2014, 63% trong tổng số 1.400 người được hỏi cho rằng tham nhũng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc.
Theo luật mới nêu trên, nhân viên chính phủ, giáo viên, nhà báo sẽ bị trừng phạt nếu chấp nhận những bữa ăn có giá trị hơn 30.000 won (gần 570.000 đồng) và quà cáp có giá trị hơn 50.000 won. Viện Nghiên cứu Huyndai ước tính quy định này sẽ tác động đến khoảng 9% người lao động Hàn Quốc.
Những người ủng hộ cho rằng quy định này sẽ góp phần làm trong sạchvăn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như giúp giảm chi phí vận động hành lang của các công ty. Tuy nhiên, đã xuất hiện nỗi lo luật chống tham nhũng mới sẽ tác động tiêu cực lên tiêu dùng nội địa và kinh tế đất nước.
“Việc ban hành luật trong thời gian này là không tốt cho nền kinh tế bởi nhu cầu trong nước vẫn đang suy yếu. Tặng quà cho nhau dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu giúp ích cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp” - ông Cho Dong Keun, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Myongji, nhận định.
Một số người khác lo ngại luật chống tham nhũng mới còn ảnh hưởng đến truyền thống tặng quà (phổ biến là thịt bò, trái cây, hải sản…) cho đối tác kinh doanh và người quen trong những dịp lễ, tết. Hiệp hội Ngành công nghiệp thủy sản Hàn Quốc cho biết một lượng hải sản trị giá 8.900 tỉ won được bán tại nước này hồi năm ngoái, trong đó 21% được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Vì thế, họ ước tính doanh thu sẽ giảm khoảng 1.100 tỉ won nếu những sản phẩm đắt tiền, như bào ngư, không còn được lựa chọn làm quà tặng.
Ngoài ra, hồi đầu tháng này, Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp quốc gia Hàn Quốc cho rằng luật mới sẽ gây thiệt hại cho nông dânbởi hơn 50% giỏ quà trái cây và 98% sản phẩm quà thịt bò đã có giá trên 50.000 won. Trong khi đó, theo Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, nên nâng mức hạn chế về giá trị bữa ăn lên 70.000 won nhằm ngăn sự suy giảm của ngành công nghiệp thực phẩm.
Đối mặt những phàn nàn trên, Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của công chúng để có sự điều chỉnh hợp lý trước khi luật có hiệu lực.