tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 20-08-2016

  • Cập nhật : 20/08/2016

Trung Quốc xây cầu tàu quân sự mới áp sát Senkaku

Trung Quốc đã xây một bến tàu mới cho các tàu chiến tại địa điểm đang được phát triển thành căn cứ quân sự gần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 19-8 dẫn thuộc thạo tin cho biết Trung Quốc đã xây một bến tàu mới cho các tàu chiến tại địa điểm đang được phát triển thành căn cứ quân sự gần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Theo nguồn tin, bến tàu được xây trên đảo lớn nhất thuộc quần đảo Nanji, ngoài khơi TP cảng Wenzhou. Quần đảo Nanji cách Senkaku chừng 100 km.

Mục đích của Trung Quốc dường như muốn nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với các tình huống bất ngờ tiềm tàng với Nhật Bản và Trung Quốc – hai nước chỉ trích các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển.

quan dao nanji. anh: kyodo

Quần đảo Nanji. Ảnh: Kyodo

Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn tăng cường khả năng giám sát vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà nước này đơn phương lập ra ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.  

Nguồn tin cho biết một số tàu chiến đã được nhìn thấy neo đậu ở đảo Nanji. Bến tàu dài khoảng 70-80 m này cũng có thể tiếp nhận các tàu đổ bộ.

Quần đảo Nanji đã được trang bị hệ thống radar hiện đại tại chỗ và một sân bay trực thăng dành cho các trực thăng đậu trên các tàu sân bay.

Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch xây dựng một đường băng cho mục đích quân sự trên quần đảo này nhưng giai đoạn thi công dường như chưa bắt đầu. Nguồn tin cũng nói thêm, máy bay quân sự Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận trong khu vực vào mùa xuân này. 

Quan hệ Nhật-Trung xấu đi vì vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những tháng gần đây, căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tokyo bày tỏ lo ngại về hàng loạt tàu của chính phủ Trung Quốc liên tục đi vào lãnh hải Nhật Bản.(PLO)


Ông Obama sẽ tham dự 2 hội nghị quan trọng ở Lào, Trung Quốc

tong thong my barack obama. (nguon: getty images) 

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: Getty Images) 

Ngày 18/8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo báo chí cho biết Tổng thống Barack Obama ngày 2/9 sẽ lên đường thăm Trung Quốc và Lào nhằm nêu bật cam kết của Mỹ trong việc triển khai chính sách tái cân bằng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Dự kiến, tại Trung Quốc, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, theo đó ông sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy tiến bộ đã đạt được kể từ năm 2009 trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định và cân bằng trên toàn cầu. 

Bên cạnh đó, ông sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong khuôn khổ G-20 nhằm thúc đẩy một sân chơi công bằng và tạo cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả các bên. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu để thảo luận một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu. 

Tiếp theo chuyến thăm Trung Quốc, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Lào, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Nam Á này. 

Theo kế hoạch, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit và các quan chức chủ chốt khác của nước chủ nhà nhằm thúc đẩy hợp tác Mỹ-Lào về kinh tế, phát triển, ngoại giao nhân dân và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Sáng kiến các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á. 

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, ông Obama sẽ thảo luận cách thức tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ, cũng như tăng cường hợp tác trong việc đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu. Tại EAS, ông Obama sẽ phối hợp với các nhà lãnh đạo khu vực trong nỗ lực thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. 

Đây là chuyến thăm thứ 11 của ông Obama tới châu Á kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi năm 2009.(TTXVN)


Nhật Bản tính tăng ngân sách quốc phòng lên 51 tỷ USD

Nhật Bản dự định tăng ngân sách quốc phòng lên 51 tỷ USD trong năm tài khóa 2017, mức cao kỷ lục nếu được thông qua.

binh si luc luong phong ve nhat ban dung gac canh he thong ten lua pac-3 tai tokyo ngay 22/6. anh: reuters.

Binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đứng gác cạnh hệ thống tên lửa PAC-3 tại Tokyo ngày 22/6. Ảnh: Reuters.

Reuters dẫn lời các quan chức Nhật Bản hôm nay cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ đề nghị mức ngân sách quốc phòng 5,16 nghìn tỷ yen (51 tỷ USD), mức cao kỷ lục, cho năm tài khóa 2017. Tokyo còn có kế hoạch phát triển máy bay do thám không người lái trong thập kỷ tới và máy bay chiến đấu không người lái trong 10 năm sau đó.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trên biển Hoa Đông tăng cao và mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên ngày càng lớn.

Ông Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku, Nhật Bản, cho biết mức tăng này là "chưa đủ" so với độ nghiêm trọng về môi trường an ninh đến từ các nước láng giềng

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị được cấp 100 tỷ yen (khoảng 1 tỷ USD) để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3, nâng tầm bắn thêm 30 km, một quan chức giấu tên cho biết.

Ngân sách quốc phòng dự kiến còn chi cho sản xuất phiên bản tên lửa Block IIA trong hệ thống phòng thủ Standard Missile-3 hợp tác với Mỹ để bắn hạ các tên lửa bay cao hơn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phân bổ một phần ngân sách mua các chiến đấu cơ F-35 phiên bản nâng cấp từ Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng muốn tăng sức mạnh cho lực lượng bảo vệ bờ biển ở các đảo Miyakojima và Amami Oshima trên biển Hoa Đông, nơi các tàu Trung Quốc thường xuyên hoạt động.

Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh đã tăng cao từ tháng 8 khi nhiều tàu công vụ và tàu cá Trung Quốc đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát.(VNEX)


​Trung Quốc, Nhật đầu tư mạnh vào tên lửa

Bắc Kinh tuyên bố giúp các thế hệ tên lửa hành trình tiếp theo “thông minh hơn”, trong khi Tokyo hé lộ kế hoạch sản xuất tên lửa đối hạm có tầm xa nhất từ trước đến nay.

xe cho ten lua trong le duyet binh ky niem 60 nam quoc khanh trung quoc nam 2009 - anh: afp

Xe chở tên lửa trong lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Trung Quốc năm 2009 - Ảnh: AFP

 

Tờ China Daily ngày 19-8 đưa tin Tập đoàn công nghiệp và khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc sẽ “gia tăng hàm lượng trí thông minh nhân tạo và tự động hóa” trong kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình sắp tới.

“Điều này sẽ giúp các chỉ huy quân đội có thể sử dụng chúng linh hoạt tùy theo điều kiện chiến đấu” - Wang Changqing, giám đốc thiết kế của tập đoàn, khoe khoang.

Ông Wang nói thêm rằng các tên lửa hành trình thông minh này có thể được theo dõi theo thời gian thực hoặc áp dụng các chiến thuật bắn-rồi-quên (fire-and-forget - tên lửa đã bắn đi thì tự làm mọi khâu còn lại, người điều khiển không cần phải theo dõi hay can thiệp gì thêm).

Wang khẳng định “Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất tên lửa” nhưng không dẫn chứng cụ thể.

Hãng tin Reuters trong khi đó cho biết Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển tên lửa trong chiến lược hiện đại hóa quốc phòng của mình, vốn bao gồm cả xây dựng máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay. Trung Quốc luôn khẳng định chương trình phát triển này không mang ý thù địch mà chỉ là để bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Reuters.

Trong khi đó, Tokyo vừa công bố kế hoạch sản xuất tên lửa bờ đối hạm (surface to ship) với tầm bắn 300km, xa hơn tên lửa nhóm Type 12 sản xuất hồi năm 2012 (tầm bắn 200km), theo Financial Times ngày 19-8.

Hệ thống tên lửa có tầm xa nhất từ trước đến nay sẽ được đặt ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo không ngừng gia tăng thời gian gần đây.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đang nghiên cứu tăng cường khả năng của hệ thống tên lửa đất đối hạm hiện có nhằm ngăn chặn việc xâm phạm lên các đảo ở xa. Tờ Yomiuri Shimbun ngày 14-8 tiết lộ hệ thống này sẽ được đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2023 nhưng phía Bộ Quốc phòng từ chối bình luận thông tin này.

Trong khi đó, Financial Times dẫn lời các nguồn quốc phòng thạo tin cho hay loại tên lửa mới này được thiết kế để “làm phức tạp các kế hoạch tấn công của địch”.

Khi được đặt trên các đảo thuộc biển Hoa Đông và có tầm với đủ để vươn đến rìa của vùng biển mà Nhật tuyên bố chủ quyền, hệ thống tên lửa mới sẽ tăng cường tính phòng thủ cho các đảo này.

Nếu một lực lượng nào định đổ bộ lên đảo của Nhật, chỉ huy phe đó buộc phải phá hủy hệ thống tên lửa này trước, các nguồn tin này giải thích.(TT)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục