Singapore ra mắt nội các mới
Bất chấp dư luận, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo ở Biển Đông
Thủ tướng Ấn Độ nói mạng xã hội có sức mạnh chính trị
Indonesia mua tàu ngầm Kilo để tăng cường sức mạnh hải quân
Thiếu tiền, Saudi Arabia rút hàng chục tỷ USD về nước
Tin thế giới đọc nhanh sáng 21-08-2016
- Cập nhật : 21/08/2016
Nhật Bản ráo riết chuẩn bị cho hoạt động quân sự viễn chinh
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) sắp tổ chức các khóa huấn luyện, chuẩn bị cho các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Theo tờ Japan Times, các hoạt động huấn luyện sẽ được bắt đầu sớm nhất là vào ngày 25-8.
Nỗ lực cải cách Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe đã cho phép JSDF được tham gia hỗ trợ đồng minh bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, nếu như lợi ích của quốc gia bị đe dọa. Những điều chỉnh này sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2017.
Các hoạt động huấn luyện nhằm nâng cao khả năng hoạt động bên ngoài lãnh thổ của JSDF. Kế hoạch huấn luyện sẽ nhắm đến hai loại chiến dịch mới là: Giải cứu nhân viên Liên Hiệp Quốc và thường dân bị tấn công và bảo vệ các cơ sở của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Theo tờ Japan Times, tân Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada sẽ đưa ra thông báo chính thức vào ngày 24-8 sắp tới.
Lữ đoàn lính dù số 1 thuộc JSDF tham gia hoạt động diễn tập quân sự thường niên hồi tháng 1-2016. Ảnh: Reuters
Sau các nỗ lực cải cách hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe, lực lượng JSDF giờ đây đã có quyền thực hiện các nhiệm vụ phòng vệ tập thể bên ngoài lãnh thổ. Đồng thời JSDF cũng được mở rộng các loại nhiệm vụ ở nước ngoài. Nhiều người lo ngại những thay đổi này sẽ làm suy yếu chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.
Các điều chỉnh này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 3-2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hoạt động huấn luyện nào được tổ chức để JSDF thích nghi với các nhiệm vụ và yêu cầu an ninh mới. Một phần nguyên do là chính phủ lo ngại các hoạt động huấn luyện rầm rộ sẽ tạo ra dư luận không tốt trong nước và quốc tế.
Các loại nhiệm vụ mới có thể sẽ được áp dụng cho đơn vị JSDF sắp tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan. Chiến dịch dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 11-2016. Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc tại nước này từ năm 2012 đến nay.
Sau khi xem xét tình hình tại Nam Sudan, chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đánh giá lại năng lực của đơn vị JSDF được triển khai, đồng thời đưa ra quyết định cuối cùng về các nhiệm vụ mà đơn vị này được thực hiện.(PLO)
Tướng quân đội Trung Quốc chết vì 'uống thuốc tự tử'
Viên tướng từng tham gia tổ chức lễ bàn giao Hong Kong về Trung Quốc được tìm thấy chết trong doanh trại quân đội, nghi do tự tử bằng thuốc ngủ.
Tướng Trần Kiệt từng được Bắc Kinh cử tới Hong Kong trong lễ bàn giao về Trung Quốc năm 1997. Ảnh: SCMP.
SCMP hôm nay dẫn hai nguồn tin riêng biệt cho biết thiếu tướng Trần Kiệt (Chen Jie), đã tự tử. Ông được cho là đã lấy thuốc ngủ từ ký túc xá của một trung đoàn cấp dưới ở Thâm Quyến, Quảng Đông, hôm 5/8. Nguồn tin ẩn danh nói ông Trần là "ngôi sao đang lên" và không có bằng chứng cho thấy vụ tự tử liên quan đến các cuộc trấn áp tham nhũng trong quân đội.
Tướng Trần cũng được đề nghị thăng cấp hôm 6/8, tuy nhiên cuộc họp báo về việc này phải hủy bỏ do ông đã chết. Tang lễ của ông được tổ chức hôm nay tại Thâm Quyến.
Trần Kiệt là chính ủy của một đơn vị thuộc Nhà hát quân đội miền nam Trung Quốc. Trần tham gia quân đội khi 15 tuổi, là một trong số ít nhân viên quân sự được Bắc Kinh cử đi tổ chức lễ bàn giao Hong Kong về Trung Quốc năm 1997.
Ông là người thứ ba trong số các tướng tá quân đội Trung Quốc tự tử từ đầu tháng. Hôm 10/8, chủ nhiệm văn phòng chính trị của một đơn vị thuộc nhà hát quân đội miền nam Trung Quốc được cho là đã nhảy cầu tự tử. Hai ngày sau, Li Fuwen, chỉ huy cơ quan hậu cần thuộc quân chủng hải quân Trung Quốc, cũng nhảy lầu tự tử tại Bắc Kinh.
Tàu chiến Nga dội tên lửa hành trình vào Syria
Theo Reuters, các tàu chiến Nga tại Địa Trung Hải ngày 19-8 đã nã hàng loạt tên lửa nhắm vào các mục tiêu gần TP Aleppo, Syria.
Đợt tấn công này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang muốn mở rộng trở lại các hoạt động quân sự của họ tại Syria. Trước đó hai ngày, Nga đã cho máy bay ném bom cất cánh từ sân bay Hamedan của Iran để không kích tại Syria.
Đây là lần đầu tiên Nga phóng tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải nhắm vào các mục tiêu ở Syria. Các đợt phóng tên lửa hành trình trước đó đều xuất phát từ hạm đội ở biển Caspi.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết ba tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu của nhóm phiến quân Hồi giáo Jabhat Fatah al-Sham, trước đó mang tên Nusra Front thuộc tổ chức al Qaeda. Nhóm này hiện đang đóng vai trò lớn trong đợt phản công hiện nay của phiến quân tại Syria, đặc biệt tại TP Aleppo.
Nga phóng đi ba tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu trong khu vực TP Aleppo. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Reuters
Tình hình chiến sự đẫm máu trong những ngày gần đây tại TP Aleppo, giữa phía tây TP thuộc phe chính phủ và phía đông TP bị kiểm soát bởi phiến quân. Cuộc bao vây tại Aleppo đang khiến Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) báo động về tình trạng người dân lâm vào cảnh chết đói.
Ngày 18-8 vừa qua, chính quyền Nga cũng tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một đề xuất ngưng bắn 48 tiếng tại Aleppo để các hoạt động viện trợ đến được bên trong các khu vực bị bao vây.
Trong khi đó, ở khu vực phía bắc Syria, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã triển khai máy bay chiến đấu bảo vệ các đơn vị bộ binh của phe chống chính phủ tại TP Hasaka. Đây cũng là một trong các mục tiêu không kích của quân đội chính phủ Syria. "Chính phủ Syria không nên can thiệp vào hoạt động của liên quân và các đồng minh" - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết.(PLO)
Liên tiếp đánh chìm tàu cá, Indonesia muốn khẳng định vị thế cường quốc biển
Không chỉ bày tỏ thái độ cứng rắn ở Biển Đông, Indonesia đang ngày càng bộc lộ mong muốn trở thành một cường quốc biển thực sự.
Việc đánh chìm 60 tàu cá nước ngoài nhân ngày quốc khánh lần thứ 71 mới đây của Indonesia được giới phân tích đánh giá là động thái mang tính chất biểu tượng cao, thể hiện rõ ý đồ muốn khẳng định vị thế cường quốc biển của quốc gia Đông Nam Á này, theo Les Echos.
Bình luận viên Martine Valo của Le Monde nhận định sau các vụ xung đột với tàu Trung Quốc xung quanh các đảo của Indonesia ở Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra cam kết mạnh mẽ là không để mất dù là "một tấc đất" của quốc gia.
Trong bài diễn văn trước ngày quốc khánh của Indonesia, ông Widodo cũng khẳng định chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa hải quân Indonesia và tàu đánh cá và hải cảnh Trung Quốc.
Jakarta từ lâu khẳng định không có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh. Nhưng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, với "đường 9 đoạn", đã ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia của Indonesia khi lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở khu vực quần đảo Natuna.
Sau các vụ va chạm trong tháng 6, tổng thống Widodo đích thân đến thăm Natuna bằng tàu chiến và tiến hành kế hoạch tăng cường phòng thủ trên các đảo xa như nâng cấp đường băng, trang bị tên lửa và máy bay trinh sát.
Ông Widodo cũng cho biết Indonesia tích cực tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp liên quan tới các tuyên bố chủ quyền biển đảo trong khu vực."Indonesia tiếp tục tích cực tham gia vào việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán hòa bình sau phán quyết của Tòa Trọng tài", ông Widodo tuyên bố.
Bình luận viên Michel de Grandi của Les Echos đánh giá với 6 triệu tấn tôm cá đánh bắt được trên biển năm 2014, Indonesia là nhà cung cấp hải sản lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Với Jakarta, nạn đánh cá lậu mỗi năm gây nên thiệt hại nhiều tỷ USD, và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của gần một triệu ngư dân của nước này.
Chính vì thế Indonesia tỏ ra kiên quyết ngay cả với những tàu cá nhỏ, chiều dài chưa đầy 12 m.
Cũng trong bài diễn văn nhân kỷ niệm 71 năm ngày quốc khánh, người đứng đầu chính quyền Indonesia cũng tuyên bố sẽ phát triển khu vực Entikong, Natuna, Atambua để thế giới thấy rằng Indonesia thực sự là một nước lớn.
Trong khi cơ sở hạ tầng tại những đảo chính đang rất thiếu thốn, ông Widodo vẫn muốn biến Indonesia thành một cường quốc biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng các cấu trúc cảng mới hiện đại và hiệu quả.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Indonesia đã triển khai một kế hoạch tài chính lớn khi cung cấp cho 28 công ty xây dựng cảng biển quốc gia số vốn lên đến 29,6 tỷ USD, với kỳ vọng biến hệ thống cảng của Jakarta có được vị trí hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi hàng hải của Indonesia cũng thực sự bước vào một cuộc chiến quyết liệt chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép. Khi kiên quyết ra lệnh đánh chìm các tàu nước ngoài, tổng thống Indonesia đang tìm cách bảo vệ đội tàu cá của mình, đồng thời tái khẳng định vai trò cường quốc biển trong khu vực.
"Xét về chiều dài duyên hải, Indonesia thực sự là một cường quốc biển với 17.000 hòn đảo. Một con số khổng lồ. Để bảo vệ nguồn hải sản cho 255 triệu dân, Jakarta cần những hành động mang tính biểu tượng như thẳng tay đánh chìm các tàu nước ngoài đánh bắt trái phép", Grandi khẳng định.(Vnexpress)