Với loại thủy lôi thông minh mới, Mỹ có thể phong tỏa căn cứ tàu ngầm, sở chỉ huy hải quân hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công đổ bộ của đối phương.
Tin thế giới đọc nhanh 30-12-2015
- Cập nhật : 30/12/2015
Quân đội Mỹ, Nhật sắp diễn tập chung trên Biển Đông
Theo báo Sankei Shimbun, hải quân Australia hôm 26/12 tuyên bố họ đang cân nhắc tham gia cuộc diễn tập chung của Mỹ và Nhật ở Biển Đông.
Trong cuộc diễn tập chung vào tháng hai tới ở Biển Đông, các tàu sẽ không đi vào vùng biển 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, một người liên quan trong chính phủ Nhật nhấn mạnh, việc Nhật - Mỹ - Australia diễn tập chung là hành động mạnh mẽ để kiềm chế Trung Quốc và gửi đi thông điệp về hành xử và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bằng cách đưa đội tàu hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật (MSDF) vào Biển Đông, Mỹ và các nước đồng minh muốn khống chế Trung Quốc thúc đẩy xây đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhật - Mỹ - Australia sẽ triển khai tàu chiến tham gia lễ duyệt binh trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Ấn Độ vào tháng hai, sau đó điều chỉnh để tập luyện chung trên Biển Đông. Nhật gửi một tàu hộ vệ tham gia. Các tàu sẽ thực hiện huấn luyện giả tưởng như tác chiến chiến thuật, thông tin liên lạc và trao đổi thủy thủ đoàn.
Theo báo Nhật, chính phủ nước này tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông từ năm sau. Các tàu hộ vệ MSDF được triển khai tới vùng biển Somali để thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển, và việc diễn tập chung cùng các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc trên đường trở về nước đang được xem xét. Báo cho hay để gìn giữ hòa bình khu vực, Nhật muốn chung sức giúp đỡ, chi viện xây dựng quân đội và phòng ngự bờ biển cho các nước láng giềng.
Nhìn lại thế giới 2015: Một năm nhiều khó khăn với kinh tế Nga
Khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100 USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35 USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Năm 2015 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Nga, chủ yếu do giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này gần 2 năm nay liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những áp lực ở trong và ngoài nước khiến bức tranh kinh tế của Nga năm 2015 khá u ám.
Do năng lượng lâu nay vẫn được coi là "trái tim" của nền kinh tế Nga nên khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100 USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35 USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính những biện pháp này có thể khiến Nga bị thiệt hại khoảng 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong trung hạn.
Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5% trong năm, như vậy, doanh thu của chính phủ sẽ giảm 3 nghìn tỷ ruble (tương đương 42,8 tỷ USD).
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD tính từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015. Nga buộc phải giảm nhập khẩu các mặt hàng và tìm kiếm các mặt hàng khác để thay thế trong chương trình quốc gia thay thế hàng nhập khẩu.
Đối mặt với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao công tác quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký "gói chống khủng hoảng" có hiệu lực 1 năm trị giá 2,3 nghìn tỷ ruble (30 tỷ USD) để bình ổn nền kinh tế trong nước.
"Gói chống khủng hoảng" đã đạt được những hiệu quả đầu tiên khi các chỉ số kinh tế của nước này tiếp tục được cải thiện trong quý 4/2015 và nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh việc đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế, từng bước thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, năm 2015, Chính phủ Nga tiếp tục đẩy mạnh "chính sách hướng Đông," tích cực hợp tác với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện chiếm tới 1/4 tỷ trọng kinh tế thế giới, triển khai và mở rộng các dự án hợp tác kinh tế giữa các nước Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như đề xuất thiết lập đối tác kinh tế thương mại giữa ba tổ chức này.
Có thể kể tới những kết quả của chính sách này như việc xây dựng khu vực thương mại tự do giữa EAEU mà Nga là thành viên chủ chốt với Việt Nam; Nga và Trung Quốc thực hiện hàng loạt dự án liên kết kinh tế giá trị lớn và thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông; Nga và Ấn Độ triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại, năng lượng...
Những bước đi trên đã phần nào giúp Moskva phá thế cô lập về kinh tế và giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu liên tục áp đặt với Nga từ tháng 3 năm ngoái.
Mặc dù tình hình hiện nay vẫn khá phức tạp, đặc biệt là thị trường dầu mỏ toàn cầu đang biến động mạnh mẽ, song Tổng thống Putin vẫn tỏ ra tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế của nước Nga.
Trong Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng này, ông Putin đã nêu ra một số "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế, đồng thời kêu gọi đất nước sẵn sàng đối mặt với một giai đoạn giá dầu tiếp tục thấp và các biện pháp trừng phạt tăng cường.
Nhìn chung, kinh tế Nga đã vượt đáy khủng hoảng khi hoạt động sản xuất công nghiệp và tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã ổn định, lạm phát đã giảm, xuất khẩu vẫn vượt nhập khẩu 126,3 tỷ USD cho dù kim ngạch chung giảm, đặc biệt tình trạng thất thoát vốn đã bị hạn chế đáng kể so với năm 2014.
Tổng thống Putin cũng bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế khi dẫn chứng sự ổn định dần dần của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời cho biết các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng quay trở lại nước Nga.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Xứ sở Bạch dương đã chuẩn bị và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ kịch bản kinh tế nào, bởi đây không phải năm đầu tiên nước Nga phải đương đầu với khủng hoảng.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thì nhấn mạnh triển vọng kinh tế của Nga sáng sủa hơn chứng tỏ Chính phủ Nga đã áp dụng một chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, đồng thời cho biết bước tiếp theo sẽ là giảm thâm hụt ngân sách và đảm bảo sự chuyển tiếp sang tăng trưởng kinh tế ổn định.
Các dấu hiệu tích cực trên cho thấy nền kinh tế Nga phần nào đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng, tuy nhiên những khó khăn vẫn chưa hết.
Các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, chỉ có sự phục hồi giá dầu toàn cầu mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga, còn trong dài hạn, việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế lành mạnh hơn mới có thể tạo ra một sự khác biệt thực sự.
Ban lãnh đạo Nga hy vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng vào năm 2016 bất chấp những dự báo giá dầu tiếp tục thấp và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga vẫn chưa được dỡ bỏ./.
Nga chỉ trích Mỹ đánh IS bằng 'võ mồm'
"Dưới sự không kích của Nga, phiến quân IS đã buộc phải thay đổi phương thức tiếp tế hậu cần cũng như các hoạt động buôn lậu dầu từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó người Mỹ vẫn tỏ ra rất nhàn rỗi và không muốn hợp tác", Sputnik dẫn lời ông Konashenkov trả lời báo giới.
Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Michelle Baldanza nói rằng Mỹ không có ý định chia sẻ thông tin về các mục tiêu IS với Nga chừng nào Moscow không thay đổi chính sách đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Konashenkov nhận định rằng lý lẽ này một lần nữa chứng tỏ Lầu Năm Góc chỉ đang đánh IS "bằng võ mồm" thay vì bằng hành động thực tế.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định các quốc gia trong liên minh chống IS của phương Tây nên noi gương Nga kết hợp lời nói với việc làm trong các hoạt động quân sự tại Syria, thay vì khoanh tay đứng nhìn các kết quả mà Nga đã đạt được.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những hình ảnh về những tuyến đường buôn lậu dầu mỏ mới của IS chạy qua khu vực tây bắc Iraq, khu vực mà Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nằm dưới sự giám sát thường xuyên của Mỹ.
Mỹ bắt đầu không kích diệt IS ở Iraq và Syria từ năm ngoái để yểm trợ cho lực lượng dưới mặt đất là quân đội chính phủ Iraq và các nhóm đối lập được cho là ôn hòa ở Syria. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng này. Chiến dịch của Mỹ thường bị chỉ trích là thiếu hiệu quả, không đạt được nhiều tiến triển trong hơn một năm qua. Mới đây, Mỹ bắt đầu có những cải thiện trong chiến lược và thành quả mới nhất là chiến thắng của các lực lượng Iraq trước IS tại Ramadi.
Cựu quan chức bị khai trừ đảng vì 'cải tạo phong thủy'
Theo South China Morning Post (SCMP), các hoạt động như bói toán, mê tín dị đoan là điều cấm kỵ đối với các thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhật-Hàn đạt thỏa thuận lịch sử về vấn đề 'nô lệ tình dục'
Theo Fox News, thỏa thuận yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin lỗi và đền bù số tiền 1 tỉ yên (8,3 triệu USD) cho các phụ nữ bị quân Nhật bắt làm nô lệ tình dục - những người bị gọi là "phụ nữ giải khuây" trong Thế chiến 2.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se (phải) và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) gặp gỡ tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ở Seoul ngày 28-12-2015 - Ảnh: AFP
Ông Kishida cho biết Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ xin lỗi "từ tận đáy lòng" đối với những phụ nữ trước nỗi đau của họ và đối với "những vết thương khó chữa lành cả về thể chất lẫn tinh thần".
Trong khi đó, ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tại một cuộc họp báo cho biết Seoul sẽ xem thỏa thuận này là "cuối cùng và không thay đổi", miễn là Nhật Bản tuân thủ những lời hứa của mình.
Ông Yun cho biết Seoul sẽ kiềm chế không chỉ trích Nhật về vấn đề này, và sẽ trao đổi với "các tổ chức có liên quan" để cố gắng giải quyết khiếu nại của Nhật Bản về bức tượng một phụ nữ "nô lệ tình dục" nằm gần Đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
Ngoại trưởng Yun cho biết Hàn Quốc nhận ra những lo ngại của Nhật Bản về an ninh vì các vấn đề liên quan đến bức tượng trên, nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Tokyo hàng tuần.
Kishida nói rằng hệ thống những người "phụ nữ giải khuây" đã làm "tổn thương sâu sắc danh dự và nhân phẩm của nhiều phụ nữ sống trong sự tham chiến của quân đội Nhật lúc đó, và Nhật Bản thật sự cảm thấy có trách nhiệm".