Nguy cơ khủng bố hàng loạt tại châu Âu
Nghị sĩ Đức khó chịu trước kế hoạch hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ của NATO
Kỷ lục: 12.000 người tranh cử vào Quốc hội Iran
Thái Lan khuyến cáo người dân không đến Myanmar
Ứng viên lãnh đạo Đài Loan tuyên bố 'không ràng buộc với Trung Quốc'
Tin thế giới đọc nhanh 29-12-2015
- Cập nhật : 29/12/2015
Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con
Ngày 27-12, chính quyền Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con khi thông qua luật cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai.
Theo Tân Hoa xã, quy định mới trở thành luật từ hôm nay nhưng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Mọi cặp vợ chồng đã kết hôn đều có quyền sinh con thứ hai. Tuy nhiên luật pháp vẫn hạn chế việc sinh con thứ ba.
Chính sách một con do chính phủ Trung Quốc đưa ra từ cuối thập niên 1970 chỉ cho phép phần lớn các cặp vợ chồng sinh một con. Các quan chức Trung Quốc khẳng định chính sách này đã giúp ngăn chặn dân số nước này tăng thêm 400 triệu người và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên chính sách một con đã dẫn tới nhiều vụ cưỡng ép phá thai kinh hoàng, đồng thời khiến chênh lệch giới tính tại Trung Quốc trở nên cực kỳ nghiêm trọng do nạn trọng nam khinh nữ. Ước tính đến năm 2020 số nam giới vào tuổi kết hôn ở Trung Quốc cao hơn nữ giới tới 30 triệu người.
Dân số 1,37 tỉ người Trung Quốc cũng đang ngày một già đi, nguồn lực lao động trở nên thiếu hụt. Trung tâm Nghiên cứu châu Á của tổ chức The Heritage Foundation xác định nguồn lực lao động của Trung Quốc giảm 35% trong những năm qua.
Những vấn đề này đã buộc chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách một con năm 2013 nhưng hiệu quả là không lớn. Do đó Bắc Kinh buộc phải hủy bỏ chính sách một con. Tuy nhiên giới quan sát phương Tây nhận định cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc vẫn tiếp diễn trầm trọng.
“Khi các thanh niên độc thân không thể lấy vợ vì chênh lệch giới tính quá lớn thì họ sẽ chẳng thể có một con chứ chưa nói đến hai” - chuyên gia Sarah Torre thuộc tổ chức The Heritage Foundation khẳng định.
Pháp, Italy và Nga có thể sẽ ra khỏi nhóm G8 vào năm 2030
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và kinh tế Vương quốc Anh (CEBR) đã công bố bảng phân tích thường niên World Economic League Table (WELT) liệt kê các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Theo bảng trên, một số quốc gia châu Âu trong năm 2030 sẽ ra khỏi danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, hình thành nên G8 và G20.
Nếu GDP vẫn là tiêu chí chính xác định các thành viên nhóm G8, năm 2030, Pháp, Italy và Nga có thể sẽ ra khỏi G8, thay cho các nước này là Ấn Độ (thứ 3), Brazil (5), và Hàn Quốc (8).
CEBR nhận định rằng khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong vòng 15 năm tới là Trung Á. Tỷ trọng của khu vực này trong nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng hơn 3 lần tính từ đầu thiên niên kỷ mới, từ 2,8% năm 2000 tăng lên 9,9% năm 2030.
Đáng chú ý trong danh sách 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 còn có Indonesia (thứ 12), Philippines (21), Malaysia (22).
CEBR dự báo năm 2030, trong danh sách 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên sẽ có sự góp mặt của Belarus, Sri Lanka, Kenya và Ethiopia.
Khu vực phát triển chậm nhất là Tây Âu, với tỷ trọng trong nền kinh tế thế giới trong 15 năm tới có thể giảm 42%.
Cũng theo dự báo của CEBR, giá dầu và các nguyên liệu thô có triển vọng tăng trưởng kém, song các nhà phân tích vẫn cho rằng giá dầu sẽ hồi phục ở mức 60-70 USD/thùng trong năm 2016, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục khiến nhu cầu đối với nguyên liệu thô tăng lên./.
Trung Quốc bán yến tiệc xa xỉ của quan chức cho người dân
Nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh thường thiết đãi quan chức cấp cao của các tỉnh và nước ngoài tới thăm bằng những bữa tiệc sang trọng. Tuy nhiên, hiện người dân Trung Quốc cũng có thể được thưởng thức những món ăn này.
Chúng đã bắt đầu được Điếu Ngư Đài bày bán trên trang bán lẻ trực tuyến Tmall, như một lựa chọn cho bữa tối truyền thống của các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, BBC cho biết.
Theo Điếu Ngư Đài, những món ăn của nhà khách này đều được chế biến theo đúng tiêu chuẩn dành cho cựu thủ tướng Chu Ân Lai.
Hiện Điếu Ngư Đài bán sẵn hai suất ăn hạng sang, mỗi suất bao gồm các món ngon truyền thống như súp vây cá mập với trứng chim cút hay thịt viên hầm với rau củ. Chúng có giá lần lượt là 537 USD và 614 USD.
Mặt khác, những bữa ăn này cũng chỉ được phục vụ cho khách hàng ở Bắc Kinh và Thiên Tân vì đòi hỏi việc tạo hình cầu kỳ cho món ăn và chúng phải được giao tận tay khách hàng.
Những món ăn đắt tiền được rao bán cho người dân trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang mạnh tay trấn áp lối sống xa hoa của giới quan chức. Giám đốc của một công ty nhà nước tại Thiên Tân từng bị khai trừ khỏi Đảng và phải hầu tòa sau khi chi gần 11.000 USD chỉ cho một bữa ăn nhà hàng.
Bão mạnh tại Mỹ, 41 người chết
Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát TP Garland (bang Texas) - Pedro Barineau miêu tả hiện trường "bị tàn phá hoàn toàn". "Đây là một thời điểm rất khó khăn khi một cơn bão khủng khiếp như vậy ập tới sau ngày Giáng sinh" - người này cho biết.
Nga - Israel bắt tay giải quyết khủng hoảng Syria
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria, ông Alexander Lavrentyev, vừa đến Israel để bàn về tình hình Syria.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Netanyahu đã điện đàm bàn về cuộc khủng hoảng Syria, theo sáng kiến của phía Israel.
Chuyến thăm nói trên diễn ra hôm 24-12 nhưng được giữ kín cho đến khi báo Haaretz tiết lộ 3 ngày sau đó. Đón tiếp phái đoàn Nga là Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Israel Yossi Cohen, 54 tuổi, nhân vật mới được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad. Đề tài chính của cuộc hội đàm trên là giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria.
Một nguồn tin cao cấp cho biết phía Israel đã nêu lập trường về nội dung thỏa thuận liên quan đến Syria mà các nhà lãnh đạo thế giới có thể sẽ ký kết trong thời gian sắp tới. Đối với Tel Aviv, điều quan trọng là không để xảy ra những vụ khủng bố chống Israel từ lãnh thổ Syria và ngăn chặn hoạt động chuyển vũ khí từ Syria cho tổ chức khủng bố Hezbollah ở Lebanon.
Sau đó, theo hãng tin RIA Novosti, phái đoàn Nga đã đến Ai Cập. Tại đây, ông Lavrentyev gặp Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi và 2 bên đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ngăn chặn nguồn tài chính và trang bị vũ khí cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong diễn biến liên quan, một giọng nói tự xưng là thủ lĩnh IS Abu Bakr Al-Baghdadi đã lên tiếng đe dọa tấn công Israel trong đoạn băng ghi âm dài 24 phút vừa được công bố trên internet hôm 26-12.
Theo nội dung đoạn băng, nhân vật này khẳng định bản thân không bao giờ quên được vấn đề Palestine, đồng thời tuyên bố IS đang áp sát Israel hơn.
Ngoài ra, y kêu gọi người dân Ả Rập Saudi đứng lên chống lại giới lãnh đạo mà y gọi là những “kẻ bạo chúa bỏ đạo và để báo thù cho người dân tại các nước Syria, Iraq và Yemen”.
Ả Rập Saudi là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chiến tiêu diệt IS, đồng thời gần đây thông báo thành lập liên minh chống khủng bố gồm 34 nước Hồi giáo. Không những thế, tên này còn khẳng định các cuộc không kích của Nga không làm suy yếu được IS.
Tính xác thực của đoạn ghi âm nói trên vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, một số nguồn tin nhận định giọng nói rất giống giọng của Al-Baghdadi trong các đoạn ghi âm được công bố trước đây.