Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc tuyên bố đạt được tiến bộ quan trọng trong thảo luận về gián điệp mạng, nhưng khác biệt quan điểm về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh 26-09-2015
- Cập nhật : 26/09/2015
Putin: 'Hỗ trợ chính quyền Syria là cách duy nhất chấm dứt chiến tranh'
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Phút" của đài CBS News phát hôm qua, lãnh đạo Nga nhắc lại lập trường rằng người dân Syria có thể quyết định họ muốn thay Tổng thống Bashar al-Assad hay không và khi nào.
Phóng viên Charlie Rose của CBS gợi ý rằng sự can thiệp quân sự của Nga là nhằm "giải cứu" ông Assad, và Putin đáp lại: "Ông nói đúng".
"Và tôi tin tưởng sâu sắc rằng bất cứ hành động nào đi ngược lại, nhằm phá hủy chính phủ hợp pháp, sẽ tạo ra tình hình mà ông hiện có thể chứng kiến ở các nước khác trong khu vực hay trong các khu vực khác, ví dụ như Libya, nơi tất cả các thể chế nhà nước bị tan rã", ông nói. "Chúng ta thấy tình trạng tương tự tại Iraq".
"Không có giải pháp nào hơn với khủng hoảng Syria ngoài việc củng cố các cấu trúc chính phủ hiệu quả và giúp đỡ họ chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời hối thúc họ tham gia đối thoại tích cực với phe đối lập và thực hiện cải cách", Tổng thống Nga nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần tới sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng những bình luận mới nhất của ông chỉ càng nhấn mạnh khoảng cách khác biệt giữa hai lãnh đạo.
Washington khẳng định việc ông Assad đối xử tàn bạo với dân chúng là nguồn gốc của xung đột Syria và cho phép nhóm khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo phát triển từ sự hỗn loạn.
Moscow cho rằng mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo nảy sinh từ việc Mỹ cai quản Iraq và chiến dịch không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm giúp phe nổi dậy Libya lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Mỹ còn tố Nga triển khai lực lượng trang bị các máy bay chiến đấu, trực thăng và xe bọc thép tới một căn cứ không quân Syria.
Triều Tiên buộc tội Hàn Quốc “khiêu khích quân sự”
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi tin cho hay Hàn Quốc lên kế hoạch thiết lập một đơn vị quân sự nhắm đến kho chứa vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trước đó, tờ Yonhap của Hàn Quốc ngày 23-9 cho hay quân đội nước này đang tổ chức một đơn vị quân đội đặc biệt tấn công và phá hủy các cơ sở vật chất quân sự chiến lược của CHDCND Triều Tiên, như kho chứa vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Đáp lại, Ủy ban tái hợp hòa bình với Hàn Quốc của Triều Tiên cáo buộc kế hoạch trên đang “phá vỡ” mối liên hệ song phương giữa hai bên.
“Kế hoạch này chống lại tình hình hiện tại khi chúng tôi đang cố gắng tránh bất cứ tình huống nhạy cảm nào, và đó rõ ràng là một sự khiêu khích quân sự, điều một lần nữa phá hỏng mối quan hệ Bắc - Nam.
Nếu Chính phủ Hàn Quốc muốn cải thiện mối quan hệ này, họ không nên giữ lại bất cứ chương trình đối đầu quân sự nào nữa”, ủy ban trên tuyên bố, Cơ quan Truyền thông trung ương Triều Tiên dẫn lời.
Trong khi đó, tờ Yonhap cho biết Triều Tiên gần đây tăng cường đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân, đồng thời chuẩn bị khởi động loạt vệ tinh trong thời điểm lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động cầm quyền sắp diễn ra vào tháng 10.
Không chỉ dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng còn bóng gió cho biết họ sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4.
Các chuyên gia cho biết Triều Tiên có thể sử dụng quyền phóng vệ tinh của họ để làm vỏ bọc hợp pháp cho một cuộc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo trong thời gian tới.
Học thuyết quân sự của Ukraine coi Nga là mối đe dọa chính
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã ký thông qua học thuyết quân sự mới, coi Nga là mối đe dọa quân sự chính đối với nước này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký thông qua học thuyết quân sự mới, coi Nga là mối đe dọa quân sự chính đối với nước này - Ảnh: Reuters
Tuyên bố này được đăng trên trang web của Tổng thống Petro Poroshenko ngày 24.9. Tuyên bố nhấn mạnh: “Ukraine hiện đang phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng, sự gây hấn có vũ trang của Nga, bao gồm cả việc tạm chiếm đóng vùng lãnh thổ Crimea và gây hấn tại một số khu vực ở Donetsk và Luhansk".
Ngân hàng Úc đóng tài khoản các công ty tiền ảo
Westpac Banking Corp trở thành ngân hàng cuối cùng trong số 4 ngân hàng lớn ở Úc ngừng nhận tiền gửi từ các công ty tiền ảo - Ảnh minh họa: Reuters
Trung Quốc tổ chức họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN
Trung Quốc ngày 24/9 thông báo nước này sẽ đăng cai hội nghị không chính thức giữa các bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Wu Qian cho biết hội nghị trên sẽ diễn ra ở Bắc Kinh trong hai ngày 15-16/10 và Trung Quốc đã mời bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN tham dự.
Cũng theo ông Wu, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ tiến hành thảo luận sâu với đại diện các quốc gia tham dự.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nhấn mạnh hội nghị sẽ tập trung vào chủ đề tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm xây dựng cộng đồng chung Trung Quốc - ASEAN.
Thông tin về hội nghị không chính thức nêu trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên Biển Đông.
Hồi đầu tháng này, giới chuyên gia Mỹ phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây đường băng thứ 3 ở một khu vực mà nước này đang kiểm soát trên Biển Đông.
Về vấn đề này, ông Wu đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu có phải Trung Quốc đang xây dựng đường băng thứ ba hay không.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng hoạt động xây dựng của nước này ở Biển Đông là nhằm đáp ứng "những nhu cầu quốc phòng cần thiết".