Putin lệnh tập trận bất ngờ gần biên giới với Ukraine
Nhật triển khai lá chắn tên lửa SAM-4 gần Senkaku
Lãnh đạo Đài Loan chủ trì tập trận chống Bắc Kinh
Tàu Iran bị tố quấy rối tàu khu trục Mỹ ở eo biển Hormuz
Tin thế giới đọc nhanh 25-08-2016
- Cập nhật : 25/08/2016
Campuchia muốn ngăn ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông
Quốc hội Campuchia sẽ đề nghị quan chức ASEAN loại bỏ phần nhắc đến tranh chấp Biển Đông khỏi một tuyên bố chung sắp tới.
Quốc hội Campuchia sẽ yêu cầu người đứng đầu Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bỏ một đoạn đề cập đến tranh chấp Biển Đông khỏi tuyên bố chung mà ASEAN dự kiến đưa ra vào cuối một cuộc họp tháng 9 tại Vientiane, nghị sĩ đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) Cheam Yeap hôm qua xác nhận.
"Sau khi chúng tôi nhận được dự thảo tuyên bố chung từ Ban thư ký của AIPA tại Jakarta, chúng tôi thảo luận và thống nhất rằng nên loại bỏ đoạn về vấn đề Biển Đông vì nước ta không có liên quan", ông Yeap nói trong một cuộc phỏng vấn với Reaksmei Kampuchea Daily.
Ông Yeap nói rằng ông không biết liệu tổng thư ký của AIPA có chú ý đến yêu cầu của quốc hội Campuchia hay không, nhưng ông nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng các nước liên quan trong tranh chấp nên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để tìm giải pháp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng "đường lưỡi bò" tự vẽ ra, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng. Trong phán quyết ngày 12/7, Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò".(Vnexpress)
63 người chết vì động đất 6,2 độ Richter ở Ý
Đã có 63 người chết và hàng chục người mất tích trong trận động đất mạnh 6,2 độ Richter ở Ý ngày 24-8, theo hãng tin ANSA (Ý).
Trận động đất xảy ra vào 3 giờ 30 sáng 24-8 (giờ địa phương), tâm chấn gần thị trấn Norcia (tỉnh Perugia) cách thủ đô Rome 105 km, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ. Điều kỳ diệu là nơi này không có người chết nhưng nhà cửa bị tàn phá nặng.
Trận động đất kéo theo hàng loạt cơ dư chấn làm rung chuyển nhiều địa phương miền Trung nước Ý. Trận động đất đã phá hủy hoàn toàn gần cả nửa thị trấn Amatrice, theo Thị trưởng Sergio Pirozzi của TP Amatrice.
Chỉ riêng thị trấn Amatrice (tỉnh Rieti) đã có 35 người chết, thị trấn Accumoli (tỉnh Rieti) có 11 người chết, tỉnh Ascoli Piceno có 17 người chết.
Dự kiến số người chết sẽ còn tăng vì lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm cứu người trong các đống đổ nát. Công tác cứu hộ diễn ra chậm vì thiếu thiết bị. Nhân viên cứu hộ phải dùng tay không di chuyển gạch đá để cứu người. Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã đến khu vực bị động đất, tuyên bố mọi ưu tiên lúc này dành cho công tác cứu hộ.
Thị trưởng Sergio Pirozzi cho biết lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận toàn bộ 69 ngôi làng nhỏ trong thị trấn Amatrice. Cảnh sát thị trấn Ascoli thuộc tỉnh Ascoli Piceno cho biết vẫn còn nghe tiếng kêu cứu dưới các đống đổ nát.
Giám đốc Cơ quan Bảo vệ công dân Ý Fabrizio Curcio đánh giá trận động đất này có sức tàn phá tương đương với trận động đất ở TP L’Aquilla năm 2009 làm hơn 300 người chết.(PLO)
Myanmar động đất mạnh, chấn động lan xa nhiều nước
Chiều 24-8, một trận động đất 6,8 độ Richter đã làm rung chuyển miền trung Myanmar khiến ít nhất một ngôi chùa đổ sập và nhiều tòa nhà cao tầng bị rung lắc mạnh.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), động đất xảy ra ở khu vực cách thành phố Meiktila 143km về phía tây. Tâm động đất sâu 84km và nằm gần thị trấn Chauk - địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất Myanmar và là nơi có hơn 2.500 di tích Phật giáo.
Trận động đất đã làm rung chuyển các tòa nhà tại thành phố Yangon và một số thị trấn, thành phố khác trên cả nước.
Chấn động cũng lan xa đến tận Ấn Độ khiến người dân đổ xô xuống đường vì sợ. Tại thành phố Kolkata, một quan chức đường sắt cho biết dịch vụ đường sắt ngầm tạm ngưng hoạt động do nhà chức trách lo sợ dư chấn của trận động đất.
Động đất cũng được cảm nhận ở miền nam và tây nam Bangladesh, gần biên giới Myanmar, khiến người dân hoảng sợ chạy xuống đường. Đài truyền hình ATN Bangla đưa tin ít nhất 20 người bị thương khi các nhân viên hoảng hốt chạy khỏi một tòa nhà ở khu công nghiệp Savar bên ngoài thủ đô Dhaka.
Các tòa nhà cao tầng ở Chiang Mai và Bangkok (Thái Lan) cũng bị động đất làm rung lắc.
Theo AFP, hiện chưa có báo cáo về thương vong tại Myanmar, nhưng các quan chức cho biết họ nhận được tin một ngôi chùa bị sập và nhiều ngôi chùa khác bị hư hại do động đất.
Ông Soe Win - một nghị sĩ ở thị trấn Chauk nằm gần tâm chấn, cho biết chấn động kéo dài nhiều phút.
"Một ngôi chùa ở Salay bị sập, một tòa nhà cũng sập", ông nói, và thêm rằng ông chưa nghe thông tin thương vong.
USGS ước tính ảnh hưởng từ động đất "tương đối cục bộ", nhưng lưu ý nhiều tòa nhà trong khu vực "rất dễ bị tổn thương" khi xảy ra động đất.
Myanmar thường bị động đất, tuy nhiên từ năm 2012 nước này chưa xảy ra trận động đất mạnh nào.
Vào tháng 3-2011, một trận động đất ở Myanmar gần biên giới Thái Lan và Lào khiến ít nhất 74 người thiệt mạng.(TT)
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt vượt qua biên giới Syria
Các đơn vị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ được sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu hôm 24-8 đã tiến hành chiến dịch tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại biên giới nước này và Syria.
Chiến dịch bắt đầu bằng đợt pháo kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trấn Jarablus - Syria. Sau đó, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã không kích các mục tiêu của IS tại miền Bắc Syria.
Chiến dịch tấn công trên bộ vẫn chưa bắt đầu nhưng một nhóm đặc nhiệmThổ Nhĩ Kỳ đã vào Syria. Theo báo chí Thổ Nhì Kỳ, một nhóm quân nổi dậy Syria (thuộc Quân đội Tự do Syria - FSA) do nước này hậu thuẫn cũng có mặt tại khu vực.
Sau một đêm ném bom và pháo kích, sáng 24-8 (giờ địa phương), hàng chục xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến vào Syria để tham gia chiến dịch có tên "Lá chắn Euphrates".
Xe tăng và xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 23-8. Ảnh: Reuters
Bằng cách đánh đuổi IS khỏi biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hy vọng sẽ phong tỏa tuyến đường được IS sử dụng trong các giao dịch phi pháp và để đưa các tay súng nước ngoài sang Syria gia nhập hàng ngũ họ.
“Mục đích của hoạt động này nhằm bảo vệ an ninh biên giới, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và hỗ trợ liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại IS” - một nguồn tin quân sự cho biết, cũng như nói thêm đang tiến hành mở đường cho lực lượng trên bộ tiến vào Syria.
Ngoài mục đích trên, Thổ Nhĩ Kỳ còn có ý định chặn đường tiến của người Kurd, lực lượng đang đẩy lùi IS và qua đó áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch đang diễn ra nhằm vào cả IS và các chiến binh người Kurd.
Do đó, đã xuất hiện lo ngại về đụng độ giữa phe Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng do Mỹ hậu thuẫn mà nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ nhân dân (YPG) của người Kurd. YPG hiện đã tiến gần thị trấn Jarablus, vốn nằm ven sông Euphrates gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. SDF đã đẩy lùi IS ra khỏi nhiều khu vực ở Bắc Syria trong mấy tháng gần đây, bao gồm TP Manbij.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ không kích các mục tiêu ở Syria kể từ tháng 11 năm ngoái - thời điểm máy bay chiến đấuThổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom của Nga gần biên giới với Syria.
Chiến dịch trên diễn ra 2 ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thề “quét sạch” IS khỏi khu vực biên giới để trả đũa vụ đánh bom tại một đám cưới ở TP Gaziantep khiến 54 người thiệt mạng mà Ankara nghi do IS gây ra.
Song song với chiến dịch, cảnh sát chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ còn phát động cuộc bố ráp nhằm vào các các thành viên IS khắp TP Istanbul hôm 24-8. (NLĐ)