'Hỗn chiến' sân bay Trung Quốc: Hành khách ẩu đả với cảnh sát
Úc tiếp tục đưa tàu và máy bay tuần tra biển Đông
Trung Quốc tố ngư dân Philippines tấn công bằng bom xăng
Indonesia thừa nhận nổ súng vào tàu cá Đài Loan
Bà Suu Kyi được đề cử vào nội các Myanmar
Tin thế giới đọc nhanh 22-03-2016
- Cập nhật : 22/03/2016
Indonesia phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải
Theo Reuters, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm nay gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta sau vụ việc liên quan đến một tàu tuần duyên, một tàu cá Trung Quốc và một tàu trinh sát Indonesia ở phía bắc biển Natuna.
"Tại cuộc gặp, chúng tôi đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của chúng tôi với việc tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền Indonesia", bà Marsudi nói trong cuộc họp báo.
Chính quyền Indonesia hôm 19/3 cố bắt một tàu Trung Quốc họ cho là đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này, một quan chức Indonesia trước đó cho biết. 8 thuyền viên Trung Quốc bị bắt nhưng tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn Indonesia kéo tàu đi.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cho rằng Jakarta nhiều năm nay theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông. "Với sự việc hôm qua, chúng tôi cảm thấy nỗ lực của chúng tôi bị can thiệp và phá hoại", bà nói sau cuộc gặp với các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.
Trung Quốc thì cho rằng tàu cá đang hoạt động ở "ngư trường truyền thống của Trung Quốc" và yêu cầu thả ngư dân. "Khi nói về tranh chấp nghề cá hay về các vấn đề hàng hải, Trung Quốc luôn sẵn sàng làm việc với Indonesia để giải quyết những tranh chấp này thông qua thương lượng và đối thoại", Sun Weide, quan chức Đại sứ quán Trung Quốc, nói tại Jakarta sau cuộc gặp với bộ trưởng Thủy sản Indonesia.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các vùng biển gần những nước Đông Nam Á hơn, trong đó có Việt Nam. Tuy Indonesia không phải là bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nước này đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc đưa quần đảo giàu tài nguyên Natuna vào "đường 9 đoạn" phi lý hay "đường lưỡi bò".
Iran gõ cửa Lục địa già
Vào tuần trước, công ty Azargoun trực thuộc Islamic Republic of Iran Shipping Lines đã vận chuyển 2.500 container vận chuyển tiêu chuẩn sang Hamburg, Đức. Đây là chuyến hàng đầu tiên kể từ năm 2010 của Iran sang châu Âu sau khi quốc gia này được Mỹ và châu Âu gỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Mặc dù thương mại và vận chuyển đã có những bước bình thường hóa sau khi Iran chấp nhận thỏa thuận về vấn đề hạt nhân nhưng mối quan hệ kinh tế với các nước phương Tây có vẻ sẽ cần thêm nhiều yếu tố nữa để quay lại như trước đây.
Chuyên gia Torbjorn Soltvedt của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho rằng tình trạng hiện nay của mối quan hệ Iran-Châu Âu vẫn còn khoảng cách khá xa. Điều chúng ta đang nhìn thấy là nỗ lực của Iran để hòa nhập lại với nền kinh tế toàn cầu ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các dòng vốn lớn vẫn chưa tìm đường quay lại Iran.
Công ty Verisk Maplecroft cho rằng sẽ không thể có một dòng vốn đầu tư lớn trong ngắn hạn bởi những rủi ro hiện nay tại Iran cũng như hệ quả của lệnh trừng phạt trước đó gây ra.
Theo ông Soltvedt, những rủi ro nổi cộm hiện nay tại Iran bao gồm thói quan liêu, làm việc kém hiệu quả của chính quyền, can thiệp chính trị ở mức cao, thiếu sự bảo vệ cho các nhà đầu tư và lợi ích đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, những tàn dư và hệ quả của lệnh trừng phạt sẽ là rào cản với các khoản đầu tư. Ông Soltvedt cho rằng vấn đề quan trọng nhất là việc Mỹ vẫn duy trì một số lệnh trừng phạt thứ cấp với các doanh nghiệp Iran.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từ chối lời mời thăm Triều Tiên
Đài KBS đưa tin, Campuchia, quốc gia được cho là có quan hệ hữu nghị với Triều Tiên, đã từ chối lời mời của Bình Nhưỡng về chuyến thăm miền Bắc trong bối cảnh các nước đang tích cực thực hiện các biện pháp cấm vận Triều Tiên theo Nghị quyết cấm vận mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết Triều Tiên đã mời Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới thăm Bình Nhưỡng, song Phnom Penh đã từ chối đề xuất này.
Triều Tiên cũng đã đề xuất chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Kim Yong-nam và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong, song bị phía Phnom Penh từ chối.
Triều Tiên đã đầu tư khoảng 28 tỷ won (24 triệu USD) để xây dựng một Viện bảo tàng gần khu vực đền Angkor Wat như một quà tặng hữu nghị cho Campuchia, với điều kiện là Bình Nhưỡng sẽ được quyền kinh doanh trong một thời gian nhất định trước khi giao quyền sở hữu bảo tàng này cho chính quyền Campuchia.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã mở 7 nhà hàng lớn chuyên các món ăn Triều Tiên tại Campuchia kể từ năm 2000.
Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk từng có quan hệ thân tình, và quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Phnom Penh rất tốt đẹp.
Nga sẵn sàng dùng vũ lực với nhóm vi phạm lệnh ngừng bắn Syria
"Nếu Nga không nhận được phản hồi của Mỹ, kể từ ngày 22/3, chúng tôi sẽ đơn phương thực hiện theo các điều khoản nêu trong hiệp định ngừng bắn", Tass dẫn lời trung tướng Sergei Rudskoi, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, cho biết.
Nga cáo buộc Mỹ đang trì hoãn trả lời đề xuất của Moscow liên quan đến việc hai nước cùng phối hợp nhằm giám sát lệnh ngừng bắn ở Syria. Một tướng quân đội hàng đầu của Nga hồi cuối tuần trước cho hay sự chậm trễ này đang khiến con số thương vong dân thường vô tội ngày càng gia tăng. Điển hình như ở Aleppo, từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, thành phố này vẫn phải chứng kiến khoảng 67 dân thường thiệt mạng dưới họng súng phiến quân.
Ông Rudskoi nhấn mạnh Moscow phải sử dụng vũ lực với các bên vi phạm lệnh ngừng bắn bởi Washington từ chối phối hợp để đưa ra một phương án phản ứng chung. Nhưng ông cũng thêm rằng Nga sẽ chỉ dùng đến vũ lực "sau khi thu thập đủ những bằng chứng đáng tin cậy về việc các nhóm vũ trang vi phạm có hệ thống" lệnh ngừng bắn.
Bản thỏa thuận "chấm dứt thù địch" cho Syria, do Nga và Mỹ bảo lãnh, có hiệu lực từ hôm 27/2. Tuy nhiên, thỏa thuận không áp dụng với các tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận al-Nusra, cùng những nhóm khác bị liệt vào danh sách "khủng bố".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố rút phần lớn quân khỏi Syria nhưng vẫn sẽ tiến hành các hoạt động chống IS và Mặt trận al-Nusra.
Luân Đôn lên kịch bản ứng phó 10 vụ khủng bố liên hoàn
Tờ Sunday Times, dẫn lời một bộ trưởng của chính phủ Anh am hiểu về kế hoạch thắt chặt an ninh nước này, cho hay cảnh sát Anh đang đặt biện pháp hạn chế tàng trữ vũ khí lên hàng đầu.
Chính sách này được đưa ra sau khi một nhóm buôn lậu súng bị cáo buộc trước tòa tội buôn lậu vũ khí vào Anh từ Đông Âu. Lô hàng này gồm 22 khẩu súng trường tấn công do Czech sản xuất và chín khẩu súng tiểu liên.
Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA), đơn vị có nhiệm vụ bắt giữ các nghi phạm trong vụ buôn lậu trên, đã nhận được lệnh mới. Đơn vị này sẽ tăng cường đề phòng các kịch bản khủng bố tương tự vụ tấn công Paris.
Một bộ trưởng giấu tên cho biết: "Chúng tôi từng lập kế hoạch cho ba vụ tấn công liên hoàn. Nhưng bài học với Paris cho thấy cần phải sẵn sàng cho nhiều mối nguy hiểm hơn thế”.
"Chúng tôi đã sẵn sàng nếu ai đó cố gắng thực hiện bảy, tám, chín hay thậm chí 10 cuộc tấn công cùng lúc” - ông cho biết.
Theo Sunday Times, một trung đoàn của quân đội Anh bên ngoài London cũng sẵn sàng hỗ trợ thủ đô trong trường hợp có sự cố lớn cần phối hợp.
Một phát ngôn viên của NCA nói với tờ Independent, viễn cảnh khủng bố ở Anh đã "thay đổi đáng kể" trước làn sóng của các cuộc tấn công gần đây ở châu Âu, bao gồm cả các vụ nổ súng tại Paris.
Theo bà, “cảnh sát thủ đô là lực lượng chủ lực ở London. Nhưng chúng tôi đang tăng cường phối hợp với các đối tác cả trong nước và quốc tế”.