(Tin kinh te)
Học giả quốc tế tại Diễn đàn triển vọng khu vực năm 2016 ở Singapore hôm 12.1 chỉ ra rằng Trung Quốc đang gây bất ổn ở khu vực bằng những mưu đồ ích kỷ.
Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
Diễn đàn thường niên do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức với sự tham dự của khoảng 500 học giả, chuyên gia kinh tế, chính trị, quốc phòng và ngoại giao quốc tế. Triển vọng chung của khu vực, xét trên phương diện an ninh - chính trị, đang bị phủ bóng bởi sự cạnh tranh lợi ích của các nước lớn, mà Trung Quốc là một mối lo.
Học giả đến từ Mỹ là Giáo sư Susan Shirk, Chủ nhiệm Chương trình Trung Hoa thế kỷ 21 của ĐH California - San Diego, nhìn nhận khu vực Đông Nam Á là một điểm quan tâm đặc biệt của chính quyền Barack Obama, là trung tâm của chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
“Với chủ trương cổ vũ tự do lưu thông hàng hải, xây dựng lợi ích chung dựa trên luật pháp quốc tế, Washington đã tạo lập được liên minh tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực”, bà Shirk nói.
Trong khi đó, quan ngại trong khu vực bắt đầu xuất hiện kể từ khi Bắc Kinh có những hành động lấn tới ở Biển Đông và biển Hoa Đông, giữa bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế lẫn quân sự. “Trung Quốc đang theo đuổi những lợi ích ích kỷ trên phương diện chủ quyền và lãnh thổ”, bà Shirk nói và cho rằng điều đó khiến Bắc Kinh không thể tạo được quan hệ tốt với các nước láng giềng.
Cũng chính vì vậy, Bắc Kinh đang đẩy các nước láng giềng đến gần với Mỹ để tìm sự bảo trợ trước mối đe dọa an ninh đến từ “nhân tố Trung Quốc” vốn đang ngày càng trở nên quan trọng. Bà Shirk cho rằng đây là một điều đáng tiếc trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, bởi trừ Nga, không quốc gia nào khác có đến 20 láng giềng như Trung Quốc.
Giáo sư Giả Kinh Quốc, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế của ĐH Bắc Kinh, ra sức biện minh: “Thật không công bằng khi nói rằng Trung Quốc gây lo ngại trong khu vực khi mà vấn đề tranh chấp lãnh hải đã tồn tại từ nhiều thập niên qua”. Thế nhưng, ông Gia cũng thừa nhận những sự kiện như Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và xây đảo nhân tạo ở Trường Sa “gây ra những tranh cãi”.
Ông Giả cũng có ý cáo buộc chính Mỹ gây lo ngại trong khu vực bằng những động thái có tính chất can thiệp, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Ông biện luận rằng Trung Quốc chỉ hành động cận bờ biển nước này, và không đụng đến “những vùng biển sâu” nơi hoạt động hàng hải quốc tế diễn ra.
Nhưng lập luận này đã bị Giáo sư Carlyle Thayer bác bỏ: “Trong vùng Biển Đông, Bắc Kinh chưa bao giờ giải thích được cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Vậy thì làm sao để nhận diện đâu là vùng đặc quyền kinh tế, đâu là những vùng biển sâu?”.
Không trả lời được câu hỏi này, ông Gia chỉ nói: “Đây là vấn đề mang tính chính trị hơn là pháp lý”, và “Bắc Kinh cần thêm thời gian” để làm sáng tỏ.
Bình luận về điều này với Thanh Niên, bà Susan Shirk nói Bắc Kinh đang hành xử một cách mập mờ.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)