Canh bạc xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên
- Cập nhật : 05/08/2015
(tin kinh te)
Hoạt động xuất khẩu vũ khí của CHDCND Triều Tiên được cho là vẫn đang tiếp diễn bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Mô hình tên lửa Scud của Triều Tiên trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh ở Seoul - Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm 29.7 dẫn một nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết các tên lửa Scud do lực lượng nổi dậy tại Yemen bắn sang Ả Rập Xê Út trong những tháng gần đây có nguồn gốc từ CHDCND Triều Tiên.
Ngoài ra, một cựu quan chức Triều Tiên đào tẩu tiết lộ rằng nước này đã bán tên lửa và gửi kỹ sư đến Yemen từ thập niên 1990. Tuy nguồn tin của Yonhap không cho biết kết luận nói trên dựa trên cơ sở nào nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thông tin này càng củng cố nhận định rằng Triều Tiên vẫn đang duy trì xuất khẩu vũ khí với Trung Đông và châu Phi là những thị trường quan trọng nhất.
Bán vũ khí, huấn luyện quân sự
Trang tin Washington Free Beacon dẫn một báo cáo của LHQ nói Triều Tiên đã cung cấp động cơ và linh kiện thay thế cho tàu tuần tra mà nước này bán cho Angola trong 6 năm qua, một hành động bị xem là vi phạm các lệnh cấm vận của LHQ. Chịu trách nhiệm chính trong thương vụ này là Công ty Saengpil, thuộc Tập đoàn Green Pine Associated của Triều Tiên. Cả hai đều thuộc sự quản lý của Tổng cục Trinh sát, cơ quan tình báo chuyên trách các nhiệm vụ bí mật của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, hàng chục chuyên gia quân sự Triều Tiên được cho là đang cung cấp vũ khí và giúp huấn luyện đội ngũ cận vệ của các đời tổng thống Angola.
Ngoài Angola, các nước Uganda, Tanzania, Ethiopia và Eritrea cũng là đối tượng điều tra của LHQ về những hợp đồng quân sự - an ninh với Triều Tiên. Theo tờ The East African, gần đây Uganda đã ký một hợp đồng huấn luyện lực lượng cảnh sát với Triều Tiên, còn Ethiopia hợp tác sản xuất đạn dược với một công ty tại Bình Nhưỡng. Tanzania thì lọt vào tầm ngắm của LHQ do thuê các chuyên gia Triều Tiên hỗ trợ tân trang đội chiến đấu cơ mua từ Trung Quốc.
Ngoài chính phủ của các quốc gia, Triều Tiên được cho là còn làm ăn với nhiều tổ chức vũ trang, đặc biệt là tại Trung Đông. Báo Anh Telegraph dẫn các nguồn an ninh phương Tây loan tin Hamas đã ký hợp đồng đặt cọc với Triều Tiên để nhập khẩu tên lửa của nước này. Trước đó, Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp các bộ phận tên lửa và rốc két cho Hezbollah ở Li Băng, cũng như hỗ trợ xây dựng boong ke và đường hầm trước cuộc xung đột giữa tổ chức này với Israel năm 2006. Tuy nhiên, phía Triều Tiên đã phủ nhận những thông tin này.
Khả năng xuất khẩu hạt nhân
Theo AFP, trong một cuộc họp báo hiếm hoi tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc hôm 28.7, Đại sứ Triều Tiên Ji Jae-ryong tuyên bố vũ khí hạt nhân của nước ông “không phải là món đồ chơi có thể đặt lên bàn đàm phán, mà đó là vũ khí cần thiết để bảo vệ chủ quyền và những quyền quan trọng khác từ mối đe dọa hạt nhân cũng như chính sách thù địch của Mỹ”. Theo nhận định của chuyên gia Zachary Keck trên chuyên san The National Interest (Mỹ), “các quyền quan trọng khác” ở đây có thể ám chỉ công nghệ vũ khí hạt nhân là một nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho Triều Tiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Theo phân tích của ông Keck, Ả Rập Xê Út có thể là đối tác “cực kỳ giá trị” của Triều Tiên. Về phần mình, Ả Rập Xê Út không gặp khó khăn và cực kỳ dư dả ngoại tệ. Thứ họ cần và muốn có ngay chính là vũ khí hạt nhân để “so găng” và tranh giành ảnh hưởng với Iran tại Trung Đông trong bối cảnh quan hệ Iran - phương Tây được cải thiện mạnh mẽ sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa qua.
Vì thế, ông Keck cho rằng cùng với Pakistan, Triều Tiên là đối tác mà Ả Rập Xê Út có thể nhắm đến trong ý định táo bạo này. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chắc chắn Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Ả Rập Xê Út, sẽ không bao giờ chấp nhận. Vì thế, đến nay vẫn chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào từ cả hai phía về một thương vụ công nghệ hạt nhân.