tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thám tử tàng hình đầy uy lực trong lòng đại dương

  • Cập nhật : 24/08/2015

(The gioi)

Với khả năng do thám biển sâu tốt nhất trong hải quân Mỹ, tàu ngầm USS Jimmy Carter giống như một gián điệp tàng hình dưới làn nước, bí mật thu thập thông tin tình báo về đối phương.

tau uss jimmy carter. anh: ap

Tàu USS Jimmy Carter. Ảnh: AP

Theo Real Clear Defense, trước khi Edward Snowden tiết lộ chương trình theo dõi điện thoại và Internet của NSA nhằm vào công dân Mỹ và châu Âu, truyền thông không mấy để ý đến đến hoạt động của tàu ngầm. Tuy nhiên, từ sau công bố của Snowden, nhiều báo và hãng tin, trong đó có Huffington Post và Der Spiegel cho rằng tàu Jimmy Carter đã giúp NSA giám sát liên lạc của công dân Mỹ và châu Âu.

"Dường như chính chiếc tàu ngầm này đã được dùng vào nhiệm vụ tình báo, để theo dõi châu Âu", Huffington Post viết.

Tàu USS Jimmy Carter có trọng tải 12.150 tấn, là một trong ba tàu ngầm lớp Seawolf từng được đóng. Tàu lớp Seawolf là chứng tích của thời kỳ Chiến tranh lạnh và vẫn là những tàu ngầm tấn công uy lực nhất của hải quân Mỹ, được ví như chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của đại dương. Tàu có khả năng lặn rất sâu, di chuyển với tốc độ đến 40 hải lý/h. Đây cũng là một trong những tàu ngầm hạt nhân di chuyển yên lặng nhất trên thế giới, được trang bị nhiều vũ khí và ống phóng ngư lôi 660mm.

Theo yêu cầu của hải quân, hãng sản xuất đã thêm một phần mở rộng vào khoảng giữa thân Jimmy Carter, nâng độ dài thân tàu thêm hơn 30 m thành tổng cộng hơn 106 m. Owen Cote, chuyên gia về tàu ngầm của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho rằng phần mở rộng này có thể nhằm chứa một khoang chuyển điều chỉnh nước, cho phép thợ lặn, người máy hoặc máy móc di chuyển từ bên trong tàu ra ngoài lòng đại dương, thu nhặt đồ ở đáy biển hoặc mang các thiết bị giám sát khác.

Vì vậy, về lý thuyết, Jimmy Carter có thể câu móc vào cáp dưới đáy biển. "Tàu móc một thiết bị vào sợi cáp, một tháng sau quay lại gỡ nó ra và đem đi phân tích dữ liệu", Norman Polmar, chuyên gia phân tích từng cố vấn cho chính phủ về tàu ngầm cho biết.

Không chỉ có thể "nghe lén" dữ liệu truyền đi dưới lòng biển, tàu Jimmy Carter còn có thể phá hỏng các nút giao viễn thông bằng cách trực tiếp cắt cáp, hoặc thiết lập cơ chế để thực hiện nhiệm vụ trong tương lai khi có nhu cầu. Khả năng đó có thể phần nào "làm mù mắt" kẻ thù, hạn chế khả năng nhận biết tình hình, khả năng chỉ huy và kiểm soát của đối phương trong thời gian xung đột, mà không cần thực sự tấn công mục tiêu trên bộ theo kiểu truyền thống.

Mặc dù mọi tàu ngầm tấn công nhanh và tàu ngầm tên lửa dẫn đường đều có thể tiến hành những nhiệm vụ đó ở các mức độ khác nhau nhưng riêng Jimmy Carter có trung tâm tác vụ và các hệ thống có thể thích ứng nhanh chóng để cho phép lắp đặt cảm biến thử nghiệm, giao diện chỉ huy và điều hành mới, mà không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tàu,  hoặc cần thời gian dài nằm ở cảng để điều chỉnh tính năng.

Việc Jimmy Carter có khả năng không có nghĩa là tàu thật sự đảm đương nhiệm vụ này. "Tôi không nghĩ là hải quân phải dùng đến tàu Jimmy Carter để làm việc đó. Như thế là lãng phí con tàu", Cote nhận xét và nói thêm rằng "với NSA, sẽ dễ hơn nhiều nếu theo dõi liên lạc của người dân ngay trên đất liền, khi có thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet".

tau jimmy carter. anh: us navy

Tàu Jimmy Carter. Ảnh: US Navy

Nhiệm vụ tuyệt mật

Những chiếc tàu tiền nhiệm của Jimmy Carter đã tham gia nghe lén dưới biển để đối phó các đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Những năm 1970, tàu Seawolf và Parche nhận nhiệm vụ thâm nhập vào căn cứ hải quân của Liên Xô ở Bắc Đại Tây dương để câu móc vào cáp liên lạc quân sự. Hai tàu này lặn dưới biển với tốc độ chỉ vài hải lý/h nhằm tránh băng trôi cùng hải cẩu và sư tử biển.

Các tàu ngầm đặc nhiệm này lắp những thiết bị giống như những chiếc kẹp vào dây cáp để ghi lại tín hiệu, nhờ đó giúp Washington có thông tin đáng giá về hoạt động hải quân của Liên Xô. Năm 1980, một nhân viên của NSA có tên là Ronald Pelton đã phản bội và bán thông tin về hoạt động tàu ngầm Mỹ cho Liên Xô để đổi lấy khoảng 35.000 USD. Năm 1986, Pelton bị bắt và kết án tù.

Tiết lộ này cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đã dẫn đến sự chuyển đổi trong chiến thuật của tàu ngầm do thám. Khi Triều Tiên bắn pháo vào căn cứ trên đảo của Hàn Quốc năm 2010, tàu Jimmy Carter được cho là đã nổi lên gần đó và phóng một máy bay do thám không người lái cỡ nhỏ để chụp ảnh thiệt hại. Từ thời điểm đó, tàu Jimmy Carter luôn bận rộn với sứ mệnh giám sát cho đến năm 2013, khi được bảo dưỡng tại xưởng đóng tàu ở bang Washington.

Tàu Jimmy Carter hiện đã quay trở lại phục vụ hải quân và chắc chắn nó sẽ đảm nhận các nhiệm vụ bí mật như hoạt động tình báo dưới biển của Mỹ. Theo Tyler Rogoway, một nhà báo chuyên về quốc phòng, với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, Mỹ có thể sẽ cần tàu USS Jimmy Carter hơn bất cứ lúc nào. Giống như CIA có đặc nhiệm SEAL để thực hiện những hoạt động bí mật khó khăn nhất trong lịch sử, NSA cũng sẽ nhờ đến chiếc tàu khổng lồ đa nhiệm của hải quân để làm như vậy. Và con tàu đó sẽ là USS Jimmy Carter.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục