Sau các cuộc đàm phán "maratông" suốt đêm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đang đẩy hai miền Triều Tiên đến "miệng hố chiến tranh", cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã nhất trí được về việc tổ chức vòng đàm phán thứ hai.
Liệu Nga thực sự là một cường quốc quân sự toàn cầu?
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga đã trải qua sự suy giảm nghiêm trọng về phạm vi hoạt động các lực lượng vũ trang, từ một trong 2 siêu cường trên thế giới trở thành một cường quốc khu vực.
Để trở thành một trong những cực trong thế giới đa cực mới, Moskva cần phải mạnh cả về kinh tế và quân sự.
Tình hình kinh tế Nga gần đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới suy giảm, cùng với đó là việc Kremlin không có khả năng đa dạng hóa nền kinh tế Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin đã thúc đẩy một hình ảnh của Nga như một cường quốc quân sự trong tương lai có khả năng hành động trên trường quốc tế.
Để đạt được điều này, quân đội Nga cần một mạng lưới các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là ở các vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Thái Bình Dương cũng như Bắc Băng Dương.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cần nguồn tài chính ổn định cho lực lượng hải quân, lực lượng không quân chiến lược, cũng như một ngành công nghiệp quân sự hiệu quả và tiên tiến. Vậy, những cơ hội và hạn chế cho các kế hoạch toàn cầu của Nga ở đây là gì?
Theo Tiến sĩ Juraj Beskid và ông Tomáš Baranec tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng ở thủ đô Bratislava (Slovakia), sự suy giảm về tầm hoạt động của quân đội Nga không chỉ đặc trưng cho giai đoạn tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô, mà nó vẫn tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin.
Năm 2002, điện Kremlin đã đóng cửa các căn cứ của mình ở Cuba và Việt Nam dựa vào lý do quan hệ với Mỹ đã được cải thiện cũng như sự cần thiết phải thắt lưng buộc bụng về tài chính. Căn cứ quân sự cuối cùng của Nga tại cảng Tartus của Syria cũng bị đóng cửa vào năm 2013 như là một kết quả của cuộc nội chiến Syria. Sau đó, có vẻ như Nga đã rút khỏi đấu trường toàn cầu và duy trì sự hiện diện chỉ ở một số nước SNG và khu vực ly khai không được thừa nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, Nga đã không có ý định rời khỏi Địa Trung Hải vĩnh viễn. Ngày 25/2 vừa qua, Tổng thống CH Síp Nikos Anastasiadis và Tổng thống Putin đã ký một thỏa thuận về hợp tác quân sự. Thỏa thuận này cho phép máy bay Nga hạ cánh trên một căn cứ không quân Síp gần thành phố Paphos và hải quân Nga có thể sử dụng cảng Limassol.
Bằng việc ký kết thỏa thuận này, Síp đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cung cấp các căn cứ quân sự cho Nga, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa EU và Moscow.
Để hiểu được lý do đằng sau hành vi này của Síp, chúng ta phải có một cái nhìn thoáng qua về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nga đầu tư 33 tỷ USD tại Síp, chiếm hơn 80% tất cả các khoản đầu tư nước ngoài tại quốc gia này. Bên cạnh đó, hơn 1/3 số tiền gửi ngân hàng ở Síp được báo cáo là của những người gốc Nga.
Mặc dù có thể sử dụng các căn cứ ở Síp, khả năng toàn cầu của Nga vẫn bị hạn chế đáng kể. Hiện nay, các lực lượng vũ trang Nga có căn cứ ở Armenia, Belarus, Tajikistan, Kyrgyzstan, tại vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia cũng như ở Crimea mới được sáp nhập.
Tuy nhiên, Nga đang ra tín hiệu sẵn sàng để trở lại vũ đài toàn cầu. Điện Kremlin đang tiến hành những thỏa thuận quan đến việc sử dụng các căn cứ quân sự mà nước này từng hoạt động ở đó với Venezuela, Nicaragua, Algeria, Singapore, Seychelles, Síp, Cuba.
Theo Điện Kremlin, sự trở lại của Nga cũng nên có ở Bắc Cực, vì không chỉ là phương tiện phòng thủ mà còn là một công cụ để hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền bổ sung của Moscow đối với khu vực nhiều nguồn tài nguyên và béo bở này.
Những hạn chế trong kế hoạch của Nga
Mặc dù sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của quân đội Nga ngày càng tăng trở lại, Điện Kremlin vẫn đối mặt với nhiều hạn chế và trở ngại đáng kể. Vấn đề đầu tiên trong số đó là nguồn vốn tài trợ cho các dự án mở rộng trên, điều có thể giúp Nga trở thành một cường quốc với những khả năng và tham vọng toàn cầu.
Trở lại năm 2002, Moscow tự nguyện rời Cuba và Việt Nam do những khó khăn về tài chính và các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nếu Điện Kremlin tuyên bố kế hoạch hiện diện quân sự trở lại các khu vực này vài ba năm trước, nó có thể đã được hiểu là một dấu hiệu của việc gia tăng sức mạnh quân sự và chính trị của Nga, được hỗ trợ bởi nền kinh tế mạnh nhờ dầu mỏ.Tuy nhiên, không giống như vài năm trước đây, Nga hiện nay phải đối mặt với một nền kinh tế khó khăn do giá dầu thấp cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù chi tiêu quân sự đã không bị cắt giảm nghiêm trọng, chúng đang vượt quá tiềm năng thực sự của nền kinh tế Nga vào lúc này.
Nga đang có chi tiêu quốc phòng vượt quá khả năng của mình. Trong quý I/2015, chi tiêu phi quân sự của Nga chiếm 16,5% GDP hàng quý như đã dự kiến; trong khi đó, ngân sách quốc phòng trong giai đoạn này chiếm khoảng 9% GDP hàng quý, đó là một số tiền lớn gấp đôi so với dự kiến. Kết quả là, Moskva thành công trong việc chi tiêu một nửa ngân sách hàng năm của mình về quân sự chỉ trong quý đầu tiên của năm 2015.
Trong khi đó, những tham vọng toàn cầu của ông Putin có vẻ ảm đảm hơn so với các cường quốc khác, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc. Năm 2014, Mỹ đã chi 610 tỷ USD cho quân sự, chiếm khoảng 3,4% GDP. Trong khi đó, Moskva đầu tư 84,5 tỷ USD cho quân đội, chiếm 4,2% GDP của Nga.
Vì vậy, đối với nền kinh tế Nga, gánh nặng tài chính liên quan đến quân đội là lớn hơn nhiều so với Mỹ, mặc dù đầu tư thực sự thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, so với hầu hết các nước, quân đội Nga vẫn được đầu tư tài chính tốt và có khả năng hoạt động quy mô lớn ở các nước láng giềng. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, sức mạnh quân sự của Nga chưa thể so với Mỹ trên trường quốc tế.
Những thách thức khác đối với các kế hoạch của ông Putin khó nhìn thấy hơn, nhưng chúng cũng nghiêm trọng như tình hình tài chính. Một yếu tố quan trọng của một cường quốc toàn cầu là phải có hải quân biển xanh, lực lượng có khả năng hoạt động trên các vùng nước sâu của những đại dương mở.
Mặc dù Nga vẫn sở hữu các thành phần như vậy trong lực lượng hải quân của mình, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ của một lực lượng hải quân biển xanh mà Liên Xô từng sở hữu. Hiện nay, Moskva thiếu số lượng lớn tàu có khả năng tác chiến viễn chinh xa bờ.Tình hình có thể sẽ không thay đổi đáng kể trong tương lai gần bởi vì Hải quân Nga đã đặt hàng chế tạo các tàu khu trục, được thiết kế để hoạt động trong các khu vực ven biển của Nga, không phù hợp với tác chiến viễn chinh. Vì vậy, mặc dù đã có những tuyên bố táo bạo về việc nâng cao sức mạnh toàn cầu của Nga, trong thực tế Kremlin lại đang đầu tư các nguồn lực vào một lực lượng hải quân được thiết kế cho các nhu cầu của một cường quốc khu vực.
Đối với lực lượng không quân chiến thuật, Nga phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm các máy bay tiếp nhiên liệu trên không để có khả năng thực hiện những nhiệm vụ tầm xa. Vấn đề này có thể đang được giải quyết bằng việc hiện đại hóa máy bay cũ và chế tạo máy bay mới Il-96-400TZ. Tuy nhiên, 2 máy bay tiếp dầu đầu tiên của Nga có lẽ không thể đi vào phục vụ trước giai đoạn 2017-2019.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là liên quan đến việc xây dựng một lực lượng hải quân biển xanh. Điều này là do sự phụ thuộc của Nga về nhập khẩu các động cơ của tàu chiến từ Ukraine.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Nga cũng có những giới hạn và hiện nay chỉ có các bến cảng ở St. Petersburg là có thể đáp ứng được mong đợi của Kremlin liên quan đến một lực lượng hải quân biển xanh. Năng lực ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có thể tiếp tục yếu đi có tình trạng chảy máu chất xám.
Mặc dù tình trạng này bùng nổ trong những năm 1990 và giảm đáng kể trong 2 nhiệm kỳ đầu Tổng thống Vladimir Putin, nhưng hiện tượng chảy máu chất xám đã gia tăng nhanh chóng kể từ nhiệm kỳ thứ ba của ông, với tỷ lệ tương đương năm 1999.
Tuy nhiên, không giống như trong những năm 1990, khi người di cư chủ yếu là lao động phổ thông nghèo khó, hiện nay các chuyên gia và những người được đào tạo tốt đang dẫn đầu cuộc di cư. Một thực tế như vậy đang từng bước tạo ra một vấn đề nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp Nga.
Tóm lại, bất chấp những tuyên bố táo bạo trên các phương tiện truyền thông, những kế hoạch của Nga nhằm khôi phục lại vị thế như là một cường quốc toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức và trở ngại lớn trong tất cả các lĩnh vực quan trọng như việc sẵn sàng sử dụng các căn cứ quân sự ở nước ngoài, vấn đề tài chính, hải quân biển xanh, máy bay tiếp dầu và các cơ sở công nghiệp quân sự.
Do đó, kế hoạch nhằm trở thành một cầu thủ toàn cầu của Điện Kremlin khó có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai gần. Tuy nhiên, Nga vẫn là một cường quốc quân sự mạnh trên thế giới.