DF-21D được coi là "sát thủ diệt tàu sân bay" nhưng khả năng thực sự của tên lửa này vẫn còn gây tranh cãi.
Người nhập cư và người tị nạn khác nhau thế nào?
- Cập nhật : 06/09/2015
(Tin kinh te)
Tờ New York Times đã lý giải sự khác biệt giữa người tị nạn và người nhập cư, cũng như vấn đề pháp lý liên quan, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ.
New York Times trích dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, ít nhất 137.000 người nhập cư bao gồm cả trẻ nhỏ đã vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu, chưa kể hàng ngàn người đang di cư qua bán đảo Balkan để tới châu lục này.
Khái niệm “người tị nạn” và “người nhập cư” đôi khi có thể dùng thay thế cho nhau được, nhưng có sự khác biệt căn bản về pháp lý, tờ báo cho biết, và đưa ra một số nhóm vấn đề cần làm rõ dưới đây:
Thứ nhất, khái niệm “người tị nạn”
Một người được xem là đối tượng tị nạn khi người đó chạy khỏi quốc gia nơi họ sinh sống nhằm tránh khỏi một cuộc chiến hay sự trừng phạt nào đó.
Theo Công ước Người tị nạn năm 1951 được đưa ra sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, người tị nạn là đối tượng từ bỏ đất nước mình do lo sợ bị đàn áp vì lý do sắc tộc, tôn giáo hay quốc tịch. Họ chối bỏ sự bảo trợ từ quốc gia do lo sợ bị trừng phạt vì đã bày tỏ quan điểm chính trị hay tham gia hoạt động xã hội mà đi ngược với thể chế chính trị trong nước.
Trong số những người vượt biển Địa Trung Hải nêu trên, phần lớn đến từ Syria, Afghanistan và Eritrea đều được công nhận là người tị nạn bởi Syria hứng chịu nội chiến liên miên, Afghanistan trải qua xung đột, còn nhà nước Eritrea bị cáo buộc đàn áp chính trị.
Thứ 2, định nghĩa “người nhập cư”
Bất kỳ ai rời bỏ một quốc gia để đến một quốc gia khác được xem là người nhập cư, ngoại trừ vì lý do chiến tranh hay đàn áp chính trị. Động cơ của người nhập cư có thể do đói nghèo, tìm kiếm cơ hội đổi đời hoặc vì đoàn tụ với người thân đã di cư trước đó.
Hiện đang nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt rằng liệu người di cư vì lý do thảm họa thiên nhiên như biến đổi khí hậu, sa mạc hóa tại Sahel thuộc sa mạc Sahara ở phía Bắc châu Phi hay sự úng ngập các đảo ven biển tại Bangladesh có nên xếp vào người tị nạn hay không?
Thứ 3, người nhập cư có bị phân biệt đối xử so với người tị nạn?
Cũng theo Công ước 1951, các quốc gia có quyền trục xuất người nhập cư nếu họ không có đầy đủ giấy tờ pháp lý, nhưng lại không có quyền làm với những người tị nạn. Do vậy, không có gì khó hiểu khi các quốc gia châu Âu xem những người di cư đến châu lục này là người nhập cư.
Thứ 4, đoàn người nhập cư tràn đến châu Âu xếp vào đối tượng nào?
Theo Ủy ban Người tị nạn LHQ, phần lớn những người di cư đến châu Âu trong 6 tháng đầu năm đều thuộc diện người tị nạn. Đặc biệt trong số những người di cư đến Ý và Hy Lạp đầu năm nay nay, phần đồng đến từ các quốc gia bị nội chiến, các điểm nóng về vấn đề người tị nạn, số người này cần được bảo trợ quốc tế.
Ủy ban này cho rằng một tỷ lệ nhỏ trong số họ đến từ các nước khác và được xếp vào diện người nhập cư. Trong trường hợp là nạn nhân của nạn buôn người, việc phân biệt người tị nạn hay người nhập cư không có giá trị vì bọn buôn người thường bắt tất cả những người di cư ngồi chung trên một con thuyền để vượt biên.
Cuối cùng, châu Âu và Mỹ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tại Mỹ, việc công nhận người tị nạn có chút khác biệt. Bộ Ngoại giao nước này gần đây rà soát vấn đề nhập cư và đã công nhận chế độ người tị nạn cho khoảng 70.000 người nhập cư vào Mỹ. Nếu nhập cư vào Mỹ mà không có giấy tờ tùy thân thì có thể xin tị nạn chính trị và tòa án địa phương sẽ định đoạt việc này.
Ở châu Âu thì sao? Theo Công ước 1951 và các hiệp định quốc tế, người di cư thuộc diện tị nạn có quyền được hưởng những bảo trợ cơ bản tại châu lục này. Những người tị nạn có thể xin tị nạn chính trị mà không bị trục xuất về nước.
Ngoài ra, theo quy định của luật pháp quốc tế, người tị nạn sẽ không bị trục xuất hoặc đưa trở lại quốc gia mà họ bỏ đi do bị đe dọa về tính mạng cũng như quyền tự do của họ bị đàn áp.
Vũ Duy
Theo New York Times// Dân Trí