Báo Japan Times (Nhật) đưa tin ngày 11-3, chính phủ Nhật đã trình cho Hội đồng Bộ trưởng Sách trắng về viện trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là báo cáo thường niên về viện trợ phát triển ở nước ngoài của Nhật.
Cắt giảm quân, Trung Quốc có thể dồn sức hiện đại hóa
- Cập nhật : 06/09/2015
(The gioi)
Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của Trung Quốc có thể vừa là động thái xoa dịu, vừa là bằng chứng cho thấy nước này đang tích cực hiện đại hóa lực lượng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 bất ngờ tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á.
Xoa dịu
Khi phát biểu trước quảng trường Thiên An Môn, ông Tập khẳng định việc cắt giảm quân số là một cử chỉ hòa bình, tại thời điểm các nước láng giềng ngày càng lo lắng về yêu sách chủ quyền và sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
"Việc công bố cắt giảm nhằm 'bù' cho sự phô diễn lực lượng. Nó giúp làm dịu sự phô diễn sức mạnh", Bloomberg dẫn lời Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nói.
"Đây có thể được xem như là một bất ngờ đáng mừng, bởi ông ấy rõ ràng đã tuyên bố đó là một cử chỉ thiện chí và hòa bình", ông Rory Medcalf, hiệu trưởng Đại học An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Australia tại Canberra, nói.
Tuy nhiên, quyết định cắt giảm quân của Bắc Kinh ít có khả năng khiến các quốc gia trong khu vực bớt lo lắng về sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc. Bởi động thái này là một phần trong chương trình hiện đại hóa, nhằm phân bổ lại nguồn lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
"Việc cắt giảm sẽ không làm tổn thương khả năng chiến đấu của PLA. Đó là một phần trong gói cải cách để hợp lý hóa PLA và gia tăng khả năng chiến đấu cho lực lượng này", ông Zhang nhận xét.
Hiện đại hóa
Theo Reuters, quân số hiện tại của Trung Quốc là 2,3 triệu người. Đây sẽ là đợt cắt giảm nhân sự quân đội lớn nhất gần 2 thập kỷ qua và dường như cho thấy quyết tâm của ông Tập trong việc theo đuổi kế hoạch tái cấu trúc quân đội, bất chấp kinh tế tăng trưởng chậm lại.
"Trung Quốc thực sự có lẽ cũng không cần một đội quân lớn như họ đang có", ông Medcalf nói. "Nhân sự chiếm chi phí khổng lồ trong ngân sách quốc phòng, lương trong quân đội Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm qua", ông nói. "Do đó, có lý do hợp lý để cắt giảm quân số mà không làm ảnh hưởng tới hiệu quả. Việc này sẽ giúp giải phóng một phần ngân sách để giúp tái cân bằng PLA theo hướng nâng cao năng lực".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trọng tâm việc cắt giảm sẽ là giảm các thiết bị lỗi thời, đơn giản hóa vai trò hành chính và phi chiến đấu, điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu quân sự. Quá trình sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2017. Bộ này khẳng định chi tiêu quốc phòng sẽ không giảm xuống vì Trung Quốc vẫn cần nâng cấp thiết bị cũ và sẽ cần phải chi tiền để hỗ trợ những người phải xuất ngũ trong quá trình này.
Theo NYTimes, ông Tập đang thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. Chi tiêu quốc phòng lâu nay vẫn dành nhiều cho lục quân sẽ được chuyển sang các lực lượng hải quân và không quân hiện đại hơn. Đây là những lực lượng cần ít lính hơn nhưng phải được huấn luyện bài bản hơn.
"Việc cắt giảm là bằng chứng cho thấy PLA đang tiến hành hiện đại hóa. Khi các lực lượng vũ trang kết nối tốt hơn và áp dụng các loại vũ khí mới, nhiều nhiệm vụ sẽ được tiến hành bằng máy móc tự động", James Hardy, biên tập viên châu Á Thái Bình Dương của IHS Jane nói.
Ông Taylor Fravel, chuyên gia tại Viện công nghệ Massachusetts và là nhà nghiên cứu quân đội Trung Quốc, cho rằng động thái mới này cho thấy kế hoạch tái cơ cấu quân đội của ông Tập đang diễn ra, dù chính quyền ít công khai chi tiết việc tiến hành kể từ khi những kế hoạch đó được tuyên bố năm 2013.
"Ông Tập sẽ không công khai quy mô đợt cắt giảm nếu chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Do vậy, tuyên bố này cho thấy nước này chắc chắn đang triển khai cải cách", ông Fravel nhận định. "Lục quân có khả năng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ đợt cắt giảm. Tuy nhiên, những lần cắt giảm trước thường nhằm giảm bớt các tầng nấc chỉ huy và tham liêu trong PLA".
Bonnie S. Glaser, cố vấn về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho rằng việc cắt giảm nhân sự là một phần trong nỗ lực giúp quân đội hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. "Trong thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã tiến xa hơn bất kỳ quân đội nào khác, nhưng không ai hiểu rõ về những thiếu sót của PLA hơn chính Trung Quốc", bà Glaser khẳng định.
Theo chuyên gia này, PLA vẫn phải đổi mặt với những thách thức lớn, bao gồm nâng cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ. "Không ai biết làm thế nào quân đội Trung Quốc có thể sánh được với những gì Mỹ đang có. Nhưng họ rõ ràng đang thu hẹp khoảng cách", chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Tập không cung cấp chi kế hoạch cắt giảm nhân sự, và không loại trừ khả năng việc này sẽ được thực hiện bằng cách cho giải ngũ thông thường, hoặc giảm số lượng gọi nhập ngũ. Nhưng tại thời điểm tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, việc giảm số lượng lính có thể làm gia tăng áp lực lên chính phủ.
Bắc Kinh sẽ chịu áp lực phải sắp xếp việc làm cho các binh sĩ giải ngũ, khi nhiều người có kỹ năng làm việc hạn chế. Trước đây, các sĩ quan và quân nhân giải ngũ thường không mấy vui vẻ với triển vọng về nghề nghiệp và phúc lợi, và từng biểu tình bên ngoài các cơ quan chính phủ.