Bài viết đăng trên tờ Project Syndicate nhận định Trung Quốc đang tự "hại thân" khi theo đuổi chính sách hàng hải rủi ro trên Biển Đông.
Nga - Mỹ đối đầu ở Syria
- Cập nhật : 14/09/2015
(The gioi)
Bước tiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phe nổi dậy khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad buộc phải dựa nhiều hơn vào Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chịu sức ép ngày càng tăng từ lãnh đạo các nước đồng minh về việc mở rộng hoạt động quân sự ở Syria, trong bối cảnh Nga đưa thêm vũ khí và binh sĩ đến đây, còn các tay súng IS chiếm được thêm lãnh thổ và làn sóng người tị nạn chạy trốn chiến tranh đang đổ về châu Âu.
Cần lực lượng quân sự cứng rắn
Ông Obama vẫn bị chỉ trích vì không có chiến lược rõ ràng để đối phó IS, đồng thời phớt lờ lời kêu gọi triển khai bộ binh. “Chúng ta không chiến thắng và cần nỗ lực gấp đôi để giải quyết 2 vấn đề: cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự bành trướng của IS” - một nhà ngoại giao phương Tây nói với các phóng viên ở Washington hôm 9-9.
Tiêu biểu cho lập trường này là Thủ tướng Anh David Cameron, người mạnh mẽ tuyên bố cần tập hợp một “lực lượng quân sự cứng rắn” nếu muốn đánh bại cả IS cũng như chế độ của Tổng thống Assad và Anh sẵn sàng tham gia lực lượng này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói quân đội nước ông đã bắt đầu các sứ mệnh do thám trên không phận Syria và chuẩn bị không kích các mục tiêu IS tại đây. Trái lại, Đức cho rằng những động thái quân sự của Anh và Pháp sẽ phá hoại nỗ lực ngoại giao để chấm dứt xung đột.
Ngoài ra, một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nga đã triển khai 2 tàu đổ bộ, 1 máy bay vận tải và hơn 100 lính thủy đánh bộ đến Syria. BáoKommersant (Nga) hôm 10-9 tiết lộ Moscow đang cung cấp cho quân đội Syria các loại vũ khí nhỏ, súng phóng lựu, xe bọc thép chở quân BTR-82A, xe tải quân sự Kamaz…
Giới chức Mỹ và các đồng minh thừa nhận chưa rõ ý định của Nga ở Syria nhưng lo ngại Moscow có thể tăng cường hậu thuẫn đồng minh lâu năm Assad, từ đó kéo dài cuộc nội chiến đã khiến hơn 300.000 người thiệt mạng trong 4 năm qua.
Theo báo Los Angeles Times, bước tiến của IS và các nhóm đối lập thời gian qua khiến ông Assad phải dựa nhiều hơn vào sự ủng hộ của Nga. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ việc tăng cường hiện diện quân sự ở Syria, đồng thời khẳng định Kremlin lâu nay vẫn cung cấp vũ khí cho Damascus.
Nâng vị thế mặc cả
Các nhà ngoại giao phương Tây ở Moscow cho rằng bằng cách giữ kín quy mô hiện diện quân sự ở Syria, Nga đang muốn có một vị thế mặc cả tốt hơn trong các cuộc hội đàm sắp tới về cuộc xung đột. Một cuộc hội đàm như thế có thể diễn ra ngay trong tháng này khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Mỹ lần đầu tiên trong 8 năm để phát biểu tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Yêu cầu chính của Moscow hiện nay là ông Assad phải có vai trò trong chiến dịch quốc tế nhằm tiêu diệt IS. Theo Reuters, Nga trong những tuần gần đây từng bắn tín hiệu muốn có một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Obama tại New York nhưng chưa rõ nó có diễn ra hay không.
Để đối phó, Mỹ đang gây sức ép để những nước gần Syria đóng cửa không phận đối với các chuyến bay Nga đến đó do lo ngại chúng có thể chuyên chở vũ khí. Sau khi bị Bulgaria từ chối và Hy Lạp trì hoãn cấp phép, theo đàiCNN, các chuyến bay của Nga đã chuyển hướng qua không phận Iran, Iraq để đến Syria.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9-9 tiếp tục bày tỏ lo ngại trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng cho biết Washington đã thảo luận với các nước đối tác ở châu Âu và Cận Đông về tình hình Syria. Bên lề phiên họp Liên Hiệp Quốc nói trên, các đồng minh châu Âu dự kiến thuyết phục Mỹ đổi chiến lược chống IS.
IS rao bán con tin
IS vừa rao bán 2 con tin người Na Uy và Trung Quốc trên tạp chí trực tuyến Dabiq của nhóm. Hai người đàn ông đều mặc bộ áo liền quần màu vàng, đeo 1 tấm thẻ ghi tên, mã số, thông tin cá nhân… Bên dưới 1 số điện thoại mã vùng của Iraq, IS thông báo: “Lưu ý, đây là một đề nghị có giới hạn thời gian”. Theo đài CNN, thông điệp này có thể hiểu là một hành động đòi tiền chuộc, nếu không IS có thể hành quyết con tin.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm 9-9 xác nhận 1 công dân nước này trong độ tuổi 40 bị bắt cóc hồi tháng 1 năm nay ở Syria và qua tay một số nhóm khác trước khi trở thành con tin của IS. Bà Solberg cho biết những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc vài lần nhưng chính phủ Na Uy kiên quyết không trả. Phía Trung Quốc chưa có phản hồi về vụ việc.
Phạm Nghĩa