Nga cảnh báo Mỹ về “sự cố ngoài ý muốn” tại Syria
Trung Quốc sắp khởi tố cựu chủ tịch Tập đoàn tài nguyên
Bóng đá mang về hơn một tỷ USD cho kinh tế Anh
Ông chủ sàn bitcoin Mt. Gox bị kết tội biển thủ
Thủ tướng Thái dọa truy tố những ai chỉ trích chính phủ
Khủng hoảng di cư sang châu Âu: Mỹ không thể đứng ngoài cuộc
- Cập nhật : 13/09/2015
(The gioi)
Trong suốt 4 năm qua, bốn triệu người Syria đã trốn chạy khỏi quê hương đang chìm trong nội chiến. Châu Âu đang phải đương đầu với dòng người tị nạn đang ùn ùn kéo đến, dù chính sách của chính quyền Mỹ bị coi là một yếu tố gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
Quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay là Mỹ không thể đóng vai trò chính trong mọi cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Một số tuyên bố Mỹ vừa đưa ra cho thấy Nhà Trắng đang cân nhắc một vai trò chủ động hơn. Nhưng các chuyên gia cho rằng, sự lưỡng lự của Tổng thống Barack Obama đối với cuộc khủng hoảng mang tính thực tế hơn so với các chính sách trước đây của Mỹ.
“Những ngày Mỹ cưỡi ngựa trắng để giải quyết hay cố gắng giải quyết những vấn đề lớn đã qua lâu rồi”, báo Washington Times dẫn lời ông Hurst Hannum, chuyên gia về luật quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ tại ĐH Tufts (Mỹ). “Khi phải cân nhắc những thứ lộn xộn mà mình gây ra, và những việc khiến mọi thứ tồi tệ hơn trước đó, bạn sẽ hiểu được chính quyền Mỹ sẽ phải thận trọng về những hành động có thể gây ra hậu quả khôn lường”, ông Hannum nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, điều đó sẽ không thay đổi “nghĩa vụ đạo đức” của cường quốc dẫn dắt thế giới là phải làm nhiều hơn nữa để giúp làn sóng người tị nạn từ Syria, Iraq, Libya và những nước khác đang phải bỏ nhà cửa vì xung đột ở Trung Đông.
“Trong lịch sử, Mỹ là nước lãnh đạo thế giới trong việc thừa nhận nghĩa vụ đạo đức của việc chấp nhận người tị nạn... Nhưng trong 4 năm khủng hoảng Syria, họ tỏ ra chậm chạp thay vì lãnh đạo”, ông David Miliband, Chủ tịch Ủy ban Khủng hoảng quốc tế, cựu Ngoại trưởng Anh, nhận xét.
“Câu hỏi về trách nhiệm đạo đức là không thể phủ nhận”, Washington Times dẫn lời bà Suzanne Shanahan, chuyên gia về vấn đề di cư tại ĐH Duke (Anh). Bà nói rằng, Đức và Thụy Điển đã đồng ý tiếp nhận lượng người di cư tương đương 1% dân số của họ. Vì thế, theo bà Shanahan, “chắc chắn Mỹ có thể tiếp nhận ít nhất 65.000 người Syria”, tương đương 0,02% dân số Mỹ.
Đến nay, Mỹ mới tiếp nhận hơn 1.500 người Syria. Hầu hết người Syria chạy sang các nước láng giềng như Jordan, Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ngày càng nhiều người đang tìm sang châu Âu vì điều kiện ở những nước như Thổ Nhĩ Kỳ đang tồi tệ hơn.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ đang nhắc lại lời kêu gọi mà họ đưa ra từ đầu năm nay về việc Mỹ phải tiếp nhận thêm người tị nạn. Hồi tháng 5, một nhóm thượng nghị sĩ do Thượng nghị sĩ Dick Durbin bang Illinois và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar bang Minnesota gửi thư lên Tổng thống Obama nói rằng, phản ứng toàn cầu trước cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay không đủ, giống như “sự thất bại thê thảm của cộng đồng quốc tế trước những người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã”.
Nhóm nghị sĩ này nói rằng, việc Mỹ phải đi đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn thế giới tồi tệ nhất thời hiện đại xuất phát từ “mệnh lệnh từ lương tâm, pháp lý và an ninh quốc gia”.
Chính sách rối rắm
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng, châu Âu có khả năng giải quyết vấn đề người di cư, và Mỹ chắc chắn sát cánh với châu Âu. Ông Earnest nhấn mạnh, Mỹ đang là nhà tài trợ nhân đạo lớn nhất ở khu vực, đã cung cấp 4 tỷ USD cho cuộc khủng hoảng Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp nhận thêm người Syria, nhưng phải rà soát kỹ những người xin tị nạn để bảo đảm không ai trở thành mối đe dọa đối với Mỹ, giống như các tay súng cực đoan Hồi giáo, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay khiến chính sách lớn hơn của chính quyền Obama đối với Trung Đông bị đưa ra soi xét lại. Syria chìm sâu hơn trong hỗn loạn, với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng mở rộng địa bàn. Nhiều chính trị gia đảng Cộng hòa, trong đó có cả ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống Mỹ vào năm sau, cho rằng, chính sách rối rắm của Mỹ với Syria trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng, khi đóng một vai trò lớn ở khu vực, Mỹ phải quản lý tình hình dễ dàng hơn”, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney nói với báoFox News Sunday hồi đầu tuần. Theo ông Cheney, lãnh đạo Mỹ phải có trách nhiệm đối với tình trạng tồi tệ ở một số nước Trung Đông - một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida cho rằng, đến nay, Tổng thống Obama quá thụ động và để “tình hình Syria vượt khỏi tầm kiểm soát”. “Và nay cuộc khủng hoảng đang đe dọa châu Âu với hàng trăm ngàn người xin tị nạn vì cuộc xung đột khủng khiếp diễn ra ở Syria”, ông Rubio nói với Fox News. Nhiều ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, trong đó có cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Thống đốc Maryland Martin O’Malley, đang kêu gọi chính quyền Obama phản ứng nhanh hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm qua thúc giục chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận hệ thống tiếp nhận bắt buộc để chia sẻ gánh nặng trước làn sóng người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đói nghèo, đồng thời hứa sẽ tăng cường bảo vệ biên giới, trục xuất những người di cư bất hợp pháp. Phát biểu trước Nghị viện EU, ông Juncker đưa ra kế hoạch khẩn cấp để phân chia 160.000 người tị nạn trên khắp 28 quốc gia thành viên EU. Đáp lại những chỉ trích về chính sách bắt buộc này, ông Juncker nói rằng, EU không thể để Hy Lạp, Hungary và Ý đối mặt làn sóng này, Reuters đưa tin.