Mỹ - Nhật bắt tay giám sát tàu ngầm Trung Quốc
Lầu Năm Góc lo ngại Nga phát triển tàu ngầm không người lái
Cựu tổng thống Guatemala bị tạm giam 3 tháng
Moldova cắt hoạt động ngoại giao với Nga
Tàu chiến Mỹ, Nhật tới Philippines
Chuyên gia Mỹ: Mỹ cần xây dựng chỗ đứng trên Biển Đông
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Sự hiện diện liên tục và một thái độ duy trì cam kết của Mỹ trong khu vực nhiều tranh chấp ở Biển Đông là điều cần thiết, và bên cạnh vấn đề kinh tế, hợp tác, Washington cũng không được bỏ rơi sức mạnh quân sự cốt lõi, một chuyên gia chiến lược quốc tế viết trên National Interest.
Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest ngày 5.9, ông Patrick M. Cronin, cựu giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng của mình trên Biển Đông và không phải lúc nào cũng mềm mỏng với Trung Quốc về vấn đề quân sự.
Ông Patrick M. Cronin là cựu giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Quốc gia tại Mỹ. Ông cũng là cựu trợ lý tại Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ và hiện đứng đầu chương trình an ninh châu Á tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Washington.
Ông Cronin khẳng định Biển Đông là khu vực có tầm quan trọng rất lớn trong sự phát triển kinh tế của các nước như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN… Trung Quốc, như tuyên bố hồi năm 2010, xem Biển Đông là nơi chứa đựng “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh và tiến hành xây dựng đảo nhân tạo cũng như yêu sách chủ quyền phi pháp tại đây khiến an ninh khu vực trở nên căng thẳng.
“Mặc dù Trung Quốc không phải đối tượng duy nhất để đổ lỗi cho những sự thay đổi hiện trạng, lâu nay họ vẫn là người gây ảnh hưởng lớn và thường xuyên nhất đến quy tắc của khu vực cũng như luật pháp quốc tế trong khu vực biển này”, ông Cronin viết trên National Interest.
Trong bối cảnh đó, mục đích xác lập thế cân bằng trên Biển Đông của chính quyền Tổng thống Barack Obama càng trở nên khó khăn vì nhiều lý do.
Ông Cronin nhận xét Mỹ cần tiếp tục thắt chặt quan hệ với những đồng minh của mình tại khu vực này. Tuy nhiên khác với thái độ cam kết từ phía Nhật Bản, các nước khác tỏ ra “sợ bị bỏ rơi hơn là nhận thức mình đang ở trong một cạm bẫy”. Philippines là ví dụ điển hình cho khó khăn của Mỹ, Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng (EDCA) giữa hai nước vẫn gặp trở ngại do nội bộ nước này chưa thể thông qua quyết định.
Thêm vào đó, khi Mỹ muốn sử dụng kinh tế và hợp tác để duy trì ảnh hưởng, Mỹ lại bị cho đang làm “nửa vời” trong kế hoạch toàn diện này. Cụ thể ở đây là vấn đề thông qua các thỏa thuận trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa hoàn tất vì nhiều lý do.
Đối diện những khó khăn này, ông Cronin cho rằng điều Mỹ cần làm nhất là nhấn mạnh sự cam kết với các nước trong khu vực.
Trước tiên, Mỹ phải có sự hiện diện liên tục và cam kết duy trì các hoạt động an ninh, theo ông Cronin. Theo đó, Mỹ phải tăng cường hợp tác với các đồng minh về cách thức chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý, sự ngăn cản tự do hàng hải từ phía Trung Quốc.
Tiếp đó, quá trình hợp tác trên mọi phương diện này luôn cần sự lồng ghép sức mạnh quân sự. Hiện tại Mỹ vẫn đang có xung đột trong nước về vấn đề chi tiêu quân sự, một phần khiến sức mạnh hải quân Mỹ đang bị nghi ngờ.
“Khi Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, các đồng minh và đối tác của chúng tôi (Mỹ) muốn biết rằng chính sách của Mỹ phải dựa trên một nền tảng sức mạnh”, ông Cronin lập luận.
Ngoài ra, ông cũng nhắc đến việc Mỹ trong tháng 7 đưa máy bay tuần tra ở khoảng cách 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông. Đó là hành động phù hợp với luật pháp quốc tế của Mỹ, không hề nhằm khiêu khích Trung Quốc, mà nhằm nhấn mạnh các quy tắc của khu vực và luật pháp quốc tế.
Mỹ không muốn chiến tranh xảy ra, nhưng vẫn cần tìm hiểu sức mạnh của Trung Quốc và thể hiện sức mạnh của riêng mình song song với những cam kết với các đồng minh ở khu vực tranh chấp. Mỹ phải giữ một chỗ đứng trên Biển Đông.
“Kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên tiến hành bằng những nỗ lực làm đảo lộn trật tự thông qua sự ức hiếp”, ông Cronin kết luận.