tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chiến dịch cải cách mới Trung Quốc: Đá tảng ngăn đường

  • Cập nhật : 26/09/2015

(Tin Kinh Te)

Vấn đề quan trọng số 1 của cải cách kinh tế Trung Quốc là tái cơ cấu kinh tế và trở ngại chủ yếu là những tập đoàn lợi ích.

PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc trao đổi với Đất Việt về chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc.

PV: - Trung Quốc đang phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế nhà nước với mục đích kích thích khả năng cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), biến các công ty đó trở thành những chủ thể độc lập trên thị trường.

Tại sao Trung Quốc lại phát động chiến dịch mới này khi cải cách DNNN đã nằm trong nhiệm vụ chung được Trung Quốc đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Tư 3 từ cuối năm 2013? Theo ông, động thái lần này sẽ gây ra những biến động như thế nào đối với nền kinh tế Trung Quốc?

trung quoc day manh cai cach doanh nghiep nha nuoc khi nen kinh te thoi gian qua boc lo nhieu bat on

Trung Quốc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước khi nền kinh tế thời gian qua bộc lộ nhiều bất ổn

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Vấn đề cải cách DNNN được Trung Quốc đề xuất mấy chục năm nay nhưng kết quả rất hạn chế. DNNN phát triển mạnh dưới thời ông Chu Dung Cơ làm Thủ tướng (1998-2001), sau đó đi vào giai đoạn phát triển khoa học dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào, dù vậy thành tựu vẫn còn hạn chế.

Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đưa ra kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế, thể hiện ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, trong đó có vấn đề nòng cốt là cải cách DNNN. Bây giờ Trung Quốc phát động chiến dịch mới không phải là chuyện ngẫu nhiên cũng không phải là sự trùng lặp với Hội nghị Trung ương 3 mà là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị thì đi vào chiều sâu, một chuyên đề riêng, một vấn đề then chốt là cải cách DNNN.

Thời gian qua một loạt sự kiện chứng tỏ sự bất ổn trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc, từ vấn đề thị trường chứng khoán đến tỷ giá đồng tiền nên Trung Quốc đặt ra vấn đề đẩy mạnh cải cách, trong đó có cải cách DNNN.

DNNN hiện chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc và trong phương châm cải cách kinh tế của Trung Quốc có vấn đề điều hành DNNN, mấu chốt là giải quyết mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường. Đó là nguyên tắc hoạt động của DNNN nhưng trong thực tế Trung Quốc chưa thực hiện được điều này.

Ví dụ, thời gian qua khi thị trường chứng khoán Trung Quốc có vấn đề, Nhà nước Trung Quốc đã can thiệp vào ngay và bỏ ra khoảng 188 tỷ USD để cấp cứu, giúp đỡ DNNN. Nhưng có ý kiến cho rằng đó chưa phải là thực hiện nguyên tắc để thị trường đóng vai trò quyết định đối với việc phân bổ nguồn lực mà vẫn là Nhà nước can thiệp vào, như người ta vẫn nói là ăn thêm thực phẩm chức năng.

Khi sự can thiệp này có tác dụng thì DNNN lại bộc lộ sự bất cập của nó đối với việc đáp ứng thị trường nên thời điểm này Trung Quốc thấy cần có một nỗ lực mới trong đổi mới DNNN. Đây không phải là đợt cải cách DNNN đầu tiên của Trung Quốc và cũng chưa phải đợt cuối cùng bởi cải cách DNNN là vấn đề lâu dài.
 

PV: - Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình cải cách DNNN ở Trung Quốc là đẩy mạnh chống tham nhũng trong khối kinh tế nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về thách thức này đối với quá trình cải cách DNNN Trung Quốc? Nó có khiến cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc bị kéo dài?

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Theo đánh giá của Trung Quốc, vấn đề quan trọng số 1 của cải cách kinh tế là tái cơ cấu kinh tế và một trong những trở ngại chủ yếu của tái cơ cấu kinh tế là nạn tham nhũng, nó hình thành những tập đoàn lợi ích, lô cốt lợi ích ngăn cản tái cơ cấu kinh tế.

Tái cơ cấu kinh tế làm giảm bớt quyền lực của những người đứng đầu các tập đoàn kinh tế và tham nhũng làm cho quá trình này không diễn ra suôn sẻ. Đó là lý do vì sao tái cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc phải gắn liền với chống tham nhũng, muốn con đường cải cách thông suốt phải phá vỡ các lô cốt lợi ích này.

Tất nhiên chống tham nhũng còn có yếu tố rất quan trọng là đấu tranh quyền lực, cái này là phi kinh tế, do vấn đề đường lối chính trị. Nhưng bên cạnh đấu tranh quyền lực nó còn có yếu tố kinh tế thực sự vì những tập đoàn lợi ích đó nắm trong tay rất nhiều ngành kinh tế. Trường hợp Chu Vĩnh Khang là một ví dụ, ông ta là người có ảnh hưởng cực lớn đến ngành khai khác mỏ của Trung Quốc. Khi uỷ ban kinh tế của Trung Quốc muốn đưa ra các đề án cải cách nhưng vấp phải trở ngại này nên phải đấu tranh chống lại nó để tái cơ cấu kinh tế.

Cần lưu ý rằng, cải cách kinh tế trong đó có cải cách DNNN với chống tham nhũng giống như đi hai chân nhưng không có nghĩa hai chân cùng tiến lên một lúc mà phải từng bước một. Có những đợt Trung Quốc tập trung vào đấu tranh chống tham nhũng về chính trị, sau đó tập trung cải cách kinh tế nhưng vẫn tiếp tục chống tham nhũng. 

 
PV: - Nếu Trung Quốc thực hiện xong công cuộc cải tổ kinh tế quốc doanh theo hướng tư nhân hóa, kinh tế nước này sẽ tiến nhanh đến giai đoạn bình thường mới như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Bình thường mới không phải là một mô hình mà là một tình hình mới của Trung Quốc với đặc điểm: tốc độ tăng trưởng điều chỉnh về mức bình thường, chất lượng nền kinh tế được nâng cao, quản lý được cải thiện. Bình thường mới tức là không còn thời kỳ tăng trưởng cao nhưng kém hiệu quả như trước. Nỗ lực cải cách DNNN của Trung Quốc cũng nhằm mục tiêu tiến tới xác lập một nền kinh tế như vậy.

Nếu ở Việt Nam vẫn gọi là chuyển đổi phương thức tăng trưởng thì Trung Quốc gọi là chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Cải cách kinh tế nói chung cũng như cải cách DNNN Trung Quốc không chỉ diễn ra trong nội bộ của kinh tế nhà nước mà còn là cải cách mối quan hệ giữa kinh tế nhà nước với các khu vực kinh tế khác, giữa thành thị với nông thôn, công nghiệp với nông nghiệp.

PV: - Việt Nam có thể tham khảo được gì từ cách làm của Trung Quốc trong quá trình cải cách DNNN không thưa ông? Vì sao?

PGS.TS Nguyễn Huy Quý: - Từ trước tới nay cải cách ở Việt Nam có thể học từng bước theo cải cách DNNN ở Trung Quốc. Đầu tiên là vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp, tức từ chỗ DNNN chiếm tỷ lệ càng lớn càng tốt thì bây giờ giảm bớt, Nhà nước chỉ nắm một bộ phận nhỏ, như ngành công nghiệp quân sự, còn phần lớn đều cổ phần hoá, kể cả các ngành kinh tế lớn như đường sắt, sân bay, tài chính... Trung Quốc coi kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và Việt Nam cũng vậy

Kinh tế Việt Nam, Trung Quốc có xuất phát điểm giống nhau, thực trạng giống nhau, mục tiêu giống nhau. Hai nước đều xuất phát từ nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, nhỏ lẻ đi lên một nền sản xuất lớn XHCN. Những nét chung giống nhau như vậy nhưng trên thực tế, nhận thức và mức độ thì khác nhau nên vẫn có những cách biệt. Bởi vậy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ cách làm của Trung Quốc nhưng đi vào cụ thể thì phải khác.


Thành Luân
Theo Báo Đất Việt

Trở về

Bài cùng chuyên mục