Tuần trước, sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng Nga đã đi đến quyết định tấn công quân khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đồng thời bảo vệ chế độ của Tổng thống Bashar Assad ở Syria.
Năm câu hỏi lớn sau cuộc tắm máu Paris
- Cập nhật : 15/11/2015
(The gioi)
Cuộc thảm sát đẫm máu ở thủ đô Pháp cho thấy tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thay đổi chiến lược và Mỹ cũng như châu Âu đều nằm trong tầm ngắm khủng bố.
Trên tạp chí Slate, giáo sư Daniel Byman thuộc ĐH Georgetown và Trung tâm Chính sách Trung Đông của Viện Brookings xác định có năm câu hỏi lớn nảy ra từ các vụ tấn công khủng bố tại Paris.
IS thay đổi như thế nào?
Cả thế giới bắt đầu chú ý đến IS khi chúng chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria hồi năm 2014. Nhưng các tổ chức tiền thân của IS (Al-Qaeda tại Iraq, Nhà nước Hồi giáo Iraq, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) đã hoạt động từ năm 2004.
Trong hơn 10 năm qua, IS và các tổ chức tiền thân chỉ tập trung thực hiện chiến tranh địa phương, chống chính quyền Iraq và Syria, lực lượng nổi dậy Syria, người Kurd, các nhóm tôn giáo bị xem là kẻ thù…
IS cũng tổ chức các đợt tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia và các quốc gia lân cận để trừng phạt các nước này vì hỗ trợ kẻ thù của chúng và quảng bá sức mạnh chết chóc nhằm tăng cường chiến dịch tuyển quân.
Dù IS căm thù phương Tây nhưng thời gian qua chỉ tập trung nguồn lực ở Trung Đông, và kêu gọi cực đoan thực hiện các vụ tấn công “sói cô độc” tại Mỹ và châu Âu. Cuộc tấn công ở Paris hoàn toàn khác biệt so với chiến lược cũ của IS.
Trước đây một số cá nhân nhân danh IS tấn công ở châu Âu, nhưng điều tra cho thấy hầu như không có kẻ nào có quan hệ trực tiếp với IS.
Trong khi đó, chiến thuật phức tạp, khả năng phối hợp hiệu quả và chết chóc của cuộc khủng bố Paris cho thấy tính tổ chức cao độ chứ không phải chỉ là sự lôi kéo vào con “sói cô độc”. Đây có thể là lần đầu tiên IS dồn nguồn lực lớn để tổ chức tấn công đẫm máu tại châu Âu.
Khủng bố Paris là chuyện không tránh khỏi?
Trong vài tuần qua IS liên tục hứng chịu thất bại trên chiến trường, ví dụ như đánh mất thị trấn Sinjar ở Iraq vào tay lực lượng người Kurd. Tuy nhiên IS tổ chức cuộc tấn công khủng bố ở Beirut (Libăng) khiến 40 người thiệt mạng và bị tình nghi đánh bom máy bay Nga ở bán đảo Sinai (Ai Cập) làm 224 người chết.
Vụ đánh bom ở Libăng phù hợp với chiến thuật truyền thống của IS, bởi phía nam Beirut là đại bản doanh của tổ chức Hezbollah, kẻ thù của IS.
Dù vậy, đó là vụ khủng bố quy mô lớn hiếm thấy của IS. Vụ đánh bom máy bay Nga là sự leo thang dữ dội hơn nhiều và có lẽ là dấu hiệu báo động về một cuộc khủng bố quy mô lớn ở châu Âu như cuộc tắm máu tại Paris.
Sinai cho thấy IS và các tổ chức chi nhánh bắt đầu mở rộng chiến dịch hoạt động ra bên ngoài phạm vi truyền thống, nhắm vào các mục tiêu quốc tế, đặc biệt là những kẻ thù lớn. Trước Sinai, IS chưa từng nhắm vào hàng không.
Cuộc tấn công ở Paris là bước kế tiếp hợp lý của IS. Libăng nằm ở rìa vùng hoạt động của IS, Sinai trong khu vực nhưng cách đại bản doanh IS khá xa và là mục tiêu quốc tế. Pháp còn xa hơn thế nhiều và không có sự hiện diện chính thức của IS. Cuộc tấn công này cho thấy rằng IS có đủ sức mạnh để tấn công ở bất cứ nơi nào chúng muốn, chứ không chỉ ở những nơi chúng có địa lợi.
Tại sao Pháp liên tục bị tấn công?
Pháp hiện diện quân sự quy mô lớn ở Trung Đông và chủ động tham gia các chiến dịch chống khủng bố. Pháp là thành viên tích cực trong liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo và can thiệp quân sự vào Mali để chống cực đoan địa phương.
Trong nước, Pháp là quốc gia có truyền thống thế tục mạnh mẽ. Các chính sách chính thức chống lại việc thể hiện đức tin tôn giáo nơi công cộng, ví dụ như lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt.
Các tạp chí biếm như Charlie Hebdo thường xuyên diễu cợt tôn giáo, đặc biệt là đạo Hồi. Tất cả các nguyên nhân đó khiến Pháp bị IS và các tổ chức cực đoan đặc biệt căm ghét.
Cuộc tấn công ảnh hưởng đến dòng người tị nạn như thế nào?
Chắc chắn các đảng cực hữu ở châu Âu sẽ tranh luận rằng việc châu lục mở cửa cho người tị nạn Syria tương đương với việc mời khủng bố vào nhà.
Và nhiều khả năng làn sóng phân biệt đối xử, tấn công người Hồi giáo sẽ bùng lên ở châu Âu. Tuy nhiên giáo sư Byman cho rằng đóng cửa biên giới châu Âu sẽ là một sai lầm lớn.
Ở châu Âu, Đức mới là quốc gia mở rộng vòng tay đón nhiều người tị nạn nhất chứ không phải là Pháp. Và IS muốn những kẻ cực đoan vượt biên giới đến Syria và Iraq để gia nhập tổ chức của chúng chứ không phải là triển khai cực đoan tới châu Âu.
Những người tị nạn bỏ chạy khỏi Syria bởi họ sợ IS, sợ chiến tranh. Nhiều người tị nạn mới đây lên tiếng khẳng định thảm cảnh ở Paris chính là những gì xảy ra ở Syria, buộc họ phải bỏ quê hương xứ sở.
Các chuyên gia cho rằng nguy cơ khủng bố thực sự là những người tị nạn ở châu Âu không được đối xử một cách nhân đạo, bị gạt ra bên lề xã hội, bị coi khinh và phải sống vất vưởng, dẫn tới sự thù hận. Điều đó sẽ biến cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu trở thành một nguy cơ an ninh.
Mỹ sẽ là mục tiêu kế tiếp?
Theo giáo sư Byman, dự báo mục tiêu kế tiếp của khủng bố là nhiệm vụ bất khả thi. Bọn khủng bố luôn có tham vọng lớn, nhưng hành động dựa trên cơ hội mà chúng có được. Và việc bị tấn công hay không còn phụ thuộc vào năng lực tình báo và an ninh của các quốc gia phương Tây.
Sau các vụ khủng bố ở London và Madrid, cũng có nhiều dự báo châu Âu sẽ đối mặt với thảm họa, điều không thành hiện thực cho tới vụ Paris.
Mỹ không phải đối mặt với nhiều vụ tấn công sau sự kiện 11-9, một phần nguyên nhân là do Washington đầu tư dữ dội vào các chương trình chống khủng bố. Và Cục Điều tra liên bang Mỹ cùng các cơ quan tinh báo tập trung nhiều nguồn lực để ngăn chặn IS. Pháp cũng cảnh giác cao độ sau vụ Charlie Hebdo, nhưng sự chuẩn bị là chưa đủ.
Vấn đề là Mỹ có cộng đồng Hồi giáo ít hơn nhiều so với Pháp, số lượng người Hồi giáo đến Syria và Iraq để gia nhập IS thấp hơn hẳn Pháp.
Do đó nguy cơ đối với Mỹ là thấp hơn châu Âu, nhưng Mỹ vẫn là mục tiêu tối thượng mà khủng bố Hồi giáo muốn làm tổn thương. Do đó giới chuyên gia cảnh báo Mỹ cần học bài học Paris để đương đầu với mối đe dọa IS.