Đông Nam Á đã nổi lên như một "thỏi nam châm" thu hút đầu tư nước ngoài vì các công ty muốn chuyển nhà xưởng cũng nhắm tới những thế mạnh của các nước ở Đông Nam Á.
Ông Trump thắng, châu Á sẽ là kẻ thất bại
- Cập nhật : 27/07/2016
Các nhà đầu tư cho rằng nếu tỷ phú Donald Trump đắc cử vào vị trí Tổng thống Mỹ, rất ít khả năng vị ứng cử viên Đảng Cộng hòa này sẽ xây dựng rào cản thương mại với Mexico.
Thay vào đó, ông Trump có thể sẽ đánh vào thuế nhập khẩu hàng hóa châu Á, gây ra cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và các nước này. Trong đó, Hàn Quốc và Philippines được dự báo là những nước có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất nếu rào cản thương mại tăng.
Đầu tháng 7, Nomura Holdings Inc. đã tổ chức khảo sát các nhà đầu tư về những vấn đề họ lo ngại nếu ông Trump trở thành người tiếp quản vị trí hiện nay của ông Barack Obama. Gần như tất cả các vấn đề đều được nhắc tới, từ việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ thương mại tới vấn đề an ninh khu vực nếu Mỹ quyết định loại bỏ những cam kết quân sự tại châu Á.
Một kết luận rút ra từ cuộc khảo sát này là: Sau Mexico, châu Á là khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất.
Người chịu trách nhiệm về cuộc khảo sát trên – ông Rob Subbaraman – cho rằng việc ông Trump đắc cử vị trí tổng thống chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng GDP tại các quốc gia châu Á, khiến lạm phát tăng, giảm thặng dư thương mại và buộc phải nới lỏng các chính sách kinh tế vỹ mô.
Trong báo cáo “Trumping Asia” của Nomura, 77% số người được hỏi dự báo rằng Mỹ sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành kẻ thao túng thị trường tiền tệ dưới thời ông Trump và 75% dự báo rằng vị tỷ phú nào sẽ áp đặt thuế suất với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ 37% nghĩ rằng ông Trump sẽ xây dựng thêm rào cản đối với quốc gia láng giềng là Mexico.
Những lo ngại của những nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Châu Á là trung tâm sản xuất của thế giới và rất nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào xuất khẩu. Việc tăng thuế với hàng nhập khẩu tại Mỹ sẽ đặt các quốc gia này vào tình thế khó khăn.
Nomura cho biết Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2015, và nếu những rào cản thương mại được lập ra đối với quốc gia này, hiệu ứng tiêu cực sẽ lan tỏa ra toàn bộ châu Á.
Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc và Philippines sẽ là những nước dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Trump đã chỉ trích hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc năm 2012 đã cướp đi cơ hội việc làm của 100.000 người Mỹ và ông cũng thề sẽ buộc Hàn Quốc phải đáp ứng toàn bộ chi phí đảm bảo an ninh tại Mỹ. Theo Nomura, điều này sẽ khiến mối quan hệ giữa 2 nước gặp vấn đề và Hàn Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề tài chính này.
Philippines sẽ phải đối mặt với rủi ro của việc hạn chế dân nhập cư. Số lượng người Philippines làm việc tại Mỹ chiếm 35% tổng số công nhân lao động nước ngoài của quốc gia châu Á này và Nomura ước tính rằng họ đang kiếm ra 31% lượng kiều hối tại đây – nguồn chủ yếu của dòng vốn nước ngoài.
Philippines là quốc gia xuất khẩu chịu rủi ro lớn nhất tại Đông Nam Á và việc ông Trump cam kết sẽ mang công việc tới cho người dân Mỹ có thể đe dọa sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Ngành công nghiệp gia công tại Philippines đang phục vụ cho các công ty tại Mỹ và doanh thu từ công việc này có thể sẽ tăng bằng tổng lượng kiều hối của quốc gia này, tương đương 9% GDP, trong vòng 2 năm tới.
Trong khu vực châu Á, Thái Lan và Ấn Độ được coi là các quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất nếu ông Trump thay thế ông Obama trong cương vị đứng đầu Nhà Trắng.
Mặc dù theo kết quả cuộc khảo sát của Nomura, khả năng ông Trump chiến thắng là rất thấp nhưng những mối đe dọa với chủ nghĩa bảo hộ là hoàn toàn có thật.
Ông Trump đã cam kết sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định thương mại tự do giữa 12 quốc gia với tổng giá trị GDP lên chiếm tới 40% GDP toàn cầu – nếu giành chiến thắng trong cuộc chạy đua với bà Hillary Clinton. Ngay cả khi TPP được phê duyệt trước khi ông Obama rời Nhà Trắng, ông Trump (nếu chiến thắng) vẫn có quyền rút Mỹ khỏi hiệp ước này.
Theo luật pháp Mỹ, Tổng thống có thể áp đặt mức thuế trừng phạt mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp thương mại thâm hụt “lớn và nghiêm trọng” với các quốc gia khác, điển hình như Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc được tuyên bố là kẻ thao túng tiền tệ, họ có thể sẽ kích hoạt một loạt các hạn chế thương mại đối với mình. Với những bất lợi như vậy, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tìm cách hạ giá đồng Nhân dân tệ nhanh hơn.
Từ nay cho tới tháng 11 – khi kết thúc cuộc bầu cử, ông Trump vẫn còn nhiều thời gian để thay đổi quan điểm chính sách của mình và các quan chức tại châu Á cần phải đứng vững trước những thông tin thay đổi liên tục cho tới thời điểm đó.
Thạch Thảo
Theo Bloomberg/NĐH