tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chuyên gia Australia: 'Cuộc chơi ở Biển Đông giờ đã thay đổi'

  • Cập nhật : 18/07/2016

Tiến sĩ Grey Raymond, nghiên cứu các vấn đề châu Á, cho rằng phản bác của Tòa Trọng tài đối với "đường lưỡi bò" mang tính lịch sử, sẽ làm thay đổi "cuộc chơi" ở Biển Đông.

trung quoc se tang cuong boi dap cac da o bien dong sau phan quyet cua toa trong tai. anh: csis

Trung Quốc sẽ tăng cường bồi đắp các đá ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài. Ảnh: CSIS

 

Tiến sĩ Greg Raymond, Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Trường Coral Bell về các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia, trao đổi với VnExpress về ý nghĩa của việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bác yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc và các lựa chọn cho Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về phán quyết của Tòa trọng tài? 

- Đây thực sự là một phán quyết mang tính lịch sử, chính quyền Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò từ những năm 1930 nhưng có thể đây là lần đầu tiên nó bị xem xét dưới góc độ pháp lý. Tòa trọng tài cho rằng khi Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS, bất kỳ yêu sách lịch sử nào nước này có thể có nhờ sự tiếp cận của các ngư dân hoặc tiếp cận có định kỳ qua nhiều năm, đều không được công nhận.

Vì thế đây là một phán quyết pháp lý rất quan trọng, nó có nghĩa là bất kỳ yêu sách nào Trung Quốc có để khai thác các tài nguyên trong "đường lưỡi bò" không được luật pháp quốc tế ủng hộ. Bắc Kinh sẽ gặp khó để thuyết phục các nước khác "tuân theo" đường này.

Tôi cho rằng Trung Quốc hiện giờ bị cô lập hơn rất nhiều và yêu sách của họ bị yếu thế rất nhiều cả về phương diện đạo đức lẫn pháp lý. Vì vậy bất chấp Bắc Kinh có phản đối phán quyết của Tòa nhiều đến mức nào đi nữa, thì đây vẫn là ngưỡng rất quan trọng.

- Phán quyết tác động như thế nào tới hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở Trường Sa?

- Về cơ bản Tòa cho rằng bất kể Trung Quốc bồi đắp các đá nhiều thế nào hay bất kể có bao nhiêu cơ sở hạ tầng quân sự, thì nước này cũng không thay đổi được tình trạng pháp lý của các cấu trúc này. Nếu các cấu trúc từng là đá không có người ở trước khi nó được cải tạo, thì nó không tạo ra gì hơn ngoài 12 hải lý. Các cấu trúc nằm dưới nước khi thủy triều lên, không có lãnh hải và chắc chắn không có vùng kinh tế.

Tòa cũng xác nhận không hoạt động bồi đắp nào tạo nên được chủ quyền hay tạo nên vùng hàng hải cho Trung Quốc. 

Mặc dù nhiều người cho rằng Bắc Kinh cải tạo các đá để củng cố thêm cơ sở pháp lý, nhưng tôi nghĩ không phải chỉ có vậy. Họ làm thế để kiểm soát thực tế và về mặt quân sự với Biển Đông, nhằm hăm dọa các nước cùng có tranh chấp, ép phải chấp nhận sự hiện diện và luật lệ của Bắc Kinh ở khu vực này. 

Vì thế tôi cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục bồi đắp ở Trường Sa, vì hoạt động này đã được chứng tỏ rằng "họ có thể làm với mức độ rủi ro có thể chấp nhận được". Một số nơi Trung Quốc có thể "nghĩ lại", ví dụ như bãi cạn Scaborough vì Mỹ đã gửi tín hiệu đến, rằng nếu Bắc Kinh tăng hiện diện ở đây, có thể sẽ vấp phải phản ứng của Manila và thậm chí là Washington.

Nếu Trung Quốc tiếp tục cải tạo các đá, họ sẽ phải đối diện với nhiều áp lực ngoại giao hơn so với trước đây, vì thế cuộc chơi giờ đã thay đổi.

- Đánh giá của ông về khả năng Trung Quốc có lập ADIZ ở khu vực này?

- Nhiều người lo ngại Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh mẽ với phán quyết của Tòa bằng cách tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Tuy nhiên, việc áp đặt ADIZ mà không làm leo thang căng thẳng tới mức xung đột quân sự là điều khó. Tôi nghĩ thời điểm này Trung Quốc không có lợi ích gì khi khiêu khích xung đột quân sự.

Nếu họ tuyên bố ADIZ, máy bay các nước vẫn đi qua khu vực này, phớt lờ yêu cầu đòi báo cáo, lúc đó Bắc Kinh sẽ phải phản ứng mạnh mẽ, có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng. Cụ thể, nếu Mỹ tiếp tục điều máy bay đến, trong đó có máy bay quân sự, và Trung Quốc không chấp nhận, hăm dọa các máy bay này, lúc đó tình huống nguy hiểm sẽ nảy sinh. Tôi cho rằng hiện Trung Quốc chưa quyết định làm điều đó.

- Khả năng Trung Quốc thực hiện các hành động gây hấn khác sau phán quyết?

- Khó có thể đưa ra đánh giá nhưng có thể có hai mức độ họ phản ứng. Mức độ một là Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bằng ngôn từ, tiếp tục lên án tòa, lên án Mỹ, cho rằng tòa không có quyền đưa ra phán quyết, luật quốc tế bị diễn giải sai.

Ở mức độ thứ hai, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các hoạt động mà tôi đã đề cập, đó là xây dựng các cấu trúc trên biển, họ có thể điều đội tàu cá đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước liên quan, như đã làm với Indonesia và gặp phản ứng gay gắt của Jakarta. Hai năm trước, Trung Quốc còn kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào EEZ của Việt Nam. Tôi không chắc họ sẽ làm vậy nữa, nhưng Bắc Kinh sẽ làm những việc mà "có thể rút nhanh", không mang tính khiêu khích nhiều tại thời điểm này. Nếu họ trở nên khiêu khích thì họ đã phải làm ngay.

Trung Quốc có tiềm năng kinh tế và quân sự lớn, điều có thể khiến Philippines và Việt Nam gặp khó. Tuy nhiên về khía cạnh đạo đức, điều mà trước đây mọi người còn lăn tăn "Ai là người đúng" thì bây giờ điều đó khá rõ rằng Philippines và cả các nước có liên quan có sự ủng hộ của luật pháp quốc tế. Dù Trung Quốc cho rằng có nhiều nước ủng hộ quan điểm của mình nhưng điều đó là phóng đại, hầu hết các nước đang cố phủ nhận và giữ thái độ trung lập. Bắc Kinh đã trở nên bị cô lập hơn nhiều hơn, họ có sức mạnh quân sự nhưng đã đánh mất uy thế về quan niệm và đạo đức.

- Philippines làm gì để vệ quyền của họ khi tòa không có chế tài bắt buộc Trung Quốc thực hiện phán quyết?

- Giờ là lúc các nhà ngoại giao Philippines và Chính phủ nước này phải nỗ lực sử dụng phán quyết theo cách mang lại kết quả tốt hơn trong đàm phán với Trung Quốc. Tôi không nghĩ họ đơn giản ép Trung Quốc chấp thuận phán quyết. Điều họ có thể làm bây giờ là thảo luận với Bắc Kinh, như tân Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố ông muốn thực hiện. Manila sẽ có "thế đứng đàm phán và mặc cả" mạnh hơn, điều chưa từng có trước đây. Dù việc này sẽ là vấn đề khó khăn nhưng nó mang lại tác dụng đòn bẩy. Philippines có thể có kết quả tốt hơn, đồng thời để Bắc Kinh có cơ hội đỡ "mất mặt". 

Trung Quốc sẽ không chấp nhận bị bẽ mặt vì thế Manila cần thận trọng và khôn ngoan. Nếu Tổng thống Philippines đạt thỏa thuận khai thác chung, nhân nhượng trước Trung Quốc, ông sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ chính nội bộ, từ người dân và có thể từ cả Mỹ. Do đó ông phải giúp Philippines đạt kết quả tốt hơn so với trước thời điểm có phán quyết. Việc thương lượng với Trung Quốc thực sự đòi hỏi phải rất khéo léo.

- Ông đánh giá sao về khả năng Việt Nam thực hiện một vụ kiện thách thức Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình?

- Tôi không cho rằng Việt Nam cần thực hiện một vụ kiện tương tự như Philippines, phán quyết của tòa áp dụng với cả tình hình của Việt Nam và Philippines. Vấn đề pháp lý đã được quyết định cho "đường lưỡi bò" Trung Quốc đưa ra, đường đã lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam thực sự có rất nhiều lợi ích tiềm năng giống với Philippines, vì các bạn có cùng sự phản đối "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Khi "đường lưỡi bò" chồng lấn nhiều vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội, Trung Quốc không thể ngăn cản Việt Nam khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền này, họ cũng không thể kéo giàn khoan đến "vùng đặc quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò" nữa, không thể đến gần các thực thể gần Việt Nam như Subi, Châu Viên, Gaven vì chúng ta biết nó không có EEZ. Trung Quốc không thể dùng cơ sở này để ngăn Việt Nam khai thác các tài nguyên ở biển, trong đó có dầu khí.

Cũng như Philippines, Việt Nam nên dùng lợi thế này trong đàm phán với Trung Quốc.

- Phán quyết của Tòa gợi mở gì cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc?

- Có thể thấy sự khác nhau nếu bạn nhìn vào phản ứng của các nước ASEAN với phán quyết. Campuchia nói không chấp nhận, ủng hộ tranh chấp cần đàm phán song phương như Trung Quốc nói. Thái Lan ra một tuyên bố nhưng không kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế theo UNCLOS, mà chỉ đơn giản cho rằng ASEAN nên giải quyết vấn đề hòa bình.  

Vì vậy, việc các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông là thành viên của ASEAN đi đến một thỏa thuận là điều rất quan trọng. Tôi nghĩ các nước này cần thảo luận với nhau để dùng làm cơ sở tăng cường lợi thế trong thảo luận với Trung Quốc.

Một chiến thuật mà các nước ASEAN có thể tính đến trong mối quan hệ với Trung Quốc là triển khai một thỏa thuận về hành xử về an ninh hàng hải và những gì được thực hiện trong vùng trên biển thuộc các nước này, bao gồm việc xây dựng, bồi đắp, quân sự hóa các cơ sở hạ tầng. Nếu thỏa thuận này giống với thỏa thuận hợp tác mà ASEAN đã có, ASEAN có thể mời Trung Quốc tham gia. Phán quyết của tòa sẽ khiến thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc có khác với trước đây.

Giữa Việt Nam và Philippines, tôi cho rằng có thể xây dựng một thỏa thuận với nhau về quyền lợi ở Biển Đông, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược và tôi tin hai bên có thể hợp tác.

 

Việt Anh
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục