tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ và thế giới chậm hồi phục

  • Cập nhật : 25/12/2015

(Kinh te)

Liên Hợp Quốc (UN) cho rằng sự thay đổi dân số là một trong những nguyên nhân chủ chốt cho tình hình chậm hồi phục của kinh tế Mỹ và thế giới.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra các lý do khác nhau nhằm giải thích tình trạng chậm hồi phục của Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, nhưng Liên Hợp Quốc (UN) lại cho rằng sự thay đổi dân số là một trong những nguyên nhân chủ chốt cho tình hình trên.

Số liệu mới nhất của UN cho thấy tổng dân số trong độ tuổi lao động của các nước phát triển vào năm 2016 sẽ suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 1950. Trong khi đó, lực lượng lao động của nhiều thị trường mới nổi cũng suy giảm, còn số người trên 65 tuổi tại nhiều nước sẽ tăng vọt trong tương lai.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do tuổi thọ người dân được nâng cao và tỷ lệ sinh con suy giảm. Mặc dù rủi ro này đã được cảnh báo từ trước nhưng phải đến hiện tại các công ty và nền kinh tế mới thực sự thấy được ảnh hưởng tiêu cực từ thay đổi dân số.

Nhiều tập đoàn thiếu nhân lực cũng như gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng. Do cơ cấu dân số thay đổi, những nhu cầu về dịch vụ như chăm sóc sức khỏe tăng lên trong khi tiêu thụ các hàng hóa như xe hơi lại giảm xuống.

Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia có sự suy giảm về dân số cũng như lực lượng lao động, nhưng tình trạng này hiện đã lan sang nhiều nước phát triển và mới nổi. Số liệu của UN dự đoán tổng dân số toàn cầu sẽ tăng trưởng 32% vào năm 2050 nhưng số người trong độ tuổi lao động (15-64) sẽ chỉ tăng 26%.

Trong số những nước phát triển, lực lượng lao động của Hàn Quốc năm 2050 sẽ giảm 26%, Nhật Bản giảm 28% còn Đức và Italia giảm 23%. Số người lao động của các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ tăng 23% và dẫn đầu là Ấn Độ với 33%.

Tuy nhiên, những nền kinh tế chủ chốt như Brazil lại chỉ tăng 3%, trong khi Nga và Trung Quốc lại giảm 21%.

top nhung nuoc dong dan nhat the gioi (billion: ty nguoi; million: trieu nguoi)

Top những nước đông dân nhất thế giới (Billion: tỷ người; Million: triệu người)

Lao động thiếu, tăng trưởng chậm

Theo tờ Wall Street Journal, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của một nền kinh tế phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng là số lao động khả dụng và hiệu suất làm việc của lực lượng này. Rõ ràng, sự suy giảm dân số sẽ kéo theo tỷ lệ lao động trên thị trường giảm xuống.

Vào năm 2008, khi hãng Lehman Brothers sụp đổ, thế hệ đầu tiên của thời kỳ bùng nổ dân số sau Thế chiến II, được sinh trong khoảng 1946-1964, cũng bắt đầu già đi và được nhận các trợ cấp xã hội. Kể từ đó, số tiền trợ cấp xã hội tại Mỹ đã tăng chóng mặt từ 41,1 triệu USD lên 48,9 triệu USD.

tro cap xa hoi tai my (trieu usd)

Trợ cấp xã hội tại Mỹ (triệu USD)

Trong khi đó, tổng lực lượng lao động Mỹ chỉ tăng 0,2% kể từ năm 2008, thấp hơn so với mức tăng bình quân 1,2% trong thập kỷ trước. Tỷ lệ lao động khả dụng tại Mỹ cũng đã giảm xuống 62,4%, mức thấp nhất trong gần 40 năm qua.

Không phải ngẫu nhiên mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ mức dự đoán tăng trưởng của Mỹ từ 3% trước khi khủng hoảng 2008 xảy ra xuống mức 2%.

Cụ thể, các chuyên gia của FED từ năm 2006 đã cho rằng lực lượng lao động sinh ra trong khoảng 1946-1964 bắt đầu nghỉ hưu, thời gian học tập của các sinh viên ngày nay dài hơn, tỷ lệ phụ nữ đi làm giảm là những nguyên nhân chủ chốt ảnh hưởng đến đà phục hồi của Mỹ.

Theo dự đoán, tỷ lệ lao động khả dụng tại Mỹ vào năm 2022 sẽ giảm xuống còn 61%.

luc luong lao dong kha dung tai my (trieu nguoi)

Lực lượng lao động khả dụng tại Mỹ (triệu người)

ty le lao dong kha dung tai my trong tong dan so

Tỷ lệ lao động khả dụng tại Mỹ trong tổng dân số

Tiết kiệm nhiều, lãi suất khó tăng

Trước đây, những người lao động bắt đầu vay mượn và tiết kiệm trong tầm tuổi 20-30 khi sự nghiệp chưa nhiều và mới kết hôn. Đến tuổi 40-50, thu nhập tăng lên và tỷ lệ tiết kiệm cũng tăng theo. Khi nghỉ hưu, trách nhiệm chăm nuôi con cái giảm xuống và hầu hết thu nhập của họ chỉ dành cho tiết kiệm.

Tuy nhiên, chu trình này đang dần bị phá vỡ bởi mức sống ngày càng cao cũng như mong muốn được tự do về tài chính của lớp trẻ ngày nay. Tại Mỹ, nhiều cặp vợ chồng hạn chế sinh con và gia tăng tiết kiệm nhằm nghỉ hưu sớm và đi du lịch hoặc làm những gì mình muốn.

Trong khi đó, hãng Barclays cho biết tình trạng các hộ gia đình Trung Quốc hạn chế chi tiêu nhằm tiết kiệm cho nghỉ hưu là một phần nguyên nhân khiến thặng dư thương mại của nước này vô cùng lớn.

Hãng Barclays nhận định thị trường tài chính có mối liên kết rộng trên toàn thế giới nên việc tiết kiệm quá mức ở một nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến lãi suất của thị trường khác.

Xu thế gia tăng tiết kiệm và tình trạng nghỉ hưu ngày càng nhiều đang khiến tỷ lệ lãi suất trong những năm gần đây khó tăng lên. Chính phủ buộc phải giữ lãi suất thấp nhằm thúc đẩy mọi người dùng số tiền nhàn rỗi đi đầu tư, qua đó thúc đẩy kinh tế.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển trong cơ cấu dân số cũng khiến nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, qua đó tác động đến tình hình kinh doanh trên thị trường. Những người lớp trẻ chi tiêu nhiều cho nhà cửa, xe cộ và giáo dục con cái trong khi tầng lớp nghỉ hưu lại chi nhiều cho dịch vụ và sức khỏe.

ty le phu thuoc o trung quoc

Tỷ lệ phụ thuộc ở Trung Quốc

ty le dan so phu thuoc cua my

Tỷ lệ dân số phụ thuộc của Mỹ

Thống kê mới đây cho thấy khoảng 8% tổng chi tiêu của người Mỹ trong độ tuổi 35-44 là để thanh toán lãi suất thế chấp, cao hơn mức 3,6% ở độ tuổi trên 65. Những người trong độ tuổi 35-44 tại Mỹ cũng chi 6% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, thấp hơn mức 13% của tầng lớp nghỉ hưu trên 65 tuổi.

Chủ tịch FED chi nhánh New York, ông William Dudley cho rằng việc hạ thấp lãi suất là để thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, nhưng tầng lớp nghỉ hưu đang tăng lên hiện nay lại không có nhiều nhu cầu cho tiêu dùng mà thay vào đó lại là tiết kiệm. Rõ ràng, dịch chuyển cơ cấu dân số đang khiến các biện pháp của FED ngày càng ít ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Các doanh nghiệp cũng chịu không ít ảnh hưởng từ sự thay đổi này. Trong những năm vừa qua, thị trường toàn cầu chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm và y tế. Trái ngược lại, nhiều lĩnh vực kinh doanh như ô tô, thời trang cho giới trẻ đang trong tình trạng giảm tốc hoặc thậm chí khó khăn.

Thế giới và cuộc cách mạng lao động

Trước thực trạng trên, nhiều nền kinh tế đã có những biến chuyển nhằm thích ứng với sự thay đổi trong lực lượng lao động cũng như đối tượng khách hàng.

Nhiều tập đoàn lớn hiện đã bắt đầu chuyển hướng sang những lĩnh vực cho khách hàng tầng lớp trung niên hoặc đã nghỉ hưu. Những sản phẩm dịch vụ, chăm sóc sức khỏe hay y tế đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Không dừng lại ở đó, tiến trình tự động hóa, hiện đại hóa đang được nhiều nhà máy sản xuất áp dụng nhằm đối phó với xu thế suy giảm lao động hiện nay cũng như nâng cao hiệu quả làm việc. Hơn nữa, nhiều công ty ngày nay đã và đang kéo dài thời gian làm việc của nhân viên nhằm tận dụng sức lao động trước việc ngày càng thiếu lao đông chuyên nghiệp hiện nay.

ty le tang truong dan so binh quan toan cau

Tỷ lệ tăng trưởng dân số bình quân toàn cầu

Ở một số nền kinh tế thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, chính phủ đã có những động thái nới lỏng quy định nhập cảnh nhằm thu hút thêm người lao động quốc tế. Tuy nhiên, biện pháp này mang nhiều yếu tố rủi ro xã hội khi lao động nước ngoài khác biệt về văn hóa cũng như phong cách làm việc.

Rõ ràng, dịch chuyển cơ cấu dân số đang tác động lên nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu. Theo Chủ tịch Jens Weidmann của ngân hàng Bundesbank-Đức, có lẽ thế giới sẽ phải thay đổi để thích nghi với việc tầng lớp lao động già và có kinh nghiệm ngày càng nhiều trong khi nhân lực trẻ lại ít hơn trước. Mặc dù vậy, đây chưa chắc đã thông tin tiêu cực.

“Lớp trẻ có thể làm nhanh hơn, nhưng những người lớn tuổi lại có kinh nghiệm để làm hiệu quả nhất”, ông Weidmann nói.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục