tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bốn nguy cơ thế giới năm 2016

  • Cập nhật : 30/12/2015

(Tin Kinh Te)

Nga, Trung Quốc, Trung Đông và không gian mạng có thể đe dọa kinh tế thế giới.

Cuối năm là thời điểm tốt để dự báo các nguy cơ đang chờ đợi thế giới trong năm mới 2016.

Phòng Thông tin cộng đồng (LHQ) đã giới thiệu dự báo của GS kinh tế Martin Feldstein ở ĐH Harvard (Mỹ) về các nguy cơ địa-chính trị quan trọng đến từ Nga, Trung Quốc, Trung Đông và không gian mạng.

Các nguy cơ này đều có cùng đặc điểm là đe dọa tương lai kinh tế thế giới trong nhiều năm.

Nga và hoạt động quân sự nước ngoài: Liên bang Nga hiện nay vẫn tiếp tục là cường quốc hạt nhân đáng sợ. Kinh tế Nga có phần suy yếu do lệ thuộc nguồn thu dầu mỏ trong giai đoạn dầu rớt giá.

Dù vậy Nga sẽ trở thành nguy cơ do thái độ phụ thuộc vào hoạt động quân sự nước ngoài (trước kia là Ukraine và nay là Syria) của Tổng thống Putin ngày càng gia tăng.

Báo chí Nga đã ủng hộ Tổng thống Putin bằng cách ca ngợi tầm quan trọng của Nga trên thế giới. Ngoài ra, Nga cũng đã từng sử dụng khí đốt xuất khẩu sang Tây Âu và Thổ Nhĩ Kỳ như vũ khí đe dọa kinh tế. Thật ra chiến lược này cũng có phần hạn chế khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt khác từ Israel.

the gioi buoc vao nam 2016. biem hoa cua arend van dam (ha lan)

Thế giới bước vào năm 2016. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan)

"Đường chín đoạn” của Trung Quốc: Trung Quốc đang bành trướng quy mô chiến lược, khăng khăng bảo vệ yêu sách chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông bất chấp xung khắc với các nước trong khu vực.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã tự dựng lên cái gọi là “đường chín đoạn” để bào chữa cho tham vọng bao chiếm hầu hết biển Đông. Trung Quốc cũng đã bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của mình.

Mỹ đã mô tả chính sách của Trung Quốc là “cản trở đi vào khu vực cấm” nhằm giữ hải quân Mỹ ở cách xa Trung Quốc, như vậy Mỹ cũng ở cách xa các nước đồng minh trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phát triển ảnh hưởng địa-chính trị qua nhiều dự án như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, viện trợ cho châu Phi, kế hoạch “Một vành đai, một con đường”.

Trong tương lai, thách thức đối với Mỹ và các đồng minh là làm sao ngăn chặn được Trung Quốc thực hiện các chính sách đe dọa phương Tây.

Xung đột giữa hai dòng Shiite và Sunni: Tại Trung Đông, thế giới chú ý đến nguy cơ từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thế nhưng vấn đề lớn nhất trong khu vực là xung đột giữa dòng Shiite và dòng Sunni.

Xung đột này đã kéo dài hàng ngàn năm. Tại hầu hết các địa phương, dòng Shiite vẫn là nạn nhân của dòng Sunni.

Saudi Arabia và nhiều nước vùng Vịnh theo dòng Sunni đã xem Iran (dòng Shiite) là đối thủ chiến lược khu vực. Đặc biệt Saudi Arabia lo ngại Iran muốn thanh toán hận thù xa xưa và kiểm soát các thánh địa Hồi giáo ở Mecca và Medina.

Nguy cơ xung đột xảy ra giữa Saudi Arabia và Iran có thể sẽ diễn ra trên các nguồn tài nguyên dầu mỏ rộng lớn ở bán đảo Ả Rập và nguồn tài chính từ các nước nhỏ dòng Sunni như Kuwait, Qatar.

Nguy cơ từ không gian mạng: Nguy cơ không gian mạng có thể làm lu mờ các nguy cơ khác bởi biên giới xung đột và quân đội không có hạn chế.

Nguy cơ này bao gồm các ngân hàng và các cơ quan từ chối dịch vụ; xâm nhập trái phép vào dữ liệu cá nhân của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, cơ quan chính phủ và tình trạng gián điệp công nghiệp.

Nguy cơ nghiêm trọng không kém sẽ đến từ các phần mềm độc hại phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu như mạng lưới điện, hệ thống thông khí, đường ống dẫn dầu, mạng lưới cấp nước và cơ sở hạ tầng tài chính.

GS Martin Feldstein ghi nhận Trung Quốc vẫn còn là nước nghèo với GDP đầu người chỉ gần bằng 1/4 GDP đầu người của Mỹ. Dù vậy dân số Trung Quốc hơn Mỹ gần bốn lần, do đó tổng GDP lại tương đương Mỹ (căn cứ sức mua tương đương). Trong khi đó, tổng GDP sẽ quyết định khả năng chi tiêu quốc phòng, cung cấp cho thị trường xuất khẩu và cung cấp viện trợ cho các nước.

 

HOÀNG DUY
Theo PLO.VN

Trở về

Bài cùng chuyên mục