Xét về giá trị hiệu ứng của các hành động thì rõ ràng người Mỹ đã thua người Nga trong quyết định mới nhất này...
Đại bàng, sư tử và rồng: Tương lai của Singapore trong thời đại Donald Trump
- Cập nhật : 10/08/2017
Bị vướng giữa một Trung Quốc ngày càng mạnh lên và một Mỹ bất ổn, tương lai ngoại giao của Singapore có vẻ sẽ gặp không ít khó khăn..
Từ lâu đảo quốc sư tử luôn giữ mối quan hệ tốt với cả 2 cường quốc, là đồng minh ở châu Á cho Washington trong chiến tranh Lạnh và là một trong những đối tác đầu tiên của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hoá kinh tế của nước này.
Trong những năm qua, Singapore đã rất giỏi trong việc lựa chọn "con đường trung lập", cân bằng mối quan hệ tích cực với cả Mỹ và Trung Quốc, các nhà phân tích nói với CNN. Tuy nhiên, với tính bất định của tổng thống Mỹ Donald Trump và tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Singapore đang nằm ở một vị trí mong manh.
"Nếu Singapore không thể thì chẳng ai có thể thực hiện được hành động cân bằng này", Kerry Brown, giám đốc viện Lau China tại King's College London, nói với CNN.
Từ chú chuột nhỏ biến thành sư tử
Cách đây 7 năm, con đường của Singapore dường như khá ổn định và an toàn. "Chúng tôi đang ở châu Á và châu Á đang bùng nổ," thủ tướng Lý Hiển Long cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010. Ông khẳng định tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tuy lớn nhưng Mỹ cũng đóng một vai trò mà Trung Quốc hay bất kỳ nước nào cũng đều không thể thay thế. Đánh dấu quốc khánh vào ngày 9/8, Singapore thực sự là một quốc gia có một không 2 về mặt chính trị và địa lý.
Quốc gia Đông Nam Á này là nước duy nhất trên thế giới có cả tiếng Anh và tiếng Quan Thoại trong số các ngôn ngữ chính thức của mình. Tuy dân số chỉ có 5 triệu người, Singapore vẫn là một trung tâm tài chính quốc tế và một thị trường tự do mạnh. Trong khi các nước láng giềng lâm vào những đợt hỗn loạn về chính trị và tài chính liên tiếp, quốc gia nhỏ bé vẫn giữ được sự thịnh vượng và ổn định.
Singapore nằm trên một trong những tuyến thương mại có giá trị nhất thế giới, eo biển Malacca - nơi phần lớn dầu châu Á chảy qua mỗi ngày. Thuộc địa của Anh ngày nay là một trong những nước giàu nhất trên thế giới tính theo GDP bình quân đầu người. Năm 2015, hàng trăm tỷ USD trong xuất nhập khẩu đổ vào các tuyến đường thủy của Singapore, cảng hàng hóa nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, sau Thượng Hải.
Về chính trị, đảo quốc này là thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN và từ năm 2010 thường được mời tham gia các sự kiện G20.
Những người bạn quyền lực
Sức mạnh của Singapore không chỉ đến từ sự giàu có mà còn từ tình bạn khăng khít với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và thủ tướng Singapore gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 Đức ngày 8/7
Singapore có mối quan hệ lịch sử và quân sự chặt chẽ với Washington từ thời chiến tranh Lạnh. Nước này cho phép sự hiện diện của không quân và hải quân Mỹ, bao gồm tàu chiến đấu ven biển USS Coronado và hơn 1.000 nhân lực sửa chữa và cung cấp nhu yếu phẩm cho các thành viên của Hạm đội 7 của Mỹ.
Đồng thời, Singapore cũng nhanh chóng qua lại với Trung Quốc khi nước này bắt đầu mở cửa kinh tế vào những năm 1980 dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Đặng Tiểu Bình "không chỉ vì những cơ hội mà còn vì sự tương đồng trong ngôn ngữ", phó giáo sư Chong Ja Ian tại khoa Khoa học chính trị (đại học Singapore), nói.
Năm 2015, để chứng tỏ chính quyền Bắc Kinh rất coi trọng tình bạn này, ông Tập từng tổ chức cuộc họp mang tính bước ngoặt với nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ở Singapore.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay thủ tướng Lý trong hội nghị G20 tại Hàng Châu năm 2016
Chiến thuật thông minh này đã được đền đáp xứng đáng: Trung Quốc và Mỹ hiện là 2 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. 1/4 xuất khẩu của Singapore (khoảng 60 tỷ USD) dành cho thị trường Trung Quốc và Hồng Kông trong khi 30 tỷ USD là giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Đại bàng và rồng đấu nhau, sư tử rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan"
Trong quá khứ, liên minh an ninh chặt chẽ của Singapore với Mỹ từng giúp giảm bớt những lo ngại về Trung Quốc. Tuy nhiên tình hình hiện nay thì khác vì "không ai ở châu Á thực sự biết chuyện gì đang xảy ra ở Washington", ông Brown giải thích.
Các chuyên gia nghi ngờ chính sách trục châu Á của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama có thể không "sống sót" trong bối cảnh ông Trump hô hào "nước Mỹ trước tiên" và chống toàn cầu hóa. Trong khi đó, Singapore là một trong những nước bảo vệ tự do thương mại hàng đầu thế giới, bởi vì nếu không "giao lưu", đất nước nhỏ bé này sẽ không thể tồn tại.
"Hiệu ứng Trump" có thể khiến không chỉ Singapore mà hầu hết các nước châu Á không còn động lực để duy trì quan hệ với Washington, phó giáo sư Quan hệ Quốc tế Michael Barr tại đại học Flinders của Adelaide nói. "Nếu ông Trump thực sự đi theo hướng đóng cửa tự do thương mại, gây trở ngại và là một đồng minh không đáng tin cậy ... Tôi thấy không chỉ Singapore mà cả khu vực Đông Nam Á đều sẽ quay sang Trung Quốc", vị phó giáo sư khẳng định.
Tuy nhiên trong năm vừa qua, trong bối cảnh thế giới "hoang mang" vì ông Trump còn Bắc Kinh lại ra sức bành trướng, tình thế của Singapore không còn đơn giản. "Trung Quốc nghĩ Singapore đang quá thân với Mỹ", ông Barr nhận định, nhắc đến việc đảo quốc phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề quốc phòng.
Vì vậy, Singapore đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi không thể rời xa Mỹ nhưng đồng thời cũng hiểu rằng về lâu về dài phải hướng tới Trung Quốc, ông Barr nói. Câu hỏi đặt ra là liệu Singapore có thể tiếp tục chiến thuật cân bằng trong "thời đại Donald Trump" đầy bất ổn.
Trang Hồ/ Theo CNN/NDH.VN