tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vũ khí mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế

  • Cập nhật : 30/06/2017

Việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm như xoài, than đá và cá hồi vốn là cách Trung Quốc sử dụng để trừng phạt các nước không tuân theo quan điểm chính trị của mình. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh còn có thể gây tổn thất cho các nước khác bằng cách cắt giảm số lượng đông đảo người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

vu khi moi cua trung quoc trong chien tranh kinh te

Vũ khí mới của Trung Quốc trong chiến tranh kinh tế

Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc gần đây tẩy chay Hàn Quốc vì nước này đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THADD) ở bán đảo Triều Tiên cho thấy Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đối với Hàn Quốc. Bắc Kinh đã cấm các công ty lữ hành Trung Quốc tổ chức đưa người dân trong nước đi du lịch Hàn Quốc. Điều này đã gây trở ngại đối với thị trường du lịch Hàn Quốc cũng như các cửa hàng miễn thuế của Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte (Tập đoàn này đã trao quỹ đất của mình cho chính phủ Hàn Quốc để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi này).

Hàng chục cửa hàng Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa và các cuộc biểu tình diễn ra khắp Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép buộc Seoul phải từ bỏ THAAD mà Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với nước này. Tập đoàn Lotte cũng đã chịu nhiều tổn thất trong các dự án liên doanh với Trung Quốc. Cụ thể, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh dừng dự án hợp tác với Hàn Quốc xây dựng công viên giải trí trị giá 2,6 tỷ USD. Ngoài ra, các trang web của tập đoàn này cũng đã bị tấn công.

Shaun Rein, người sáng lập Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc có trụ sở ở Thượng Hải cho biết: “Nếu bạn không làm những điều mà các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn, bạn sẽ bị họ trừng phạt về kinh tế. Họ sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đối với các chính trị gia trên thế giới. Họ đã làm như vậy trong nhiều năm và nó được xem là biện pháp hữu hiệu”.

Theo báo cáo của Công ty Lữ hành quốc tế Hàn-Trung có trụ sở tại Seoul, lượng khách hàng của công ty trong những tháng gần đây đã giảm 85% do Trung Quốc chỉ trích Hàn Quốc triển khai THAAD. Số lượng khách hàng trung bình mỗi tháng của công ty này đạt khoảng 4.000 người (chủ yếu là người Trung Quốc), nhưng đã giảm xuống khoảng 500 người sau khi Bắc Kinh cảnh báo người dân về những rủi ro khi đi du lịch Hàn Quốc và ra lệnh cho các công ty lữ hành trong nước dừng tổ chức các chuyến du lịch tới Hàn Quốc.

Do là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới nên Trung Quốc có thể gây tổn thương các nước khác bằng cách không cho phép nhập khẩu hàng hóa nước ngoài. Na Uy đã rút ra bài học sâu sắc từ vấn đề này. Sau khi Ủy ban Nobel có trụ sở tại Oslo trao Giải thưởng Nobel hòa bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) - nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã từng bị giam giữ, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu cá hồi của Na Uy. Quan hệ giữa hai nước chỉ trở lại bình thường sau khi Oslo cam kết tôn trọng chính sách một Trung Quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Tượng tự như Na Uy, Trung Quốc đã nhiều lần áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với Mông Cổ, nhất là cấm hoạt động vận chuyển than qua khu vực biên giới để trả đũa việc Mông Cổ cho phép lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng Dalai Lama - người hiện đang sống lưu vong và bị Trung Quốc coi là phần tử ly khai tới thăm đất nước này vào tháng 11/2016. Động thái này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành khai thác mỏ của Mông Cổ.

Đối với Đài Loan, doanh thu của ngành du lịch của vùng lãnh thổ này đã giảm mạnh khi quan hệ hai bờ eo biển trở nên xấu hơn. Hiệp hội khách sạn Đài Loan cho biết số lượng du khách Trung Quốc tới Đài Loan trong những tháng gần đây đã giảm 50%, đồng thời cảnh báo “tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn”. Tại một cửa hàng miễn thuế ở Đài Loan, một người đàn ông Trung Quốc có tên là Liu cho biết: “Tôi được các bạn khuyên không nên tới thăm Đài Loan kể từ khi tình hình eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, tôi chỉ là một công dân bình thường nên không quá lo ngại về điều đó”. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể từ bỏ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước tuân thủ yêu cầu của họ. Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm vận đối với 27 công ty xuất khẩu hoa quả của Philippines, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “ly khai” khỏi Mỹ và cam kết đi theo Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông tới Trung Quốc vào tháng 10/2016. Trước đó, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm vận này nhằm trừng phạt Manila vì quan điểm của nước này trong vấn đề Biển Đông gây bất lợi cho Trung Quốc.

Hàn Quốc cũng mong muốn nhận được kết quả tương tự như Phillipines. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Moon Jae-In đã cử đặc phái viên Lee Hae-Chan tới Trung Quốc trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh. Ông Jean-Pierre Cabestan, Giáo sư Chính trị thuộc Đại học Hong Kong Baptist phát biểu: “Đó là kiểu chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trung Quốc đang sử dụng chính sách này để phát đi tín hiệu rằng bây giờ họ đang ở thế thượng phong. Nghịch lý là trước đây Trung Quốc vốn chỉ trích chính sách này, nhưng bây giờ lại áp dụng nó bởi vì Trung Quốc trở nên mạnh hơn và Trung Quốc cảm nhận thấy có đủ khả năng để làm điều đó”.

Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng quyết đoán hơn khi nước này tìm cách lấp đi khoảng trống do chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump tạo ra. Ông Rein cho rằng: “Các quốc gia nhỏ ở châu Á không cảm nhận thấy ông Trump sẽ đứng về phía họ”. Tuy nhiên, đối với trường hợp Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, Bắc Kinh lại cân nhắc cụ thể lĩnh vực nào cần áp đặt lệnh trừng phạt để tránh hậu quả xấu tác động trở lại tới các công ty Trung Quốc. Ông Andrew Gilholm, Trưởng Ban Phân tích về Trung Quốc và Bắc Á thuộc Cơ quan Kiểm soát Rủi ro kết luận “củ cà rốt và cây gậy đã trở thành công cụ để Trung Quốc gia tăng sức ép ngoại giao”.

Theo “India times

Vũ Hiền (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Bài cùng chuyên mục