Những vấn đề của kinh tế Trung Quốc dường như chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Người thắng kẻ thua ở châu Á sau TPP
- Cập nhật : 12/10/2015
(Thuong mai)
Các nhà sản xuất ô tô và một vài doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử của Nhật Bản cùng với các công ty dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP – hiệp định tự do thương mại kết nối 12 quốc gia bên bờ Thái Bình Dương.
Một điều khoản quy định trong 25 năm tới sẽ xóa bỏ mức thuế 2,5% mà Mỹ đánh vào xe ô tô nhập khẩu sẽ có lợi cho các công ty như Toyota hay Subaru. Đó chính là lý do khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vui mừng. “TPP sẽ xây dựng bộ khung về hợp tác kinh tế với các thị trường quan trọng của ngành công nghiệp ô tô thế giới mà hiện nay Nhật Bản vẫn chưa khai thác được”, Fumihiko Ike – Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản – nhận định. Các thị trường mà ông Ike nhắc đến là Mỹ và Canada.
Ở chiều ngược lại, các công ty ô tô Mỹ (như Ford) phản đối TPP vì lo sợ sẽ thất thế trước các công ty Nhật. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng TPP không thực sự là một cú hích lớn đối với ngành ô tô của Nhật Bản. Nguyên nhân là do hiện mức thuế mà Mỹ đánh vào ô tô và phụ tùng ô tô đang ở mức khá thấp, đồng thời mức thuế 25% đánh vào các loại xe tải nhập khẩu vẫn sẽ được giữ nguyên trong 30 năm tới.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây các hãng xe Nhật Bản đã dịch chuyển hoạt động sản xuất một cách mạnh mẽ nhằm tự bảo vệ trước các biến động tỷ giá và rút ngắn lại chuỗi cung ứng. Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, các nhà sản xuất xe hơi của Nhật sở hữu tổng cộng 26 nhà máy ở Mỹ. Hơn 70% các loại xe mác Nhật bán ra ở Mỹ được sản xuất ở Bắc Mỹ.
Dẫu vậy, Hàn Quốc – nền kinh tế đi theo mô hình dựa vào xuất khẩu – đã có được các hiệp định thương mại tự do với 10 trong tổng số 12 nước tham gia TPP, trong đó có cả Mỹ. Mặc dù Seoul đã tỏ ý quan tâm tới TPP, nước này quan tâm nhiều hơn đến các thỏa thuận song phương. Năm ngoái Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.
Những “ông lớn” công nghệ của Hàn như Samsung hay LG đều dễ dàng xuất khẩu đồ điện tử và linh kiện điện tử sang nhiều thị trường mà không gặp phải rào cản thương mại nhờ những thỏa thuận này. Do đó giới phân tích cho rằng Hàn Quốc có thể chống đỡ bất kỳ tác động tiêu cực nào xuất phát từ việc không phải là thành viên của TPP.
Còn đối với Trung Quốc, chắc chắn các nhà sản xuất phụ tùng ô tô sẽ bị ảnh hưởng. Về dài hạn, TPP có thể ảnh hưởng đến những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như săm lốp và kính. Khi các nước tham gia TPP giảm thuế, các công ty sản xuất phụ tùng ô tô Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển nhà máy đến những nơi có chi phí thấp hơn (ví dụ như Việt Nam). TPP cũng sẽ khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.
Trong ngắn hạn tác động của TPP đến các công ty Trung Quốc hoạt động trong các ngành từ dược phẩm đến thiết bị công nghiệp nặng là không đáng kể. Tuy nhiên TPP có thể buộc các doanh nghiệp Trung Quốc đầy tham vọng phải đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài để đảm bảo khả năng tiếp cận thương mại toàn cầu.
Các nhà sản xuất máy móc của Trung Quốc như Sany và Zoomlion từ lâu nay đều đã hướng đến việc mở rộng sản xuất ở các thị trường nước ngoài mà trong đó có Australia và Mỹ.
“Đối với một hiệp định tự do thương mại như TPP, giải pháp cho Trung Quốc (hoặc bất cứ nước nào gặp phải vấn đề tương tự) là chuyển dây chuyền sản xuất đến các nước thuộc hiệp định đó”, John Zhu - chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng HSBC – nhận định.