Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và Mỹ chọn cách "lo thân mình trước" (America first), liệu có thể nói Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ dẫn dắt thế giới?
Ba rủi ro cho kinh tế thế giới trong năm 2018
- Cập nhật : 25/12/2017
Các nhà đầu tư hiện rất lạc quan, nhưng có thể họ đang bỏ qua một vài rủi ro lớn.
Điều gì sẽ chờ đón các nền kinh tế và các thị trường trong năm 2018? Khoảng thời gian này của năm, các nhà phân tích và quản lý quỹ đang đưa ra quan điểm của họ về triển vọng kinh tế cho năm sắp tới.
Các tổ chức đều lạc quan về triển vọng kinh tế 2018
Các nhà kinh tế của của Goldman Sachs và Barclays là những người lạc quan nhất khi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 4% trong năm tới. Đây sẽ là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 và cao hơn mức 3,7% mà Goldman Sachs đã dự báo cho năm 2017.
“Nền kinh tế thế giới có đông lực to lớn để tiếp tục tăng trưởng”, các nhà kinh tế học của Barclays, Ajay Rajadhyaksha và Michael Gavin, đã cho biết như thế trong một báo cáo vào ngày 16.11.
Các ngân hàng khác như JPMorgan, Morgan Stanley, Societe Generale, UBS và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,7-3,8%.
Các tổ chức trên có cùng quan điểm rằng rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là tương đối hạn chế. Trong một động thái riêng biệt, Absolute Strategy Research (ASR), đã đưa ra một trong những cách tiếp cận mà theo tờ The Economist là thú vị và đáng suy ngẫm nhất trong dự báo kinh tế 2018.
ASR đã phân tích sâu hơn khi làm nổi bật lên những điểm mâu thuẫn trong quan điểm đồng thuận đầy lạc quan của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018. Với định hướng đó, nhóm đã khảo sát 229 nhà quản lý tài sản tài sản, quản lý khoảng 6 tỷ USD tài sản, cho quan điểm của họ về triển vọng của nền kinh tế và thị trường.
Dự báo thị trường chứng khoán sẽ tăng lên mức cao hơn vào năm 2018 là 61%, và khả năng giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh hơn giá trái phiếu sẽ là 70%. Các quản lý tài sản cho rằng khả năng về một cuộc suy thoái toàn cầu chỉ là 27%. Và họ không lo lắng về viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.
Ba rủi ro cho kinh tế thế giới
Tuy nhiên, ASR đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong dự báo của các nhà đầu tư. Mâu thuẫn thứ nhất là các nhà đầu tư kỳ vọng sự biến động (theo chỉ số biến động thị trường VIX) sẽ tăng lên trong năm tới.
Thông thường, thị trường cổ phiếu thường phản ứng tiêu cực trong hoàn cảnh như vậy. Mâu thuẫn thứ hai giữa quan điểm của họ về chu kỳ kinh doanh và quan điểm về thị trường chứng khoán; kể từ năm ngoái, sự lạc quan của nhà đầu tư về chu kì kinh doanh đã giảm xuống trong khi sự lạc quan của họ về thị trường chứng khoán đã tăng lên. Mẫu thuẫn thứ ba là giữa quan điểm của nhà đầu tư về trái phiếu lợi suất cao (trái phiếu rác) và cổ phiếu. Thông thường, hai loại tài sản thường có mức sinh lời tốt cùng với nhau. Nhưng các nhà đầu tư thì không mấy hào hứng với trái phiếu rác, thường do các chính phủ thị trường mới nổi phát hành.
Các nhà đầu tư có thể bị "việt vị" bởi khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nhà đầu tư không kỳ vọng bất cứ điều gì lớn lao; họ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới trong năm 2018 chỉ là 6,1% thay vì mức kì vọng 6,7%. Nhưng điều này sẽ làm giảm mức tăng trưởng toàn cầu xuống 3,3% từ mức 3,5%. Thêm vào đó, lãi suất ở Mỹ có thể tăng nhanh hơn so với những gì các nhà đầu tư mong đợi. David Bowers nói rằng nhịp độ tăng lãi suất, chứ không phải là tăng lãi suất, mới chính là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường.
ASR đưa ra dẫn chứng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, điều vốn đã xảy ra ở Trung Quốc trong năm nay khi lãi suất cao hơn và tăng cung tiền chậm hơn, sẽ tạo ra những tác động trong năm 2018. Nhiều dấu hiệu đã xuất hiện, như việc giá nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã giảm xuống so cách đây chưa đầy một năm. Các công ty Mỹ và châu Âu đã tăng cường chi tiêu do kỳ vọng về tăng trưởng mạnh hơn trên toàn cầu nhưng họ có thể thất vọng với những gì sẽ xảy ra trong năm 2018.
Một lo ngại lớn khác là trong dài hạn. Kỷ nguyên nới lỏng định lượng (QE) đã khiến các nhà đầu tư nhìn nhận các loại tài sản theo một cách khác. Họ đã bị lấy đi nguồn thu nhập từ danh mục đầu tư truyền thống; lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm xuống mức thấp lịch sử và bị mắc kẹt trong bảng cân đối ngân hàng trung ương, khi FED tăng mua trái phiếu như là một hình thức bơm thanh khoản cho nền kinh tế.
Đầu tư cổ phiếu trở thành một nguồn thu nhập chính, khi các công ty làm nhà tư hài lòng khi chi cổ tức nhiều hơn và mua lại cổ phần. Các nhà đầu tư đã phân bổ danh mục đầu tư vào các tài sản khác như cổ phần tại các công ty tư nhân. Nhưng những tài sản này không có tính thanh khoản cao và được tạo nên bởi hàng núi nợ. Vì vậy, chúng ta có thể phải đón nhận một cú sốc khó chịu trong cuộc khủng hoảng tiếp theo (nếu xảy ra), khi các nhà đầu tư cố gắng để bán tháo những tài sản thiếu tính thanh khoản trên.
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn