Trong tuần này, toàn thế giới và đặc biệt các nước láng giềng của Trung Quốc được một phen choáng váng...
Trung Quốc đang khiến cả châu Á và Fed "nổi giận"
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tai chinh)
Một cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á và Fed trì hoãn nâng lãi suất. Theo lời các chuyên gia được CNBC trích dẫn, đây chính là những tác động tiềm ẩn mà động thái phá giá đồng nhân dân tệ vừa được Bắc Kinh thực hiện có thể gây ra cho châu Á.
“Nếu Trung Quốc làm đúng như những gì họ nói hôm nay, cơ chế quản lý đồng nhân dân tệ đã bước sang một trang mới. Chúng tôi đã bắt đầu nghĩ đến cụm từ “thả nổi” đối với tỷ giá nhân dân tệ/USD. Đây là một sự thay đổi rất lớn”, Richard Yetsenga – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại ngân hàng ANZ – nhận định.
Động thái hôm nay của NHTW Trung Quốc (PBOC) đã khiến thị trường tài chính quốc tế ngạc nhiên. Hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm mạnh trong tháng 7, những tác động của đà lao dốc trên TTCK đến tiêu dùng và tham vọng đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF được cho là những động lực chính phía sau quyết định của PBOC.
Trong khi đó, Nicholas Teo, chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets, cho rằng quyết định khá thú vị của PBOC ẩn chứa một vài ý nghĩa. Khi PBOC bắt đầu hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn vay từ ngân hàng được “cởi trói” và phần lớn đã được đổ vào TTCK. Giờ đây, điều chỉnh tỷ giá sẽ có ích cho các công ty đại diện cho một nền kinh tế lớn hơn (đặc biệt là các công ty xuất khẩu).
Tân chiến tranh tiền tệ ở châu Á
Có thể phá giá nội tệ là một phần trong kế hoạch tự do hóa thị trường của Trung Quốc, nhưng đây là lần phá giá mới nhất trong một chuỗi phá giá nội tệ của các nước châu Á nói riêng và nhóm các nền kinh tế mới nổi nói chung.
“Rõ ràng đây là một cú sốc đối với các nước còn lại ở châu Á. Nếu bạn nhìn vào các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc – gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức – đây là một đòn giáng mạnh vào sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát sang các nước nhập khẩu lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc. Đây là tin rất xấu đối với các đồng tiền châu Á”. Đó là nhận định của Callum Henderson, chuyên gia nghiên cứu ngoại tệ tại ngân hàng Standard Chartered.
Trên thực tế, thị trường tiền tệ châu Á đã ngay lập tức phản ứng với tin tức từ Trung Quốc. Trong khi nhân dân tệ giảm 1,8% so với đồng bạc xanh, đồng won của Hàn Quốc (KRW), dollar Singapore (SGD) và dollar Australia cũng giảm hơn 1%.
Báo cáo của ngân hàng JPMorgan nhận định các nước châu Á khác sẽ chứng kiến sức cạnh tranh giảm sút. KRW và SGD là những đồng tiền bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Kể từ đầu năm nay, các NHTW trên toàn cầu (trừ Mỹ) đã bước vào cuộc chiến nới lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu chống giảm phát và bảo vệ nền kinh tế trước đồng USD tăng giá và giá dầu lao dốc.
Nicholas Teo cảnh báo “cuộc chiến” này sẽ không kết thúc cho tới khi kinh tế toàn cầu hồi phục.
Dẫu vậy, Trung Quốc đã khẳng định đây sẽ là một đợt điều chỉnh riêng lẻ và do đó đồng nhân dân tệ sẽ không giảm giá thêm nữa. Điều này sẽ giúp giảm bớt những tổn thương có thể xảy đến với các đồng tiền ở châu Á.
Những ảnh hưởng lên Fed
Một số nhà đầu tư cho rằng động thái hôm nay của PBOC có thể khiến Fed phải trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất vào tháng 9 tới.
Nhân dân tệ và USD là hai đồng tiền duy nhất đang tăng giá trong bối cảnh thế giới chạy đua nới lỏng tiền tệ. Tất cả đều đang cố gắng tìm kiếm lạm phát bằng mọi cách và do đó sẽ xuất khẩu giảm phát sang nước có đồng tiền mạnh hơn. Giờ đây Mỹ là quốc gia duy nhất.
USD tiếp tục tăng giá sẽ là vấn đề khiến Fed đau đầu vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty xuất khẩu của Mỹ, làm giảm lạm phát cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tăng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá, do đó Fed đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)