Kinh tế toàn cầu đang co lại trong bối cảnh khối nợ phình to, khi từ năm 2007, tổng nợ đã tăng thêm 60.000 tỷ USD để lên gấp 3 GDP toàn cầu.
Lo Ấn Độ tăng trưởng kiểu Trung Quốc
- Cập nhật : 17/02/2016
(Tin kinh te)
Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Dù vượt qua Trung Quốc một cách ấn tượng, nhưng liệu Ấn Độ có đi theo vết xe đổ của người láng giềng?
Theo Đài CNN, đầu tuần trước, Ấn Độ công bố số liệu tăng trưởng GDP ba tháng cuối năm 2015 ở mức 7,3%, chậm hơn quý trước đó một ít nhưng vẫn nằm trong dự báo. Riêng quý đầu năm tài chính 2016, Chính phủ Ấn Độ dự báo mức tăng trưởng là 7,6%. Con số này chắc chắn vượt xa Trung Quốc cũng như bảo đảm cho Ấn Độ vị trí nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời gian sắp tới.
“Hiện tượng” Ấn Độ là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, nhưng bài học về tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn đó khiến các nhà phân tích không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi.
Tại Ấn Độ, khi nói chuyện người ta ao ước mô hình Trung Quốc và phát triển kiểu chiến lược, nhưng điều đó thật ngây thơ vì ta thừa biết hệ thống (pháp lý) hiện hữu là như thế nào
Arvind Subramanian (trưởng cố vấn kinh tế Chính phủ Ấn Độ)
“Make in India”
Trong lần báo cáo tình hình kinh doanh gần đây nhất của Hãng công nghệ Apple (Mỹ), giám đốc điều hành Tim Cook hào hứng thông báo doanh số điện thoại iPhone của hãng tại Ấn Độ tăng đến 76% trong năm qua. Ông mô tả tiềm năng của Ấn Độ là “cực kỳ hấp dẫn”, cộng với cấu trúc dân số có độ tuổi trung bình 27 lại càng “trên cả tuyệt vời”. Nếu là trước đây, lời tán dương kiểu này có lẽ chỉ dành cho Trung Quốc.
Ấn Độ đang có được yếu tố “thiên thời” nhờ giá dầu thế giới lao dốc, điều này giúp cắt giảm đáng kể chi phí nhập khẩu năng lượng. Giữa lúc các thành viên khác thuộc khối BRIC (các nền kinh tế lớn đang nổi) như Brazil, Nga, Trung Quốc... đang vật lộn với suy thoái thì Ấn Độ nghiễm nhiên ở vị trí tăng trưởng hàng đầu.
Để đạt thành tựu này, công đầu chắc chắn phải thuộc về Thủ tướng Narendra Modi, người sẽ kỷ niệm hai năm cầm quyền vào tháng 5 tới. Ông Modi đã dành phần lớn nguồn lực chính trị để thúc đẩy quốc hội thông qua các cải cách kinh tế cơ bản. Lịch trình công du nước ngoài dày đặc của ông Modi thời gian qua chủ yếu để truyền đi lời kêu gọi “Make in India” (Hãy sản xuất tại Ấn Độ) đến các doanh nghiệp nước ngoài.
Đã có nhiều đại gia hưởng ứng lời kêu gọi của ông Modi với các dự án mở rộng sản xuất tại Ấn Độ: hai gã khổng lồ General Electric và General Motors (Mỹ), Hãng chế tạo máy bay Airbus (Pháp), Hãng điện tử Xiaomi (Trung Quốc), Foxconn (Đài Loan)...
Trong tuần này, chiến dịch quảng bá của thủ tướng Ấn Độ sẽ lên cao trào với việc dàn lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới đổ về thành phố Mumbai tham dự một hội nghị kêu gọi đầu tư “Make in India”. Món hời mà Thủ tướng Modi mời chào các vị khách tầm cỡ chính là cải cách và tiềm năng to lớn của thị trường Ấn Độ.
Vẫn còn nhiều mối lo
Thế nhưng để duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay cũng như thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài, New Delhi vẫn còn cần thực hiện nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Điều các nhà phân tích lo ngại là việc Thủ tướng Narendra Modi không vượt qua nổi ải quốc hội, vốn đang chia năm xẻ bảy, để đưa toàn bộ nghị trình chính sách của mình về đích.
Bằng chứng là nhiều cải cách được Thủ tướng Modi hứa hẹn đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa, trong đó phải kể đến đề xuất áp dụng thuế bán hàng chung trên toàn quốc thay cho hệ thống đánh thuế theo từng bang phức tạp như hiện nay. Đề nghị này vẫn đang mắc kẹt tại Quốc hội Ấn Độ.
Rồi thì một ưu tiên khác là tháo gỡ “xiềng xích” về quy định cho các doanh nghiệp nhỏ cũng đang giậm chân tại chỗ. Ấn Độ đang ở vị trí 130 về mức độ “gánh nặng pháp lý” đối với doanh nghiệp nhỏ theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ tăng bốn bậc so với năm 2015.
Bên cạnh rào cản chính sách, các nhà phân tích còn nhận ra một số yếu tố bất lợi khác: con số tăng trưởng GDP của Ấn Độ tách rời khỏi các chỉ số khác gây nghi ngờ về chất lượng, các công ty Ấn Độ đang ngập trong nợ nần và vẫn chưa thoát khỏi tâm lý hoang mang, chỉ số chứng khoán Sensex của Mumbai đã giảm 20% trong 12 tháng qua... Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn còn yếu kém và sẽ cần nhiều thập kỷ nữa để nâng cấp.
Nhưng nếu chấp nhận những rủi ro này, Ấn Độ vẫn đang là ván cược hấp dẫn cho các công ty nước ngoài đang thèm khát tăng trưởng. Giữa lúc nhiều nền kinh tế lớn đang vật vã, tầng lớp trung lưu ngày càng đông của Ấn Độ lại có dư dả tiền để xài, dân số trẻ cũng là một tiềm năng. Như để minh chứng cho lời tán dương của lãnh đạo Tim Cook, Tập đoàn Apple vừa qua đã nộp đơn xin mở chuỗi cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ.
Theo Tuổi Trẻ