Sau mấy tháng làm các nhà đầu tư ngoại “điên đầu”, giờ đây, kinh tế Trung Quốc làm chính những người dân nước này cũng phải lo lắng.
Kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh
- Cập nhật : 18/02/2016
(Tin kinh te)
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng trước mối nguy suy giảm mạnh hơn, thậm chí là khủng hoảng tài chính có thể xảy ra dù chính phủ nước này đang sẵn sàng bơm thêm những khối tiền khổng lồ để kích thích tăng trưởng.
Báo South China Morning Post dẫn lời giám đốc đơn vị dự đoán kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, ông Chu Bảo Lương, cho biết nước này sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng tiền tệ, nhằm đảm bảo tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2016.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ dùng mọi biện pháp để điều tiết môi trường tiền tệ nhằm tránh để nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nợ, tài chính hoặc tiền tệ.
Song, quan chức này cũng cảnh báo suy giảm sẽ vẫn tiếp diễn và nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn.
Theo ông Chu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang rất chậm, tổng thu tài chính đang co lại, năng suất dư thừa đang ngày càng tồi tệ và các nguy cơ về tài chính đang tăng cao.
“Tình hình đang rất khẩn cấp và cần phải tiến hành cải cách. Các nguy cơ tài chính rõ ràng đang sắp xảy ra và bạn không bao giờ biết những nguy cơ này sẽ xuất hiện ở đâu” - ông Chu nhấn mạnh.
Ông Chu nhấn mạnh chính sách “hỗ trợ kinh tế bằng tiền” không thể tạo ra tỉ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh vì hiệu quả của các biện pháp kích thích tăng trưởng đang bị hao mòn.
“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là khoảng 6,5-7% nhưng tỉ lệ tăng trưởng thực sự sẽ sát 6,5% hơn. Đến năm 2017, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến mức 6%” - ông Chu cho biết.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ thông báo những mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này trong kỳ họp quốc hội vào đầu tháng 3-2016.
Giới chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết xuất khẩu và chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng nước này đang giảm mạnh.
Kinh tế Trung Quốc hiện nay phải phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ, chủ yếu ở các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Theo Tuổi Trẻ