Chủ nghĩa bảo hộ số của Trung Quốc vừa là nguy cơ vừa là trở ngại cho các ngành kinh doanh hàng hoá.
Trung Quốc chuyển công nghiệp gây biến đổi khí hậu ra nước ngoài
- Cập nhật : 16/05/2018
Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang đưa các ngành có phát thải khí nhà kính sang Việt Nam và Thái Lan.
Các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng lớn của Trung Quốc được cho là đang chuyển dần sang nước ngoài - REUTERS
Reuters dẫn nghiên cứu của Đại học East Anglia (Anh) cảnh báo làn sóng di chuyển các ngành công nghiệp gây biến đổi khí hậu tại Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước phát triển chậm hơn ở châu Á.
Theo đó, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn như chế tạo, xử lý nguyên liệu thô được đưa sang các nước có chi phí thấp hơn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
“Hệ thống sản xuất của Trung Quốc đang bắt đầu chuyển đổi để trở nên có giá trị cao hơn. Giá lao động ở nước này đã tăng khá nhiều”, theo giáo sư Quan Đại Bác, tác giả nghiên cứu.
Nghiên cứu cảnh báo rằng sự chuyển dịch về sản xuất và thương mại sẽ khiến chỉ tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu trong Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải nhà kính khó đạt được.
Các nước nhỏ hơn đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc góp phần chống biến đổi khí hậu nhưng nỗ lực này có thể trở nên không hiệu quả với cơ cấu chuyển dịch mới.
Sự gia tăng khí thải CO ghi nhận từ hàng chế tạo xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại, trong khi lại gia tăng ở các nước như Bangladesh và Việt Nam. Song song đó, thương mại quốc tế toàn cầu tăng 50% trong giai đoạn 2005-2015, trong đó các nước đang phát triển tăng đến 60%.
Nhiều công ty của Trung Quốc, chẳng hạn như trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, đang bắt đầu bành trướng ra toàn cầu với các nhà máy ở những nước đang phát triển.
Ông Quan kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, kể cả trong các lĩnh vực đã đưa ra nước ngoài.
Trong khi đó, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu nên có ý thức hơn trong việc tiêu dùng bền vững. Đồ đạc nhanh lỗi mốt và việc một người sở hữu nhiều xe là ví dụ của thói quen tiêu dùng cần thay đổi, trong khi xu hướng tiêu dùng thiếu bền vững này đang lan sang giới nhà giàu Trung Quốc và Ấn Độ.
“Chúng ta chỉ có 1 hành tinh trừ khi chuyển lên sống ở sao Hỏa được. Nếu tất cả 7 tỉ người trên thế giới đều tiêu dùng như người Mỹ thì chúng ta sẽ phải cần đến 7 hoặc 8 hành tinh nữa”, ông Quan cảnh báo.
Khánh An
Theo Thanhnien.vn