Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ồ ạt bơm tiền nhằm giải quyết việc thanh khoản
Mỗi năm thế giới mất 940 tỷ USD vì thất thoát và lãng phí thực phẩm
- Cập nhật : 08/06/2016
Theo ước tính, 1/3 tất cả các thực phẩm trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình di chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trong khi đó, có đến hơn 800 triệu người suy dinh dưỡng trên toàn cầu.
Thống kê cũng cho hay việc thất thoát và lãng phí thực phẩm đã khiến thế giới tiêu tốn đến 940 tỷ USD mỗi năm. Lãng phí lương thực cũng ảnh hưởng đến việc thải khí ga nhà kính, gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Vấn đề lãng phí thực phẩm đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết được lượng thực phẩm bị thất thoát hay hãng phí, hoặc chúng xảy ra khi nào. Hơn thế nữa, định nghĩa về thất thoát và lãng phí thực phẩm tại nhiều nơi vẫn chưa đồng nhất, gây khó khăn cho việc thu thập dữ liệu và đưa ra các chiến lược hiệu quả.
Tại Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu năm 2016 diễn ra tại thủ đô Copehagen của Đan Mạch, các tổ chức quốc tế đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn giúp đo lường và kiểm soát lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí (FLW).
Đây là bộ tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên dành cho các công ty, quốc gia, giúp việc đo lường - báo cáo – quản lý lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí một cách nhất quán và hiệu quả.
Bộ tiêu chuẩn này được đưa ra phù hợp với bối cảnh ngày càng có nhiều chính phủ, công ty và các tổ chức trên thế giới cam kết giảm thiểu lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí.
“Bộ tiêu chuẩn này thực sự là một bước đột phá. Lần đầu tiên, các quốc gia và doanh nghiệp có thể đo lường khối lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí với độ tin cậy và chính xác cao”, Andrew Steer, Chủ tịch và CEO của Viện tài nguyên thế giới phát biểu.
“Không thể để lượng thực phẩm bị thất thoát và lãng phí quá nhiều. Chúng ta đang có trong tay một công cụ mới đầy hữu hiệu giúp chính phủ và các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo vệ nguồn tài nguyên và cung cấp lượng thực phẩm cần thiết đến nhiều người dân hơn”, ông nói thêm.
Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn "kiểm soát và đo lường lượng thực phẩm thất thoát và lãng phí” do Viện tài nguyên thế giới khởi xướng lần đầu tại Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu năm 2013. Các đối tác của chương trình bao gồm Diễn đàn hàng tiêu dùng (CGF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của thế giới (WBCSD), Tổ chức công nhận trách nhiệm sản xuất toàn cầu (WRAP), dự án FUSIONS và Viện tài nguyên thế giới.
“Lãng phí thực phẩm khiến mọi người nghèo đi. Tôi thấy rất mừng khi sự phối hợp vững chắc giữa các tổ chức và doanh nghiệp sẽ giúp tìm ra câu trả lời cho những thách thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm trên toàn cầu. Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu đã góp phần đưa ra giải pháp xanh và sáng tạo đối với những thử thách của nhân loại”, Kristian Jensen, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch phát biểu.
Đọc thêm:The Pan Group tham dự Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu theo lời mời cá nhân của Thủ tướng Đan Mạch
Linh Lam
(Theo Người Đồng Hành)