tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế thế giới khó lạc quan

  • Cập nhật : 30/12/2015

(Tin Kinh Te)

Giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiến gần hơn tới mức tăng trưởng thực 3%-4% trong thời gian tới

Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley (Mỹ) hôm 27-12 đưa ra dự báo sốc rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm tới 5% trong năm 2016. Tức là cuối năm 2016, thế giới sẽ nghèo hơn 5% so với đầu năm. Dự đoán ảm đạm này khiến người ta thực sự muốn tin hơn vào dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2016 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra trước đó.

Dấu hiệu suy thoái

Tuy nhiên, không nên vội bi quan trước con số được cho là “giật gân” của Morgan Stanley. Thực ra vấn đề nằm ở phương tiện đo lường. Kinh tế thế giới đang tăng trưởng yếu nhất kể từ khi bắt đầu phục hồi năm 2009, với GDP toàn cầu năm 2015 ước tính tăng trưởng 2,5% theo giá trị thực của USD. Tuy nhiên, nếu đo bằng giá trị danh nghĩa của USD, con số này giảm khoảng 5%.

Giá trị thực ở đây là USD đã được điều chỉnh với lạm phát còn giá trị danh nghĩa thì không. Đó chính là “mánh khóe” mà Morgan Stanley đã sử dụng để đưa ra con số khiến người ta khó có thể thờ ơ như vậy.

nen kinh te my duoc du bao la mot trong nhung diem sang hiem hoi trong nam 2016anh: reuters

Nền kinh tế Mỹ được dự báo là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong năm 2016Ảnh: REUTERS

Nếu dự đoán trên đúng, đây cũng không phải lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế thụt lùi. Tuy nhiên, tình thế đã khác trước khi lần đầu tiên trong 2 thế kỷ qua, Trung Quốc bắt đầu chiếm một phần đủ lớn trong GDP toàn cầu để có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể.

Vấn đề là nhân tố tạo nên sự tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung Quốc xuất phát từ một chiến dịch kích thích rầm rộ và không bền vững. Không có nền kinh tế mới nổi nào lại “kết thân” với nợ ở tốc độ điên rồ như những gì nền kinh tế số 2 thế giới đang làm kể từ năm 2008 tới nay. Và nợ tăng nhanh chính là dấu hiệu rõ ràng nhất báo hiệu cho suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Chiến lược gia của Bocom International Holdings (Hồng Kông) Hồng Hạo, người từng dự đoán đúng về sự suy sụp vừa qua của thị trường chứng khoán Trung Quốc, mới đây lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh sắp đương đầu những sức ép từng gây ra khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới trong 4 thập kỷ qua: tình trạng thiếu hụt USD. Ông Hồng nhận định trong năm 2016, với lãi suất tăng lên ở Mỹ, cán cân vãng lai của Mỹ được cải thiện và đồng bạc xanh mạnh hơn, nền kinh tế số 2 thế giới sẽ lâm nguy.

Kinh tế Mỹ tiếp tục sáng sủa

Trong khi đó, nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s dự trù mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ là 2,7% trong năm 2016. Theo tạp chí Fortune, dự đoán này hợp lý trong bối cảnh thế giới “nhà giàu” đang tăng trưởng ở mức thậm chí còn thấp hơn Mỹ và sự sụp đổ trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bên cạnh rủi ro đến từ giá dầu thô tiếp tục giảm.

Chính phủ Trung Quốc đã hạ mức tăng trưởng GDP còn 6,9% trong năm 2015 và đặt mục tiêu 6,8% cho năm 2016. Tuy nhiên, giới chuyên gia chưa bao giờ hết nghi ngờ về độ chính xác của những con số do Bắc Kinh công bố. Họ dự đoán nền kinh tế số 2 thế giới sẽ tiến gần hơn tới mức tăng trưởng thực 3%-4% trong thời gian tới. Ông Trịnh Danh Khải, thuộc Tập đoàn Đầu tư CLSA (Hồng Kông) cho rằng năm tới nhiều khả năng lại xảy ra một đợt phá giá đồng nhân dân tệ nữa.

Ngược lại, 2016 sẽ là năm bước ngoặt đối với Ấn Độ khi nền kinh tế sôi động này vượt mặt người hàng xóm khổng lồ ở phía Đông để trở thành nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. IMF dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,3%. Dù không thể đứng ngoài xu thế đi ngược gió mà các quốc gia mới nổi khác đang chống chọi, Ấn Độ lại nắm trong tay thế mạnh mà Trung Quốc đang đánh mất. Lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ lớn mạnh tới mức vượt Trung Quốc trong 10 năm tới ngay cả khi không phải là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Riêng khu vực đồng euro (eurozone) vẫn chưa yên thân sau nhiều năm thường xuyên trong tình trạng vật lộn thoát hiểm vào phút chót. Mỗi lần khủng hoảng tưởng như đã qua, lại có chuyện tồi tệ gì đó xảy đến. Năm 2016, “chuyện gì đó” này nhiều khả năng là Hy Lạp vốn đã mắc kẹt vì nợ nần và cái bẫy khắc khổ, đó cũng có thể là một Tây Ban Nha đang kiệt sức hay nước Pháp hụt hơi.

Hàng loạt hãng đầu tư lớn đều lần lượt công bố những dự báo riêng, trong đó có những ánh mắt hướng về khả năng của một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng có thể con đường phía trước còn khá gập ghềnh nhưng những cảnh báo về một cuộc suy thoái chỉ là thổi phồng. Chuyên gia kinh tế học của báo Guardian (Anh) Larry Elliott nhận định: Năm 2016 kinh tế thế giới sống trong nguy hiểm, “quả bom” kinh tế chưa nổ nhưng sẽ bị châm ngòi.


Thu Hằng
Theo Người Lao động
Trở về

Bài cùng chuyên mục