Tài liệu Panama đã cho thấy sự dính líu của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn của thế giới, trong việc lập ra các công ty bình phong.
Tài liệu Panama: Nghi HSBC lập 2.300 công ty bình phong
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Loạt Tài liệu Panama cho thấy ngân hàng lớn nhất thế giới HSBC lập hàng nghìn công ty bình phong để hỗ trợ doanh nhân và chính trị gia các nước che giấu tài sản và rửa tiền.
South China Morning Post dẫn thông tin từ Liên minh các Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết, HSBC và các chi nhánh của ngân hàng này sở hữu hơn 2.300 trong tổng số 15.600 công ty bình phong mà hãng luật Mossack Fonseca tại Panama lập ra nhằm giúp khách hàng tại hàng trăm ngân hàng trên thế giới che giấu tài sản.
Các nhà báo của ICIJ đang tập trung nghiên cứu hàng triệu trang tài liệu bị rò rỉ, chắp ghép lại với nhau nhằm làm rõ nghi ngờ rằng một mạng lưới công ty bình phong toàn cầu giúp các lãnh đạo trên thế giới, tội phạm và nhiều người khác che giấu tài sản. Hồ sơ trong vụ rò rỉ cho thấy hơn 200.000 công ty đóng vai trò làm vỏ bọc.
Dù các công ty bình phong có thể là hợp pháp, chúng vẫn có thể là công cụ để che giấu tài sản, rửa tiền hoặc trốn thuế. Trong số các quốc gia, Mỹ yêu cầu các ngân hàng kinh doanh trong nước thẩm định khách hàng ở một mức độ nhất định để hiểu hơn ai là chủ sở hữu hưởng lợi từ những công ty này.
Theo ICIJ, hơn 500 ngân hàng yêu cầu hãng luật Mossack Fonseca và một công ty tiền nhiệm tạo ra các công ty bình phong cho khách hàng kể từ năm 1977 tới 2015. Các ngân hàng này bao gồm Credit Suisse (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ), Coutts (London, Anh).
Các ngân hàng này phủ nhận họ thực hiện các hành vi sai trái trong khi số khác từ chối đưa ra bình luận.
Tuy nhiên, vụ rò rỉ tài liệu có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa các ngân hàng tại các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển, theo Peter Hahn, giáo sư tại Viện Dịch vụ Tài chính của London, Anh.
"Các lãnh đạo và giám đốc điều hành ngân hàng sẽ có một đêm khó ngủ bởi lo lắng và tự hỏi liệu ngân hàng của họ đã dính dáng tới những thỏa thuận này cho dù nó hợp pháp hay không và việc này đã xảy ra bao lâu", ông Hahn nhận định.
Trong một tuyên bố, HSBC khẳng định, ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc chống tội phạm tài chính và thực hiện các biện pháp trừng phạt.
"Chính sách của chúng tôi luôn rõ ràng rằng các tài khoản nước ngoài chỉ mở khi chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng (bao gồm thẩm định toàn diện, xác minh danh tính, nguồn gốc tài sản và kiểm tra tính minh bạch về thuế), hoặc nhà chức trách yêu cầu chúng tôi duy trì một tài khoản cho hoạt động giám sát, hoặc một tài khoản bị đóng băng dựa trên các nghĩa vụ trừng phạt", HSBC cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, giới điều tra vẫn chưa cáo buộc các ngân hàng trong việc thực hiện các hành vi sai trái liên quan đến kinh doanh vớicông ty luật ở Panama. Tuy nhiên, việc các tài liệu bị rò rỉ có thể khiến HSBC gặp khó khăn. Ngân hàng này đang bị hoãn truy tố 5 năm theo thỏa thuận của Bộ Tư pháp Mỹ năm 2012, chấp nhận nộp phạt 1,9 tỷ USD và thừa nhận hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của luật pháp Mỹ và các điều luật chống rửa tiền.
Hai ngân hàng UBS và Credit Suisse cũng đang ở hoàn cảnh tương tự. Năm ngoái, một đơn vị của UBS nhận tội lừa đảo liên quan tới việc thao túng lãi suất cơ bản. Credit Suisse thừa nhận giúp công dân Mỹtrốn nộp thuế vào năm 2014. Khi dàn xếp với Bộ Tư pháp, các ngân hàng này cam kết sẽ hợp tác đầy đủ trong mọi cuộc điều tra các hành vi sai phạm khác.
Trong các báo cáo, UBS và Credit Suisse khẳng định họ thực hiện các hoạt động kinh doanh luôn tuân thủ theo luật pháp và quy định hiện hành. "Chúng tôi không quan tâm đến các khoản tiền mà không bị đánh thuế hoặc có được từ các hoạt động bất hợp pháp", UBS cho biết.
"Đối với Credit Suisse, điều quan trọng hàng đầu với chúng tôi là khách hàng sử dụng dịch vụ với mục đích hợp pháp, như việc thiết lập tài sản của gia đình ở các quốc gia khác nhau", Credit Suisse tuyên bố.
Ngân hàng Coutts cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định, bao gồm các luật về thuế, quy định về phòng chống rửa tiền và trừng phạt quốc tế. "Chúng tôi yêu cầu tất cả khách hàng phải tuân thủ quy định về thuế và coi đó như một điều kiện để được tiếp nhận sản phẩm dịch vụ của chúng tôi".
Hãng luật Mossack Fonseca, trụ sở tại Panama, có chi nhánh tại nhiều khu vực như Hong Kong, Miami, Zuric và hơn 35 địa điểm khác trên toàn cầu. Theo ICIJ. Trong văn bản gửi đến ICIJ, hãng luật này khẳng định không khuyến khích hay thúc đẩy thực hiện các hành vi bất hợp pháp. Những cáo buộc về việc Mossack Fonseca cho các cổ đông với các hoạt động nhằm che giấu danh tính chủ sở hữu là hoàn toàn không có căn cứ và sai trái.
Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama là tâm điểm của những tài liệu mật vừa rò rỉ. Hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính của công ty này vừa lộ cho thấy quy mô của các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền mà những công ty ma trên khắp thế giới thực hiện.
Những công ty ma này núp dưới hình dạng của một doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền nhưng che đậy thân phận của người sở hữu. Tuy nhiên, trụ sở của những công ty ma thường đặt ở những nơi nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu trong trường hợp họ muốn.
Các khách hàng cũng cần một trung tâm tài chính nước ngoài, cái thường được gọi là Thiên đường thuế. Nó thường là các quốc đảo nhỏ, với rất nhiều ngân hàng bí mật cùng mức thuế thấp hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch. Những cái tên điển hình là quần đảo Bristish Virgin, Bahamas, Panama…. Nó giúp rửa các khoản tiền phi pháp từ tham nhũng, trốn thuế, buôn bán ma túy….
Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp. Nó giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát, khiến bại lộ các hành vi phi pháp. Khi tham nhũng, một chính trị gia cần rửa số tiền bẩn để không bị lộ. Nó sẽ được chuyển tới một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của công ty ma mà không ai có thể truy tìm nguồn gốc. Từ tài khoản này, số tiền có thể được dùng hợp pháp trên khắp thế giới.
Tống Hoa
Theo Zing.vn